January 23, 2025

NSND Trung Hiếu: “Tôi sung sướng khi vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Hoa hậu Ý Nhi: “Năm 2025 đặc biệt với tôi khi đi thi Hoa hậu Thế giới”
  • Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm vừa bị bắt: “ông trùm” thâu tóm “đất vàng” ở Thanh Hóa
  • Vụ nam shipper bị đánh tử vong: Khởi tố 3 bị can về tội cố ý gây thương tích

  • Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) tại Hà Nội.

    Sự kiện diễn ra từ ngày 3-6/5/2024, trình chiếu 4 phim tài liệu: Hùng ca Điện Biên Phủ (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết); Cột mốc vàng Điện Biên Phủ (đạo diễn NSND Đặng Xuân Hải); Nhìn lại Điện Biên (đạo diễn Phạm Quốc Vinh); Điện Biên Phủ trận quyết chiến lịch sử (đạo diễn NSƯT Phạm Huyên) và 4 phim truyện điện ảnh: Hoa ban đỏ (đạo diễn NSND Bạch Diệp); Đào, phở và piano (NSƯT Phi Tiến Sơn); Sống cùng lịch sử (đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân); Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn).

    NSND Trung Hiếu: "Tôi sung sướng khi vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ"- Ảnh 1.

    Khán giả trẻ tham gia Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện ảnh Quân đội (Ảnh: Ban Tổ chức).

    Tại sự kiện, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã công chiếu bộ phim tài liệu Hùng ca Điện Biên Phủ , bộ phim hoàn thành đầu năm 2024. Đây là bộ phim do nhà văn Hà Đình Cẩn viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, NSND Lê Thi biên tập.

    Hùng ca Điện Biên Phủ ca ngợi vai trò của những người chiến sĩ trong mặt trận đặc biệt – mặt trận văn hóa văn nghệ. Phim tập trung vào 3 đối tượng chính: các nghệ sĩ, văn công, họa sĩ đã trực tiếp có mặt tại khắp các chiến trường Điện Biên Phủ, tham gia xây dựng tư tưởng, củng cố tinh thần chiến đấu, để người lính vượt qua mọi gian khổ, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

    Phim có sử dụng những bài hát gắn liền với chiến dịch như Hò kéo pháo (nhạc sĩ Hoàng Vân), Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên (nhạc sĩ Đỗ Nhuận)…

    Tại tối khai mạc, Hoa ban đỏ – bộ phim truyện nhựa được Điện ảnh Quân đội  sản xuất cách đây 30 năm, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ – được chiếu mở màn.

    NSND Trung Hiếu: "Tôi sung sướng khi vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ"- Ảnh 2.

    NSND Đặng Xuân Hải – Nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội (trái) và NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội (phải) tại sự kiện. (Ảnh: Ban Tổ chức).

    Theo đó, NSND Đặng Xuân Hải, NSND Trần Lực, NSND Thu Hà, NSND Trung Hiếu – Ê-kíp đoàn phim Hoa ban đỏ – đã có màn giao lưu với khán giả.

    NSND Trần Lực – người đóng vai tiểu đoàn trưởng Phương trong phim cho biết, những người lính ra trận có sự hồn nhiên, yêu đời, nhưng có niềm tin sắt đá vào chiến thắng. Với mỗi vai diễn, anh đều có cách diễn khác nhau để có sự chân thực hơn.

    Trong phim, NSND Trung Hiếu vào vai bộ đội tên Bảy, anh kể về phim: “Khi ấy, tôi mới 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Khi đi thi tuyển vào vai này, tôi run và hồi hộp lắm vì lúc đó có gần 20 người thử vai. Tôi nhìn thấy anh Trần Lực, Trọng Trinh, chị Thu Hà… thì lo lắm, diễn thử xong về nhà “mất ăn, mất ngủ” vì sợ trượt vai.

    Sau đó, cô Bạch Diệp và anh Quốc Trọng báo tôi đã được nhận vai. Tôi sung sướng khi được vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ . Đây là vai đầu đời của tôi, sự thành công của tôi bây giờ là nhờ những phút ban đầu ngô nghê nhưng đầy nhiệt huyết ấy”.

    NSND Thu Hà thì xúc động rơm rớm nước mắt khi nhắc đến NSND Bạch Diệp – đạo diễn của phim đã qua đời. Thu Hà cảm ơn vai diễn đã cho mình chỗ đứng trong lòng công chúng.

    “Trong phim, tôi đóng vai Tấm, trong khốc liệt của chiến tranh thì tình yêu vẫn hiện hữu và không thể thiếu được. Khi nhận lời mời của ê-kíp phim, tôi đã gác lại những phim khác để tham gia. Bộ phim như lưu lại những trang lịch sử, để thế hệ trẻ được học lịch sử qua phim ảnh”, chị nói.

    NSND Trung Hiếu: "Tôi sung sướng khi vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ"- Ảnh 3.

    NSND Trần Lực và NSND Thu Hà tham gia phim “Hoa ban đỏ” với nhiều kỷ niệm (Ảnh: Ban Tổ chức).

    NSND Thu Hà nói thêm, làm phim thời xưa rất khác, ê-kíp không có bộ đàm hay điện thoại di động kết nối mà chỉ huy bằng loa cầm tay, giấy tờ nhưng mọi chuyện đều “đâu vào đấy”. Mặc dù là bộ phim về chiến tranh nhưng cũng rất mềm mại, lãng mạn.

    “Đại cảnh làm tôi xúc động nhất là đoạn cuối, hình ảnh Tấm đi ngược dòng đoàn quân để tìm Phương luôn khiến tôi không thể nào quên”, NSND Thu Hà nhớ lại.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn