January 22, 2025

Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: “Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”

  • Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần – người dàn dựng nhiều bộ phim nổi tiếng về đề tài nông thôn như “Đất và người,” “Ma làng,” “Gió làng Kình”… vừa qua đời ngày 22/5, hưởng thọ 76 tuổi.

    Con trai ông là đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, được biết đến với “Người thổi tù và hàng tổng” và “5S online”Khán giả truyền hình cũng từng ấn tượng với anh qua bộ phim “Sóng ngầm” và “Người thừa của dòng họ”, đồng đạo diễn với Trịnh Lê Phong.

    Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: "Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam"- Ảnh 1.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng. Ảnh: FBNV

    Nguyễn Hữu Trọng làm đạo diễn vì là “con của bố Phần”. Anh từng chia sẻ: “Nghề của tôi là cha truyền con nối. Bố là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nên ngay từ nhỏ, tôi đã có may mắn được giao lưu, gặp gỡ với các thế hệ điện ảnh đi trước. Từ năm lớp 7, tôi đã theo bố đi làm phim, tham gia công việc ở tổ thiết kế đạo cụ. Lúc đó, tôi đi chỉ vì cái tính thích được lang thang. Hồi ấy, phim nào của bố tôi cũng đóng “một tí”, toàn những vai phụ “linh tinh”… Và lòng yêu điện ảnh đã ngấm vào máu tự bao giờ. Tôi đã làm phó rất lâu cho đạo diễn Phi Tiến Sơn. Vào nghề rất sớm nhưng học nghề thực thụ là khi được làm cùng anh Sơn. Đây là khoảng thời gian quý báu mà tôi tích góp được nhiều kinh nghiệm hơn so với ở trường”.

    Mới đây, anh đã có những chia sẻ xúc động về người cha của mình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. 

    Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: "Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam"- Ảnh 2.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vừa qua đời ngày 22/5/2024. Ảnh: FBNV

    “Ngày tôi còn nhỏ, thi thoảng thấy bố bị mẹ mắng vì việc A, việc B gì đó trong cuộc sống… mẹ mắng cũng ghê nhưng bố chỉ cười, gãi đầu và ông luôn hát bè cùng mẹ câu kết luận của ca khúc mắng: “Ông mà là đàn bà thì chửa hoang suốt ngày”. 

    Hai bố con nhìn nhau hí hởn… Thú thật, lúc ấy, mình chẳng hiểu sao bố bị mẹ mắng, chẳng hiểu sao bố lại “chửa hoang” và chẳng hiểu bố gì mấy. Sau này khi lớn lên, khi ra đời, khi lăn lộn vào công việc với những người bạn, người em người học trò của bố (tôi gần như chưa bao giờ làm một dự án nào chung với bố) và cho mãi tới tận tuổi trung niên tôi mới thực sự hiểu ra bố mình là một con người vui nhộn, rất hồn nhiên, thật thà đến nguy hiểm và đặc biệt hơn là cả bố mải chơi thuộc hàng “có số có má” ở Việt Nam, bảo sao mẹ chả mắng. 

    Nhiều người bạn của bố tới giờ vẫn tâm sự với tôi về tính thật thà hồn nhiên của ông “chú vừa tán con đó, chưa kịp làm gì, bà người yêu “thật” của chú nghi ngờ, bà ấy “quay” nhẹ bố mày phát, thế là tồng tộc khai ra… thế là tao chả còn gì với cô bồ. Thậm chí, chú còn phải chứng minh yêu bà người yêu “thật” bằng cách cưới bà ấy. Chỉ vì bố mày mà giờ vợ tao ngồi kia kìa”…

    Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: "Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam"- Ảnh 3.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (giữa) và bạn bè. Ảnh: FBNV

    Lại có ông bạn vong niên khác mời bố về công tác và bàn bạc với nhau về việc giúp nhau cùng lãnh đạo đơn vị. Sau một thời gian ông bạn vong niên bảo: “Thằng này đếch biết giữ bí mật thì làm sao làm được chính trị. Mày mà đi hoạt động cách mạng thì khai vượt cả định mức”.

    Hồn nhiên, thật thà, lại không hại ai nên đi đâu ai cũng quý, có cả quý thật, có cả quý moi tin nhưng từ moi tin xong lại thành quý thật. 

    Ngành điện ảnh của bố ngày xưa có một ông nổi tiếng với cái tên “Lưu mải chơi”. Chú Lưu đang đi mua rau muống cho vợ nấu cơm chiều thì thấy xe đi miền Nam của đoàn làm phim “Biệt động Sài Gòn” đi qua, mọi người trên xe hỏi “Đi Sài Gòn không?”, thế là chú ấy gật đầu nhẩy lên xe luôn và 3 năm sau chú ấy mới về lại Hà Nội nhưng không quên cầm mớ rau muống. 

    Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: "Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam"- Ảnh 4.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và bạn bè, đồng nghiệp trong một chuyến đi. Ảnh: FBNV

    Nếu chú Lưu là số 1 thì có lẽ “ông già mình” là số 0,5. Nếu chú Lưu là Chủ nhật, chắc chắn bố tôi không thể là thứ 2. Tôi cũng có 3 cái mùa hè vào Sài Gòn thăm bố khi cụ rong chơi với bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Bố đi chơi ngẫu hứng với bạn đồng nghiệp, với học trò, với các nghệ sỹ khác. Những chuyến đi khám phá chiều dài đất nước, những chuyến đi tìm hiểu các nền văn hóa, những chuyến đi trải nghiệm… thậm chí không cần tiền.

    Có lần bố khoe: “Tao đi từ đây vào Sài Gòn là chả cần cầm đồng nào vẫn xong, lúc nào gọi cái cũng có bạn ra tiếp đón và chơi vui vẻ, chán thì mới đi tiếp”. Mình bảo: “Thế bố cũng phải có tiền nạp điện thoại mới gọi được bạn chứ”. Biết mình nói đểu, ông cười bảo: “Thì điện thoại cứ mượn ông thứ 1 gọi ông thứ 2, cho đến cuối chặng cũng được”.

    Ngoài 70 tuổi, nào là COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính – PV), nào là tiểu đường mà đợt rét đầu năm vẫn đi tận Yên Bái trong cái lạnh tới 4-6 độ. Về vẫn vui vẻ tâm sự: “Bố tí chết, lạnh thế, may mà có cái xịt mũi này nên vẫn thở được”. Tự trốn đi chơi, tự nhận tí chết rồi cũng lại tự nhận là may… có lẽ chỉ có bố tôi là vậy.

    Con trai NSND Nguyễn Hữu Phần: "Bố tôi mải chơi thuộc hàng có số má ở Việt Nam"- Ảnh 5.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và các đồng nghiệp. Ảnh: FBNV

    Có lẽ, những người đã gặp bố, những người giờ vẫn còn nhớ và nghĩ đến bố không ai không thấy vui khi cùng chém gió với bố. Những chuyến đi của bố như góp phần làm cho hành trình kết nối ngày thêm rộng mở trên nền tảng của sự thiện tâm và thân thiện. Giờ bố đã đi vào một chuyến đi riêng của mình mà con không thể dõi theo và cũng chẳng biết gì mà kể. Chúc bố vẫn luôn tiếp tục là “Lão ngoan đồng” dễ mến, vui tươi, chân thật. Chúc bố vẫn luôn có nhiều người bạn đáng mến dù ở cõi nào. Nhớ Bố”.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hưng Yên, là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

    Năm 1992, với sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam, ông cùng các đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn thành lập Trung tâm Điện ảnh trẻ. Cùng năm này, ông sản xuất bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” và gặt hái thành công lớn, với 4 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI, tổ chức tại Hải Phòng năm 1993 gồm: Giải biên kịch xuất sắc, Giải phim hay nhất, Giải diễn viên và Giải âm nhạc.

    Năm 1994, ông được đạo diễn Khải Hưng mời về Hãng Phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam, tham gia dự án phim “Lẽ nào anh lại quên.” Năm 1996, bộ phim “Những mảnh đời của Huệ” do ông đạo diễn cũng rất được khán giả yêu thích.

    Bộ phim truyền hình “Ma làng” đã mang về giải thưởng Cánh diều Vàng Việt Nam cho Đạo diễn xuất sắc nhất-Phim truyền hình dài tập năm 2008. Các phim “Gió làng Kình,” “Đất và Người” cũng mang về nhiều giải thưởng dành cho phim truyền hình dài tập các năm 2003, 2008, 2009.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2015.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn