January 23, 2025

Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc
  • Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin về vụ án rửa tiền 30.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng
  • Hoa hậu Ý Nhi: “Năm 2025 đặc biệt với tôi khi đi thi Hoa hậu Thế giới”

  • Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển – Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Trung tâm hoạt động VHKH Văn miếu Quốc Tử Giám tổ chức nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 – 2024).

    Hội thảo đã nhận được 38 bài tham luận, trong đó, 17 tham luận được trình bày trực tiếp và được đưa vào tài liệu nghiên cứu về Giáo sư Đào Duy Anh.

    Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác- Ảnh 1.

    Toàn cảnh hội thảo: “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác”. Ảnh: Đào Trang

    Đại diện phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Nhân kỷ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã từng có hội thảo lớn về ông. Hội thảo lần đó đã khẳng định Giáo sư Đào Duy Anh là người đắp móng, xây nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh, một lần nữa, các thế hệ lại cùng nhau ôn lại những đóng góp của Giáo sư.

    Giáo sư Đào Duy Anh – chí sĩ cách mạng

    Với bài tham luận “Nhà cách mạng Đào Duy Anh”, PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nêu rõ, ngay từ khi bước vào hoạt động văn hóa, báo chí, sử học, chính trị học, triết học… học giả Đào Duy Anh đã rất chú ý và sưu tầm nhiều sách về Chủ nghĩa Mác.

    Đọc các tác phẩm Mác-xít và nung nấu việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của các chủ nghĩa thực dân cũng như nhiều trí thức yêu nước thức thời trong những thập niên đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam, Đào Duy Anh cho rằng: “Tôi tin tưởng rằng cách mạng Việt Nam muốn thành công cuối cùng tất dài theo hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội đây là chủ nghĩa xã hội khoa học hay chủ nghĩa cộng sản dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác, mà chủ nghĩa Mác tức là là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”.

    Từ khi ra đời cho đến khi bị Thực dân Pháp bắt giam vào tháng 7/1929 trong cuộc khủng bố phong trào Cách mạng trong cả nước, ông đã xuất bản nhiều sách về khơi gợi lòng yêu nước, tuyên truyền chủ nghĩa Mác, tiêu biểu là 13 tập sách “Quan Hải Tùng thư”.

    Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác- Ảnh 2.

    Chân dung cố Giáo sư Đào Duy Anh. Ảnh: BTC

    Với bài tham luận dài 13 trang có tiêu đề “Nhân cách văn hóa của Đào Duy Anh”, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám Đốc trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm rõ nhân cách văn hóa của Giáo sư Đào Duy Anh qua phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo, tinh thần tự do.

    Theo TS. Lê Xuân Kiêu, phẩm chất đạo đức mà giá trị hàng đầu là lòng yêu nước rất đặc biệt ở con người Giáo sư Đào Duy Anh. Tuy khác với một số người sau khi bị thực dân Pháp bắt bỏ tù là Giáo sư Đào Duy Anh không tiếp tục dấn thân vào công cuộc giải phóng dân tộc theo con đường làm cách mạng mà lại rẽ sang một hướng khác, nhưng cũng hướng tới phục vụ cho mục tiêu ấy… Đó là “con đường hoạt động văn hóa và góp phần phục hồi sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thực dân” và tự xác định “phải cố gắng đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác để khai thác vốn văn hóa của dân tộc và chọn lấy những cái tốt mà góp phần vào công cuộc cải tạo văn hóa nước nhà”.

    Sự sáng tạo của Giáo sư Đào Duy Anh thể hiện ở sự thức nhận của ông đối với văn hóa, vai trò của văn hóa. Ông là một trong những người sớm nhận thức được những vấn đề đặt trong việc giao thoa, tiếp biến văn hóa luôn cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để tiếp thu được những giá trị văn hóa của nền văn hóa phương tây và bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống.

    “Ông cũng đại diện cho nhân cách của một trí thức thực thụ, biểu hiện ở khát vọng tự do và đi liền với nó là tư duy độc lập. Ông cho rằng, người trí thức thực thụ phải có sứ mệnh phản biện xã hội, cho dù sau đó, ông phải rơi vào những điều kiện khó khăn cả trong cuộc sống và công việc nghiên cứu”, TS. Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

    Học giả uyên bác với những công trình nghiên cứu đồ sộ

    Trong bài tham luận “Học giả Đào Duy Anh – những ảnh hưởng trong lĩnh vực từ điển học”, PGS.TS Phạm Hùng Việt – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nêu đã nhận định rằng, Giáo sư Đào Duy Anh là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nền khoa học xã hội – nhân văn hiện đại của người Việt Nam, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghiên cứu trong đó lĩnh vực từ điển học là một trong những điểm sáng. Đi sâu vào một trong những công trình nghiên cứu, từ điển, “Từ điển Truyện Kiều” là một công trình rất có giá trị của học giả Đào Duy Anh nhưng chưa được sử nghiên cứu quan tâm nhiều.

    “Đây là cuốn từ điển đầu tiên thuộc loại từ điển tác phẩm, tác gia ở nước ta. Từ điển tác phẩm là loại hình từ điển thường thu thập và giải thích những từ ngữ của một tác phẩm nổi tiếng của một tác giả nổi tiếng.

    “Từ điển truyện Kiều” của Đào Duy Anh đã tạo ra một cơ sở vững chắc cho việc hiểu và tìm hiểu về truyện Kiều, một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của Việt Nam. Cuốn từ điển này không chỉ là một công trình tra cứu quý giá về “Truyện Kiều” mà còn là một phần không thể thiếu trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của Việt Nam”, PGS.TS Phạm Việt Hùng khẳng định.

    Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác- Ảnh 3.

    Những công trình nghiên cứu và tác phẩm của Giáo sư Đào Duy Anh. Ảnh BTC cung cấp

    Ngoài những đóng góp về lĩnh vực từ điển, Giáo sư Đào Duy Anh còn có đóng góp lớn cho các lĩnh vực khác như lịch sử, địa lý lịch sử… Trong bài tham luận “Đào Duy Anh, người đặt nền móng cho Địa lý học Lịch sử Việt Nam hiện đại”, TS. Đỗ Thị Thùy Lan nhấn mạnh: “Ông không phải là người chuyên viết hoặc hay viết về Địa lý học Lịch sử. Các công trình Địa lý học Lịch sử của Đào Duy Anh với số lượng không nhiều, có thể kể ra một số bài khảo cứu như: Cổ sử Việt Nam (1956), “Những cọc lim đào được với sự đổi dòng của Bạch Đằng” (1969), “Lai lịch thành Sài Gòn (Tư liệu Địa lý Lịch sử)” (1971), “Nhớ nghĩ chiều hôm” (hồi ký, 1972-1974) trong đó có phần “Nghiên cứu Địa lý học Lịch sử và tiếp tục làm Từ điển”. 

    Tuy nhiên, các công trình của Đào Duy Anh vừa có tính tổng hợp, tổng kết cao, vừa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể với những phát hiện và đóng góp mới, mà cho đến hiện nay, nhiều quan điểm của ông vẫn còn nguyên giá trị và chưa thể bị vượt qua”.

    Ngoài ra, 17/38 bài tham luận được trình bày trực tiếp trong buổi hội thảo tiếp tục xoay quanh quá trình hoạt động cách mạng và những di sản về nghiên cứu Giáo sư Đào Duy Anh để lại cho đời.

    Đến nay, những công trình nghiên cứu và tác phẩm của ông vẫn đang được giảng dạy, nghiên cứu phát triển và phát huy giá trị trong đời sống. Tên của ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh/thành trong cả nước như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là niềm tôn vinh đối với một nhà hoạt động cách mạng tiền bối, một giáo sư, một trí thức, một nhà văn hóa lớn của trong thời đại Hồ Chí Minh.

    Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” một lần nữa làm phong phú thêm về thân thế và công lao đóng góp với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nền học thuật dân tộc, là hoạt động tri ân, tưởng nhớ 120 năm ngày sinh của ông. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024); Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) và chào mừng những ngày lễ lớn của Thủ đô và Đất nước trong năm 2024.

    Giáo sư Đào Duy Anh (Bút danh: Vệ Thạch), sinh ngày 25 tháng 4 năm 1904 tại Thanh Hóa. Nguyên quán là làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).

    Ông từng là Tổng Bí thư của Đảng Tân Việt, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm báo Tiếng Dân và mở Quan Hải tùng thư ở Huế để sớm truyền bá tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa Mác – xít cho nhân dân.

    Ông bị đế quốc Pháp bắt năm 1929, ra tù chuyên tâm hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc bằng phương pháp khoa học mới của thời đại. Với khát vọng dân tộc chân chính và nhiệt huyết cống hiến lớn lao, ông đã để lại cho đời một di sản học thuật đồ độ. Đặc biệt, công trình “Việt Nam Văn hóa Sử cương” của ông được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam xem như kim chỉ nam trong gần 100 năm qua. Ông mất ngày 01 tháng 04 năm 1988 tại Hà Nội.

    Giáo sư Đào Duy Anh là nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng và được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Suốt cuộc đời, từ hoạt động cách mạng sôi nổi ngay khi còn trẻ đến hoạt động nghiên cứu khoa học tận hiến, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn