Người ta thường nói cái giá của sự trưởng thành là sự cô đơn và sự lặng lẽ. Phải chăng vì có quá nhiều cảm xúc, suy nghĩ dồn nén nhưng khó có thể mở lời chia sẻ cùng ai nên những vlog, podcast hay quyển sách mới ra của Hồng Phúc là cách bạn giải phóng cảm xúc và giãi bày nỗi lòng của mình?
– Điều này rất đúng. Tôi bắt đầu làm podcast cách đây hơn 1 năm. Ban đầu mục đích chỉ để giải trí tuy nhiên cho đến năm ngoái tôi lại có một biến cố về tình cảm. Tôi và mối tình cũ 6 năm gắn bó, tưởng sắp bước đến một cái kết viên mãn thì vì nhiều lý do khác dẫn đến không còn chung đường. Trong quãng thời gian đó, tôi dồn hết những cảm xúc của mình đưa vào podcast, khi đăng tải, nhận thấy mọi người khá đón nhận và ủng hộ nên tôi quyết định tổng hợp lại và được sự hỗ trợ của một công ty xuất bản để cho ra đời một cuốn sách.
Vậy cuốn sách đó là do bạn tự đặt tên hay là do NXB đặt và tại sao bạn lại lấy bút danh là “Phiêu”?
– Cuốn sách Tôi và nỗi buồn không muốn làm phiền nhau nữa là do tôi đặt, đó là tên của một trong những bức thư tôi viết trong sách. Bút danh “Phiêu” thực chất là nickname cấp 3 “Phúc Phiêu” mà bạn bè hay gọi, thậm chí ngay đến cả khi về nhà hát mọi người cũng gọi tôi bằng cái tên đó nên tôi nghĩ nó có thể là cái duyên và tôi quyết định lấy bút danh đó luôn.
Cuốn sách thể hiện theo hình thức những bức thư gửi cho chính bản thân mình đã có rất nhiều tác giả đã thực hiện rồi. Thế nhưng làm sao để 90 bức thư không bị trùng lặp nhau và liên kết với nhau để vừa vẽ ra chân dung của tác giả là việc không hề đơn giản. Trong quá trình đó, bạn đã biên tập và điều chỉnh như thế nào để phù hợp?
– Lúc viết thì mỗi bức thư chỉ như một đoạn văn ngẫu hứng, biểu hiện cho những suy nghĩ rất tự nhiên của bản thân mình. Tuy nhiên, khi biên tập thành một cuốn sách, phải điều chỉnh lại kết cấu thì tôi mới nhận ra là những bức thư đấy dù nó là chủ đề gì đi chăng nữa thì vẫn trong một giai đoạn tôi đã gặp và vượt qua được những biến cố đấy. Tôi nghĩ phải sắp xếp như thế nào để cho độc giả có thể cảm nhận được việc một người đang bắt đầu một cuộc sống bình thường và sau đó họ gặp biến cố, họ đối diện với những điều đó ra sao, lúc gồng người lên để chống đỡ, khi mệt mỏi suy sụp… rất nhiều những cung bậc khác nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua nó và tìm thấy một con đường tiếp theo để họ tiếp tục cuộc sống của mình. Đó cũng chính là hướng đi xuyên suốt trong cuốn sách của tôi.
Thông thường, mỗi bức thư đều sẽ có địa chỉ, người gửi và người nhận. Nhưng có thể thấy những bức thư của bạn, có một số những bức thư trong cuốn sách này không có địa chỉ cụ thể, đối tượng mà bạn gửi cũng không cố định, vậy có bức thư nào là dành cho mối tình của mình không?
– Có khá nhiều bức thư, nhưng chỉ vài bức là người đọc có thể cảm nhận được rõ ràng là tôi gửi cho cô bé ấy, còn lại thì chỉ là tôi gọi tên cảm xúc. Và cảm xúc ấy xuất phát từ đâu thì mọi người khi đọc thư sẽ hiểu được. Với với tôi khi có thể gọi tên được cảm xúc cũng là một cách để tôi đối diện với nó.
Vậy bạn nghĩ mình có những triển vọng hay khả năng để tiếp tục theo con đường văn chương không?
– Thật ra tôi chưa nghĩ đến việc đó, vì thực chất cuốn sách chỉ là sự may mắn, cơ duyên tình cờ…, còn theo được nghiệp văn chương hay không thì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Mục tiêu hiện tại của tôi vẫn là một diễn viên, nghệ sĩ và tôi dành tất cả những thời gian để phục vụ cho đam mê ấy.
Trở lại với công việc, có thể thấy bạn rất thành công với lĩnh vực sân khấu tuy nhiên với lĩnh vực phim ảnh thì có vẻ như bạn chưa có nhiều cơ duyên lắm?
– Đúng là tôi chưa có duyên lắm, dù cũng đi casting, đi gặp gỡ với nhiều đạo diễn. Rất nhiều đạo diễn khi gặp tôi và xem tôi diễn thử cũng khá quý mến và xin số điện thoại để hẹn cơ hội làm việc, tuy nhiên có thể là do cơ duyên chưa đến nên chưa có cơ hội. Tôi cũng không đặt nặng vấn đề này lắm, vì căn bản nghề mà tôi chọn là sân khấu, nên nếu có cơ hội rẽ sang điện ảnh thì rất tốt, còn không thì tôi vẫn cố gắng làm trọn vẹn công việc hiện tại.
Thực ra việc đóng khung mình trong lĩnh vực sân khấu thì khi chuyển mình sang một thể loại như phim ảnh cũng sẽ gặp những trở ngại nhất định. Hồng Phúc có nghĩ mình khó chuyển qua phim ảnh vì quá “nặng lòng” với sân khấu?
– Tôi nghĩ cũng có một phần, đầu tiên là về ngoại hình, tôi tự cảm thấy mình không có ngoại hình, một gu thời trang thông dụng, phổ thông… nên nếu chọn tôi cho một bộ phim truyền hình sẽ là một vai rất lạ, chứ không phải những vai bình thường mọi người vẫn làm. Tôi nghĩ đấy cũng là trở ngại cho tôi bởi vì nếu những dạng vai như thế thì cơ hội để mình nhận rất ít hoặc khi có được rồi thì làm sao để chiếm được cảm tình của khán giả càng khó hơn nữa.
Giống như kiểu mình có đường ngách rất hẹp trong diễn xuất, nên chuyện khó có cơ hội là chuyện bình thường. Nhưng cũng không hẳn là không thể. Bản thân tôi vẫn luôn muốn làm bất kỳ một cái gì liên quan đến chuyên môn và tốt cho bản thân. Hiện tại tôi vẫn có tham gia quay những phim ngắn, clip nhỏ để vừa rèn luyện chuyên môn, vừa để nếu có cơ hội sẽ không bị bỡ ngỡ chứ không hạn chế bản thân mình. Việc cởi mở bản thân không phải là đánh mất bản sắc riêng của mình mà để phong phú con người hơn.
Hồng Phúc thân thiết với ai nhất ở Nhà hát?
Ngoài người thầy đầu tiên của tôi là NSND Xuân Bắc thì còn có người anh là NSND Tạ Tuấn Minh, NSƯT Trịnh Mai Nguyên. Họ vừa là những người thầy, vừa là những người anh mà tôi rất hay hỏi chuyện và học hỏi kinh nghiệm. Có thể coi đó là hai người đặt dấu mốc thay đổi về tư duy cũng như kỹ năng làm nghề của tôi. Khi mới vào Nhà hát, những vai diễn khởi đầu của tôi là những vai phụ láu táu, hài hước thì NSND Tạ Tuấn Minh là người đầu tiên tin tưởng và trao cơ hội vào vai chính kịch, đó là vai chính trong vở Người tốt nhà số 5. Vở diễn sau đó cũng được huy chương Vàng trong Liên sân khấu Thủ đô, cá nhân tôi cũng được huy chương Bạc.
Tiếp đó là NSƯT Trịnh Mai Nguyên giao cho tôi vai trong chính trong vở Người trong cõi nhớ. Vở diễn đó được huy chương Vàng trong Liên sân khấu quốc tế thử nghiệm, chiếc huy chương Vàng đầu tiên của tôi cũng nhờ vai diễn ấy. Hai dấu mốc rất lớn ấy cũng đã thay đổi rất nhiều về cái nhìn của mọi người về tôi. Từ đánh giá một người chỉ hợp với những vở hài kịch thì bây giờ cơ hội với đa dạng vai diễn cũng được đề xuất tới tôi rất nhiều. Tôi luôn rất biết ơn NSND Tạ Tuấn Minh và NSƯT Trịnh Mai Nguyên.
Còn với người thầy đầu tiên của bạn là NSND Xuân Bắc thì sao?
NSND Xuân Bắc là thầy chủ nhiệm của tôi tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Là người đầu tiên dìu dắt, dạy dỗ nghề cho tôi. Hiện tại, anh đóng vai trò là cấp trên của tôi. Ở thầy thì tôi không chỉ học được về nghề mà còn học cả về cách đối nhân xử thế, cách sống và cách làm việc. Sự thành công của ngày hôm nay của tôi là qua bao lần rèn giũa, nghiêm khắc của thầy.
Tôi vẫn thường nhận, có lẽ mình là một trong những đứa học trò bị thầy Xuân Bắc mắng nhiều nhất. Thầy luôn rất kỹ tính từ những gì nhỏ nhất, đó là một cách rèn nghe thì có vẻ rất khắc nghiệt nhưng càng ngày tôi càng thấy sự đó là một sự chỉ bảo rất tận tâm, để tôi có thể tránh những sai lầm lớn về sau. Đến bây giờ, có gì khó khăn hay thắc mắc, tôi vẫn thường tìm thầy để tâm sự và học hỏi ngược lại thì thầy cũng luôn sẵn lòng đồng hành cùng tôi.
NSND Xuân Bắc có nghiêm khắc gấp đôi, gấp ba lần với Hồng Phúc không?
Chắc chắn là có, tôi nghĩ là yêu cầu của thầy đối với người khác là một thì đối với học trò của thầy sẽ là hai, ba. Với cương vị là một người thầy luôn muốn học sinh của mình thật tốt thì việc yêu cầu cao là điều dễ hiểu. Tôi cũng rất cảm ơn thầy vì đã luôn luôn đẩy yêu cầu cao, vẫn còn giữ sự khó tính để chúng tôi có cơ hội rèn nghề nhiều hơn.
Hồng Phúc được nhận vào công tác ở Nhà hát kịch Việt Nam cũng là nhờ thầy Xuân Bắc?
Những ngày còn trên ghế nhà trường, tôi đăng ký thực tập tại đây, kết thúc đợt thực tập thì ở lại làm việc luôn. May mắn là hơn 1 năm công tác thì chính thức được ký hợp đồng dài hạn. Đến năm 2021, tôi chính thức vào biên chế ở độ tuổi rất sớm là 26 tuổi. Nói may mắn vì hiện tại thì các bạn trẻ của cơ quan tôi cũng rất khó khăn trong việc đợi tuyển thi biên chế, đợi để ký hợp đồng ngắn và dài hạn, thậm chí là những hợp đồng thời vụ.
Thực tế thì thu nhập của các diễn viên sân khấu cũng rất ít ỏi, công việc lại rất vất vả nên gần như mọi người sẽ có làm công việc tay trái, vậy để đảm bảo được cuộc sống, bạn có làm thêm công việc nào khác không?
Trước đây, xu hướng phim có lồng tiếng vẫn còn rộng rãi thì ở nhà hát của tôi có một đội chuyên lồng tiếng phim truyền hình. Khi đó mọi người có gọi tôi đi làm cùng. Từ việc đi lồng tiếng đó, một số người nhận thấy tôi có khả năng nên thường xuyên gọi đi lồng tiếng cho phim hoạt hình, đọc bài cho đài phát thanh.
Thu nhập từ nghề tay trái đó rất ổn định mà nó cũng gần với chuyên môn của mình. Ngoài ra, tôi vẫn đi quay các chương trình nhỏ. Tuy nhiên, công việc của nhà hát trong giai đoạn tập vở chiếm nhiều thời gian nên tôi không nhận những công việc dài hạn, chỉ có thể nhận những công việc ngắn hạn, trong ngày. Cơ bản thì cũng có nhiều khó khăn nhưng cuộc sống hiện tại của tôi không có gì quá chật vật. Tôi nghĩ mình cứ cố gắng rồi sẽ nhận được những gì xứng đáng.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị từ Hồng Phúc.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn