January 23, 2025

Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Danh ca Thanh Tuyền từng “phán” một câu về tương lai của Hoài Linh và điều đó đã ứng nghiệm
  • Hé lộ nỗi buồn lớn nhất của Thương Tín và điều muốn thực hiện với mẹ ngoài 90 tuổi dịp Tết
  • Một Di tích lịch sử được xếp hạng ở Hải Phòng bị mất 17 hiện vật

  • Triển lãm giới thiệu 84 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cương với chất liệu sơn mài, sơn dầu, ký họa chì và màu nước được sáng tác từ năm 1970 đến năm 2014. Tham dự buổi lễ có ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo; đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và đại diện gia đình cố họa sĩ Nguyễn Cương.

    Chia sẻ tại buổi lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm (vợ của họa sĩ Nguyễn Cương) xúc động kể về những ngày tháng cuối đời của họa sĩ Nguyễn Cương.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 1.

    Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tư duy trong vẽ tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Cương đã đi trước thời đại rất nhiều năm. Ảnh: Phạm Thứ.

    “Hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là có người chồng, người cha, người ông vừa là một họa sĩ giỏi vừa là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Chúng tôi đã được sống cùng anh, trong thế giới tâm hồn của anh, hình và sắc trên những bức tranh của anh, và hiện vẫn đang sống hạnh phúc trong thế giới ấy cho dù anh đã vắng mặt.

    Trước khi qua đời, họa sĩ Nguyễn Cương đã từng có ý định tổ chức triển lãm nhưng sức khỏe của ông không còn đủ. Triển lãm lần này cũng là tâm nguyện của chồng tôi trước khi nhắm mắt”, bà Lâm chia sẻ.

    Cũng tại buổi lễ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (bạn thân của họa sĩ Nguyễn Cương) cho biết, trong sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Cương là người luôn tìm tòi, suy nghĩ và không bao giờ chấp nhận những điều đơn giản; ông luôn trăn trở rất nhiều trước khi đặt bút vẽ.

    Đề tài sáng tác của họa sĩ Nguyễn Cương tiêu biểu là hình tượng người chiến sĩ trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó các tác phẩm cũng thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, tranh tĩnh vật, tranh trừu tượng các góc nhìn tâm tưởng của họa sĩ.

    Được sự gợi mở, động viên và giúp đỡ của những người thân, các bạn đồng ngũ, đồng môn, đồng nghiệp của họa sĩ Nguyễn Cương, gia đình ông đã mạnh dạn sưu tầm, sắp xếp, ghi chú các tác phẩm và tư liệu của anh để lại, tập hợp để thành một triển lãm.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 2.

    Ông Vi Kiến Thành, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (thứ 4 từ trái sang) và bà Nguyễn Thị Lâm (thứ nhất từ phải sang) cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Phạm Thứ.

    Chia sẻ tại buổi triển lãm, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hoạ sĩ Nguyễn Cương có tư duy đổi mới từ rất sớm. Bảng màu được ông sử dụng khác biệt và rất mới so với những họa sĩ cùng thời. Tranh của họa sĩ Nguyễn Cương đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy sử dụng chất liệu màu trong vẽ tranh sơn mài. Xem những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cương trưng bày tại triển lãm, tôi cảm thấy như là những tác phẩm của những họa sĩ đương thời chứ không phải của một người sinh năm 1943. Ông đã đi trước thời đại rất nhiều”.

    Triển lãm sẽ mở cửa tới hết ngày 30/5.

    Họa sĩ Nguyễn Cương sinh ngày 02/01/1943 tại thành phố Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình căn bản, bố làm thợ nguội, mẹ nội trợ, có nghề dệt vải, lụa. Với vóc dáng khỏe mạnh mà thư sinh, lại có năng khiếu nghệ thuật hát múa hay, thạo văn thơ, nói được đến năm thứ tiếng…ông nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

    Năm 1962, họa sĩ Nguyễn Cương nhập ngũ. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Tới năm 1983, ông tiếp tục tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest, Hungary. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài 45 năm cuộc đời, Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh.

    Ngoài hội họa giá vẽ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành điêu khắc. Có rất nhiều người bạn của anh đã nhận xét: Trong những họa sĩ cùng thời với ông, các họa sĩ quân đội, nhất là các họa sĩ Hải Phòng, tính cách Nguyễn Cương cũng như nghệ thuật của ông xứng đáng là một chân dung đáng nhớ. Ông đã lao động nghệ thuật liên tục cho đến khi qua đời ở tuổi 71.

    Một số bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Cương tại triển lãm: 

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 3.
    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 4.

    Tranh vẽ những cô gái thông tin. Ảnh: Phạm Thứ.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 5.

    Tranh vẽ múa rối nước. Ảnh: Phạm Thứ.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 6.

    Tranh vẽ chiến sĩ trầm tư (giữa hàng dưới) và một số bức tranh khác. Ảnh: Phạm Thứ.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 7.

    Một số chủ đề khác: Đường mây, Hân hoan trần thế,… Ảnh: Phạm Thứ.

    Họa sĩ quân đội vẽ tranh chiến sĩ, các cô gái thông tin liên lạc- Ảnh 8.

    Tranh vẽ chủ đề Hội hợp; Lính đảo đón khách. Ảnh: Phạm Thứ.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn