Chiều ngày 29/5, Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024 do báo Thể thao Văn hóa tổ chức diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ như: nhà văn Trần Đăng Khoa, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, nhạc sĩ Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương… cùng các tác giả lọt vào vòng chung khảo.
Theo đó, kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 5 gồm: “Tự truyện một con heo” của nhà văn Lý Lan xuất sắc giành Giải Hiệp sĩ Dế Mèn; 5 Giải khát vọng Dế Mèn; 2 tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo trong tổng số 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của Giải thưởng.
“Tự truyện một con heo” của nhà văn Lý Lan đã xuất sắc giành Giải Hiệp sĩ Dế Mèn
Phát biểu tại buổi Lễ trao giải, nhà văn Trần Đăng Khoa cho hay, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đang ngày một tổ chức chuyên nghiệp hơn, cách thức trao giải thưởng cũng sinh động hơn.
“Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn được lấy từ tác phẩm văn xuôi nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, “Dế mèn phiêu lưu ký” là một cách đặt tên cho giải thưởng rất hay. Bởi đây là cách chúng ta giữ bản sắc dân tộc, giữ vẻ đẹp văn hóa, giữ trong cách phát triển. Tuy nhiên, điều tôi hơi đáng tiếc là trong các mảng sáng tác không còn các em bé nhỏ làm thơ nữa. Vì vậy tôi mong mỏi tìm được một em bé làm thơ để trao Giải Hiệp sĩ Dế Mèn. Nếu BTC tìm được tác giả nhỏ tuổi sáng tác thơ thì trao Giải Hiệp sĩ Dế Mèn, với giải thưởng là 30.000.000 đồng hay 50.000.000 đồng, tôi cũng sẽ trao giải thưởng đúng với số tiền như vậy cho tác giả nhỏ tuổi đó. Vì sao tôi nói vậy, bởi sáng tác thơ cho các em là một vấn đề nhạy cảm, là vấn đề của toàn xã hội quan tâm, vấn đề lớn, nên tôi nghĩ chúng ta phải làm sao tạo điều kiện để có được các tác giả, đặc biệt các tác giả nhỏ tuổi”, nhà văn Trần Đăng Khoa nói.
Chia sẻ về tác phẩm “Tự truyện một con heo” nhà văn Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: “Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng… Đây là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm dự giải lần này”.
PGS. TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét: Truyện viết rất có nghề. Bầy đặt nhân vật (cả con vật lẫn con người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc.
Nhà văn Lý Lan, tác giả “Tự truyện một con heo” cho hay: “Thời điểm tôi viết câu chuyện này tôi đã gác bút và không xuất bản nữa, chỉ nghĩ mình viết chơi chơi vậy, nên khi Ban tổ chức thông báo chuyện của tôi đoạt giải, tôi đã khá bất ngờ. Tôi cảm ơn Ban Giám khảo, Ban tổ chức đã chấm giải cho câu chuyện của tôi”.
Theo nhà văn Lý Lan, thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, còn văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc (emotional intelligence). Một người dù dành hết thời gian đọc sách khi tuổi còn nhỏ thì cũng vất vả lắm mới hưởng thụ được phần cốt lõi của kho tàng văn học vốn đã đồ sộ của nhân loại.
Còn theo Ban tổ chức, Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là phần thưởng cao quý nhất, được xét “phong tặng” cho những tác giả hoặc là có tác phẩm đặc biệt xuất sắc đến mức xuất chúng; hoặc có tác phẩm nổi bật lọt vào vòng chung khảo, đồng thời có nhiều cống hiến cho thiếu nhi trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Không phải là truyện đồng thoại ngộ nghĩnh, ngọt ngào như “Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi”, cũng không trong veo, lấp lánh như những truyện trong “Ngôi nhà trong cỏ”, truyện dài “Tự truyện một con heo” (2023) của nhà văn Lý Lan tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn hai tập truyện trước của bà.
Cũng theo Ban tổ chức, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm nay có khá nhiều bất ngờ và điểm nổi bật. Đó là lần đầu tiên, Giải thưởng đã vinh danh một tác phẩm thơ mà là thơ của một nữ tác giả trẻ – tác giả Lã Thanh Hà (sinh năm 1993).
Tác phẩm thơ “Vương quốc nhỏ bí mật” của Lã Thanh Hà là những lời thủ thỉ, tâm tình về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, con người với con người nói chung, giữa trẻ nhỏ và cuộc sống, cây cỏ, muôn loài nói riêng. Sự kết nối này lúc rõ ràng lúc ngầm ẩn, được thể hiện xuyên suốt tập thơ.
Điểm nổi bật thứ hai là vinh danh những gương mặt thiếu nhi thực sự xuất sắc. Tác phẩm “Thư viện kỳ bí” của Lê Sinh Hùng (14 tuổi) là một bất ngờ trong số các tác phẩm của thiếu nhi gửi dự thi năm nay.
Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024 thu hút sự tham gia của 135 tác phẩm và là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất so với các mùa giải trước, tăng 14 tác phẩm so với mùa giải gần nhất được tổ chức năm 2023.
Từ 135 tác phẩm này, qua 2 vòng chấm, Ban Sơ khảo Giải thưởng đã chọn ra Top 10 tác phẩm xuất sắc nhất trình lên Hội đồng Giám khảo.
Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên: họa sĩ Thành Chương, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, PGS.TS Văn Giá và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
Trải qua 4 mùa giải (từ 2020 – 2023) đã có 2 giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần lượt được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023) cùng 18 giải Khát vọng Dế Mèn, 2 Tặng thưởng được trao cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 6 tác giả là thiếu nhi.
Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024:
I. Giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với “Tự truyện một con heo” (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.
II. Giải Khát vọng Dế Mèn (5 giải, xếp theo thứ tự a, b, c tên tác phẩm).
1. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng).
2. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai).
3. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi).
4. Trăng ơi… từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa).
5. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks).
– Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn (2 Tặng thưởng):
1. Chùm sách thiếu nhi trong bộ “Vun đắp tâm hồn” (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ).
2. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn).
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn