* Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai
Khi đồng nghiệp của tôi trong công ty là Sofia bị quấy rối tình dục (QRTD), một người phụ nữ tên Anne vốn có trách nhiệm lắng nghe gọi cho cô. Trước khi cúp máy, Anne nhẹ nhàng hỏi: “Bây giờ Sofia muốn làm gì?
Một là chuyển lời cáo buộc đến ủy ban thanh tra độc lập (ombudsman). Hai là mình sẽ tiếp cận kẻ kia xem anh ta có thể đối thoại hoặc xin lỗi bạn không. Ba là mình sẽ ghi nhận sự việc vào hồ sơ để tiếp tục theo dõi”.
Sofia chọn cách thứ hai. Và kẻ quấy rối cô lặn không sủi tăm.
Ngoài Sofia, anh ta và Anne (sau này có thêm tôi), có lẽ không ai biết điều gì đã xảy ra. Bởi Sofia không muốn làm to chuyện, không muốn kẻ kia mất thể diện, và càng không muốn mình bị tổn thương trong quá trình đối chứng. Cô chỉ muốn những “trò mèo” của anh ta dừng lại.
Lên tiếng hay không lên tiếng?
Nhân vật tên Anne thường vắng mặt trong câu chuyện của nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam. Họ dường như chỉ có hai giải pháp chủ yếu.
Giải pháp thứ nhất là phản ánh với lãnh đạo, nhưng điều này thường nhận về thêm tổn thất. Nhẹ thì là cười cợt (“chỉ đùa vui thôi”, “yêu mến quan tâm thì mới thế”, “ai bảo xinh”, “em cứ cả nghĩ”, “tầm này cần gì liêm sỉ, anh/chị đang muốn mà không ai thèm quấy rối đây”). Nặng thì bị đe dọa, bị đổ lỗi, bị đánh giá, bị bẻ cong câu chuyện từ “nạn nhân” thành “kẻ thả câu”, thậm chí bị gây khó dễ trong công việc/ trù dập/ giáng chức/ hoặc cho thôi việc.
Giải pháp thứ hai là im lặng.
Sự im lặng ấy đôi khi là ngạc nhiên hoặc sợ hãi đến co cứng lại mà không biết/ chưa biết xử lý thế nào. Nó cũng có thể là bối rối hoang mang: “Hành động ấy liệu có phải quấy rối không?”; “Mình có đang nghĩ quá lên không?”; “Hay mình đã làm gì có lỗi?”; “Người ấy ở cơ quan là một tượng đài, họ làm thế lẽ nào lại sai?”; “Mình là hậu bối mang ơn họ, làm họ mất mặt có thành vô ơn không?”; “Nhỡ tình cảm mình nhận được là chân thật thì sao?”… Im lặng còn vì nạn nhân không biết nói với ai, hoặc nói cũng không giải quyết được gì vì họ nghĩ rằng văn hóa Việt Nam và văn hóa công ty là như thế.
Hành lang pháp lý và tình hình thực tế
Năm 2012, cụm từ “quấy rối tình dục” xuất hiện lần đầu trong Bộ luật Lao động. Năm 2015, Bộ Quy tắc Ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ban hành. Bộ luật Lao động năm 2019 tiếp tục quy định quấy rối tình dục là “nội dung bắt buộc” trong nội quy doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rất ít công sở thực sự biến Bộ quy tắc 2015 thành Nội quy chi tiết bởi nó chỉ là văn bản có tính tham khảo. Thực hiện hay không là hên xui, tùy vào mức độ “thiện lành” của lãnh đạo.
Vì thế khi một quấy rối tình dục xảy ra, cả công ty thường bấn loạn lên với những tin đồn, lời rỉ tai, các email cố tình/ vô ý để lọt ra ngoài, các nỗ lực bịt đầu mối, các hành vi lôi kéo bè phái, các biện pháp ngăn thông tin rò rỉ ra ngoài và các kế sách giảm thiểu tổn thất.
Trong không gian nội bộ ấy, diễn biến một vụ quấy rối tình dục trở thành chiến trường nơi các diễn ngôn trái ngược nhau cố gắng chiếm diễn đàn để trở thành phiên bản chính thống. Nói cách khác, chúng ta không đang giải quyết vụ quấy rối tình dục mà giải quyết các “thông tin” về quấy rối tình dục. Trong trận chiến thông tin kiểu vỉa hè ấy, cái chết đầu tiên chính là sự thật.
Khi một vụ drama bùng nổ ngoài công luận, người ta bắt đầu soi mói đến cách công ty ứng xử với báo chí, viết thông cáo chính thức, quản lý các bình luận, vật lộn với các thủ thuật từ ngữ, hoặc đối phó với bằng chứng. Nói cách khác, đó vẫn không phải diễn biến giải quyết một vụ quấy rối tình dục mà là diễn biến một ca “xử lý khủng hoảng truyền thông”. Trong vụ khủng hoảng ấy, cái chết thứ hai có thể là của chính công ty.
Trong cả hai trường hợp, hậu quả đều tệ hơn, và giải pháp mang tính bền vững thường bị trượt khỏi tầm ngắm.
Trở lại với Bộ quy tắc Ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục năm 2015
Dù còn nhiều bất cập nhưng Bộ quy tắc này là tiền đề để các cơ quan xây dựng chính sách và môi trường công sở văn minh, giảm thiểu những thiệt hại do tàn dư tiêu cực của văn hóa phụ hệ và sự chênh lệch về cán cân quyền lực trong công sở gây ra.
Ví dụ thứ nhất: Một bộ quy tắc ứng xử văn minh không chỉ nêu ra đâu là hành vi quấy rối tình dục. Nó còn nhấn mạnh vào sự “đồng thuận”. Một hành vi đơn giản như “nháy mắt” sẽ bị coi là quấy rối nếu lặp lại bất chấp việc nạn nhân không đồng thuận. Tài liệu về chống quấy rối tình dục của công ty cũng có thể khẳng định thêm rằng: “Im lặng” không có nghĩa là “đồng thuận”. Nó cũng gạt bỏ những giải pháp đổ lỗi cho nạn nhân kiểu: “Cháu chỉ cần ăn mặc kín đáo vào là hết”.
Ví dụ thứ hai: Một thương hiệu có thể tạo ra giá trị và thu hút nhân lực bằng cách chứng minh rằng công ty mình đã nghiêm túc xây dựng các chính sách về văn minh công sở. Đó là việc: Xây dựng quy định chi tiết về chống quấy rối tình dục; Thông qua trong cuộc họp có đầy đủ nhân sự; Đảm bảo các nhân viên hiểu rõ nội dung; Công bố trên website/ mạng nội bộ; Tập huấn thường kỳ cho nhân viên cũ và mới; Nâng cấp cơ sở hạ tầng như camera giám sát, an toàn nhà vệ sinh, thay đổi thiết kế văn phòng để đảm bảo an ninh; Có sẵn một quy trình minh bạch, dễ hiểu, đủ đơn giản và an toàn để các lkhiếu nại được xử lý nhanh chóng và công bằng..
Ví dụ thứ ba: Khi xuất hiện một cáo buộc phải đối mặt với công luận và tòa án, thương hiệu có thể lấy lại lòng tin bằng việc chia sẻ các bằng chứng rằng họ đã làm đúng chu trình đảm bảo việc điều tra, đánh giá, xử lý, kỷ luật, bồi thường kịp thời và công minh nhất có thể. Những bằng chứng như vậy giúp tách biệt một “thương hiệu” với một “cá nhân”. Nó cũng chứng minh rằng công ty có văn hóa/ chế tài đủ mạnh để kháng cự lại với cái ác.
Tuy nhiên, những bằng chứng kiểu này thường vắng bóng trong các vụ cáo buộc ở Việt Nam bởi sự thiếu hụt một nền tảng chính sách mà Bộ quy tắc đã gợi ý. Nó khiến công ty xử lý kiểu thụ động, bột phát, đối phó, “rách toang đến đâu vá víu đến đấy” thay vì đi theo một lộ trình có tính an toàn cho nạn nhân và minh bạch cho các bên liên quan.
Với những người trong công ty, khi một cáo buộc xuất hiện, Bộ quy tắc sẽ tạo cơ sở pháp quyền để họ không phải chọn phe trong cuộc chiến tin đồn. Nó cũng giúp văn hóa công sở bớt nghi kỵ, đấu đá, bè phái và thù hằn lẫn nhau. Bằng không, những ký ức độc hại ấy sẽ tồn tại nhiều năm và nhắc lại khi có dịp, ảnh hưởng lâu dài đến lòng tin của nhân viên, danh tiếng của công ty và khả năng thu hút nguồn nhân lực mới.
Quy trình Anne
Bộ quy tắc 2015 đã có sẵn những gợi ý hữu ích, bao gồm cả phương pháp phi chính thức kiểu Anne – “hòa giải”, “trung gian”, “tư vấn” khiến các bên liên quan vẫn duy trì được mối quan hệ công việc, nhất là khi sự việc chưa quá nghiêm trọng và nạn nhân chỉ muốn sự quấy rối dừng lại.
Thứ nhất, quy trình đó khá phù hợp với văn hóa “giữ gìn thể diện” của Việt Nam. Về mặt tâm lý, người ta dễ nhận lỗi và sửa sai một cách tự nguyện hơn khi được “xử lý nội bộ” và lỗi lầm ấy không quá nghiêm trọng, cũng như chưa bị cả thiên hạ soi mói, phán xét.
Khi sự việc bung bét ra ngoài, bị chồng lên nhiều tầng áp lực theo kiểu leo thang, kẻ thủ ác có thể hành động ngược lại với tiếng gọi đạo đức trong sâu thẳm nhân cách của mình. Vấn đề họ phải đối mặt không chỉ là “hành vi quấy rối tình dục” nữa mà còn là “hệ quả” của hành vi ấy: đó là “danh dự” bị tổn thương và “quyền lực” bị thách thức.
Thứ hai, quy trình kiểu Anne cũng khiến những tội lỗi do thiếu hiểu biết được xử lý thấu tình đạt lý hơn, bởi rất nhiều hành vi mà xã hội văn minh coi là quấy rối tình dục không hề bị coi là xấu xí, đặc biệt là với thế hệ đi trước.
Thứ ba, quy trình phi chính thức còn giúp nam giới khi họ trở thành nạn nhân. Đàn ông gặp nhiều lực cản khi lên tiếng bởi xã hội mặc định họ là “phái mạnh”, là kẻ bảo vệ, và vì thế, họ không thể bị xâm hại. Một quy trình tế nhị và bảo mật khiến nam giới thoát khỏi quấy rối tình dục mà không bị phán xét kiểu “đàn ông mà nhiều chuyện/ yếu đuối/ thích bỏ xừ…”
Cuối cùng, quy trình phi chính thức cũng giúp giải tỏa sự hiểu lầm, góp phần ngăn sự hiểu lầm đó biến thành một cáo buộc. Hẳn trong số chúng ta có nhiều người đang giật mình lo lắng không biết bản thân đã từng sai trong quá khứ, những hành vi vô minh của mình đã liệu có vô tình làm tổn thương sâu sắc đến ai đó ngoài kia.
Ai là “Anne”?
Trong thực tế, Anne vẫn xuất hiện đâu đó trong công ty. Đó có thể là một người đi trước được cả công ty quý mến; một đồng nghiệp đủ nhạy cảm và khéo léo; một người quen chung đứng ra làm cầu nối; một vị sếp đủ giỏi để kịp nhận ra vấn đề và tế nhị nhắc nhở.
Tuy nhiên, Anne không thể chỉ xuất hiện một cách hên xui như vậy. Anne trong câu chuyện tôi chia sẻ là một người được giao trọng trách rõ ràng.
Cũng như Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục đã đưa ra gợi ý sơ lược về Anne với tư cách trung gian hòa giải. Điều các doanh nghiệp cần làm là xây dựng cụ thể: “Anne là ai? Tìm Anne ở đâu? Điều gì khiến Anne đáng tin cậy? Anne xử lý tình huống theo những tôn chỉ giá trị nào? Nếu Anne thất bại thì sau Anne sẽ là gì?”
Xa hơn, Anne không thể chỉ là ông Bụt bà Tiên xuất hiện khi cô Tấm và Lọ Lem lâm nạn. Cái cần thay đổi tận gốc là văn hóa và lối nghĩ về giới và tính dục, để không ai còn phải “lâm nạn”, kể cả những kẻ tội đồ vô minh không hề biết mình cũng từng thủ ác.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo về thần kinh học ứng dụng trong quản trị đa văn hoá và phát triển năng lực cá nhân. Chị có một thời gian dài làm báo trước khi công tác tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Nguyễn Phương Mai cũng là tác giả hai cuốn sách “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn