May 3, 2024

Nhà hát Cô đầu – Góc nhìn lịch sử: Vì sao cô đầu bị coi là đĩ điếm, chịu nhiều sự miệt thị? (Bài 1)

Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử: Vì sao cô đầu bị coi là đĩ điếm, chịu nhiều sự miệt thị? (Bài 1)- Ảnh 1.

Ả đào (Ca trù) là loại hình nghệ thuật phát triển bậc nhất đầu thế kỷ 20. Ảnh: Phạm Thứ.

Từ sự hình thành của Nhà hát Cô đầu…

Trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, nghệ thuật Ca trù là loại hình âm nhạc có nhiều tên gọi khác nhau. Tùy vào từng môi trường diễn xướng, không gian văn hóa mà loại nhạc này sẽ được gọi là Hát Ả đào, Hát cửa đình, Hát cửa quyền, Hát nhà tơ, Hát nhà trò, Hát ca công, Hát Cô đầu… Điều đặc biệt, bản thân chữ “ả đào” hay “cô đầu” chính là danh từ dùng để chỉ người ca nữ trong giới nghề. “Ả đào” là tên gọi sớm nhất, đã được sử sách ghi nhận từ đời Lý.

Thời xưa, những người làm nghề ca xướng thường co cụm nhau lại thành từng cộng đồng nghề nghiệp trong các phường xóm riêng biệt, gọi là “giáo phường” (làng của những người ca xướng).

Trong nghề Ả đào, luật tục giáo phường xưa quy định lệ “tiền đầu”. Có nghĩa học trò mỗi lần đi diễn phải đóng một phần tiền thù lao nhỏ cho giáo phường để góp vào nuôi thầy. Theo đó, đào kép nào càng có nhiều học trò thì khi về già, tất sẽ có một khoản “lương hưu” cố định – giá trị như một chế độ bảo hiểm xã hội. Về sau, cái tên Ả đào dần được đọc trại đi, “ả” đổi thành “cô”, còn “đào” đổi thành “đầu”. Như thế, cái tên “Cô đầu” hình thành trong xu thế Nôm hóa – thuần Việt và cũng để thể hiện sự tôn vinh đạo thầy trò trong giới nghề.

 Từ sự hình thành của Nhà hát Cô đầu…

Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Bạch Vân (người có công lớn trong việc khôi phục nghệ thuật Ca trù, giúp môn nghệ thuật này trở thành Di sản văn hóa của nhân loại) chia sẻ, Ca trù là “báu vật trời ban” cho Việt Nam, là môn nghệ thuật bác học, đỉnh cao nhất trong những loại hình nghệ thuật truyền thống. Bản thân NSƯT Bạch Vân cũng từng được đào tạo và biểu diễn rất nhiều các loại hình nghệ thuật truyền thống tới đương đại như: Tuồng, Chèo, Quan họ,… nhưng khi tiếp xúc với Ca trù lại khác hẳn.

“Ca trù có niêm luật bài bản; Ca trù hay từ giai điệu, hay ở ca từ, hát trên những lời thơ được sáng tác nên từ những người có học, say mê văn chương”, NSƯT Bạch Vân bộc bạch.

Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, nền văn hóa Việt Nam dần bước ra khỏi thời kỳ Nho giáo nghìn năm phong kiến với những biến chuyển mang tính lịch sử. Trong một chính thể mới, chữ Quốc ngữ ra đời, phong trào văn hóa nghệ thuật thương mại theo xu hướng Tây phương hình thành… Tất cả dẫn đến nhiều đổi thay cơ bản trong xã hội, kể cả tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan niệm, tận gốc rễ.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), trong xu thế đó, từ nơi thôn quê dân dã, đào kép của giáo phường Ả đào bắt đầu khăn gói kéo nhau ra các đô thị, phố huyện mở nhà hát nghệ thuật. Thời kỳ này, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định hay trung tâm các tỉnh lỵ trải dài từ miền Bắc vào đến vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống các nhà hát Ả đào nhanh chóng hình thành với tên gọi mới: “Nhà hát Cô đầu”.

“Từ sự phát triển của phố thị, các nhà hát Cô đầu mọc lên gấp nhiều lần các giáo phường thời trước đó. Không có một phố thị nào thời kỳ đó, từ huyện cho đến tỉnh mà không có nhà hát Cô đầu. Trước kia nếu như các cô đầu chỉ hát trong các đình, phủ và được làng trả tiền thì thời điểm đầu thế kỷ 20, họ phục vụ cho đối tượng có tiền nghe hát. Hát Cô đầu thời kỳ đó chiếm lĩnh toàn bộ đời sống xã hội”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ.

Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử: Vì sao cô đầu bị coi là đĩ điếm, chịu nhiều sự miệt thị? (Bài 1)- Ảnh 2.

Một chầu Hát cửa đình với biên chế tối thiểu gồm 1 cô đầu hát, một kép đàn và 2 cô đầu múa, quan viên làng sở tại cầm chầu bằng trống cái. (Ảnh: Tonkin).

Ở Hà Nội, nhà hát đầu tiên mở tại phố Hàng Giấy, sau đến ấp Thái Hà, Khâm Thiên, Hăm Bốn Gian – phố Huế, Vạn Thái – Bạch Mai, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy… Vùng ven đô cũng có những địa danh nổi tiếng như: Thượng Cát, Chèm – Từ Liêm, Gia Quất – Gia Lâm hay Ba La Bông Đỏ – Hà Đông… Ở Hải Phòng, các nhà hát quần tụ ở địa danh Quán bà Mau, Hàng Kênh, Lạch Tray, Thượng Lý, Kiến An… Không chỉ ở miền Bắc và các cô đầu còn vào đến tận miền Nam để mở nhà hát. Chỉ riêng tại Sài Gòn – nơi không phát triển về nghệ thuật này, thời điểm đầu thế kỷ 20 cũng có đến 8 nhà hát cô Đầu.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định rằng: Tất cả tạo nên một môi trường diễn xướng mới cho nghệ thuật Ả đào, thể hiện mối quan hệ cung cầu náo nhiệt trong xã hội. Cho đến đầu thế kỷ 20, nếu tính số lượng nghệ sĩ hành nghề, có lẽ không một thể loại nào trong nền âm nhạc dân tộc có thể sánh được với Ả đào.

Vượt ra khỏi không gian cổ truyền với những đình, đền hay tư dinh quan lại, nhà giàu, nhạc Ả đào giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần thường xuyên của người dân đô thị, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đại chúng. Và sự hình thành hệ thống nhà hát Cô đầu đã chính thức đưa Ả đào trở thành một thể loại nhạc thính phòng đích thực trong lịch sử âm nhạc dân tộc.

Trong lịch sử âm nhạc dân tộc, lần đầu tiên mô hình nhà hát thính phòng được hình thành và phát triển rực rỡ tới hơn nửa thế kỷ. Đây là biểu hiện sức sống tự thân của một loại nhạc chuyên nghiệp, không cần sự bảo trợ của chính thể. Với hình thức nhà hát thính phòng, Ả đào đã đạt tầm cao nhất của một thể loại nhạc chuyên nghiệp.

Trao đổi với Dân Việt về sự phát triển của hát Cô đầu thời kỳ đầu của thế 20, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết: “Các nhà hát Cô đầu phát triển như vậy, dẫn tới sự cạnh tranh giữa các nhà hát. Càng cạnh tranh thì sự sáng tạo nghệ thuật tại các nhà hát lại càng cao. Giai đoạn này, nghệ thuật hát Cô đầu được đẩy lên tới mức điêu luyện từ hát đến đàn, phách. Chính giai đoạn này đã để lại cho giai đoạn sau những đào nương cực kỳ xuất chúng”.

 … Tới định kiến về thú chơi “sa đọa” bậc nhất

Nói đến Ca trù hay Ả đào, dư luận xã hội thời xưa thường nghĩ ngay tới “nhà hát Cô đầu” cùng những thú ăn chơi mà người ta mặc định là sa đọa, trụy lạc; là tàn dư của chế độ thực dân phong kiến thời đầu thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan và Bùi Trọng Hiền đều chia sẻ, các cô đầu thời đó bị coi là đĩ điếm và chịu những sự miệt thị của xã hội.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lý giải: “Cuộc sống ở chốn phồn hoa, trong mỗi xóm cô đầu, nhiều luật tục, lề thói nghiêm khắc của giáo phường xưa cũng dần mai một hay được đào kép chủ động lược bỏ, phá vỡ.

Tuy vậy, giới nghề nghìn năm tuổi vẫn bảo lưu được tục hát thờ Tổ hay lệ trách phạt kỷ luật những đào nương đi chơi, tư thông với đám quan viên, ngõ hầu gìn giữ thanh danh nhà hát. Cũng có nơi, bà chủ nhà hát Cô đầu ra giới luật khá nghiêm ngặt nhằm tạo dựng hình ảnh cho nhà hát như là các quy định kỷ luật, cấm các cô không được nói chuyện riêng, cười cợt trước mặt khách, còn đi ra phố thì có phu xe của bà chủ đưa đi, vừa để tránh chuyện tư thông lẳng lơ, đồng thời tạo dựng hình ảnh sang trọng, chuyên nghiệp”.

Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử: Vì sao cô đầu bị coi là đĩ điếm, chịu nhiều sự miệt thị? (Bài 1)- Ảnh 3.

Đôi 4 cô đầu múa Bài bông, đèn lồng đeo trên giá đỡ 2 vai. (Ảnh: Tonkin).

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cũng cho biết thêm, ở môi trường diễn xướng mới nơi đô thị, đào kép các nhà hát vẫn sinh hoạt theo nếp cũ giáo phường thôn quê. Họ kết nối thành từng nhóm xã hội nghệ thuật, quần tụ trong từng khu vực hành nghề, thường được gọi là xóm cô đầu hay phố cô đầu.

Mỗi xóm, phố cô đầu cũng bầu ra một kép đàn tài năng, uy tín làm quản ca, chịu trách nhiệm kiểm soát nghệ thuật giống như vai quản giáp ở giáo phường làng quê. Ở không gian nhà hát đô thị, đề cao tính thương mại nghệ thuật, hệ thống những bài bản nghi lễ thờ thần của Hát cửa đình đã được chắt lọc, lược bỏ cơ bản. Người ta chỉ sử dụng những thể cách phù hợp với tính chất giải trí thính phòng, ca quán.

Cũng ở môi trường diễn xướng mới, chịu ảnh hưởng lối sống tự do, quan niệm tư tưởng mới, cũng không tránh khỏi những hiện tượng biến đổi ít nhiều mang tính tiêu cực đi kèm mục đích thương mại đô thị. Trong nhà hát Cô đầu, bên cạnh các đào nương chuyên lo việc ca hát, đã có thêm một lớp đào mới chuyên lo việc tiếp tân, hầu rượu, ẩm thực hay các thức nhu cầu khác của quan viên đô thị.

Họ được gọi là cô đào rượu hay cô đầu rượu, thường là những cô gái nhan sắc được nhà hát tuyển lựa ngoài nghề. Ở nhiều nhà hát, các cô đầu rượu cũng biết ngâm thơ hay hát những câu Hãm của Ả đào để mời khách (gọi phiếm là lối Hãm rượu). Để tiếp tân theo quy chuẩn một nhà hát sang trọng, các cô được đào tạo khá chuyên nghiệp, như việc sắp bát đũa bày biện món ăn, động tác múa uốn lượn chén rượu mời khách sao cho không để sánh giọt nào; hay cách thức chia bài tổ tôm, tiêm thuốc phiện hầu khách… Miễn sao tạo được thú chơi thời thượng trong môi trường các nhà hát Cô đầu.

Tác giả Bùi Trọng Hiền đánh giá trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”: “Đứng trên phương diện thương mại nghệ thuật, có thể thấy không gian nhà hát Cô đầu là một tổng thể quan hệ kinh tế phối thuộc nhiều thành phần. Bà chủ nhà hát (là một đào nương có uy tín), kép đàn, các đào hát, đào rượu, anh bếp, chị sen.., tất cả kẻ ăn người ở phải nương tựa vào nhau trong cuộc sống để duy trì sự tồn tại của nhà hát.

Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử: Vì sao cô đầu bị coi là đĩ điếm, chịu nhiều sự miệt thị? (Bài 1)- Ảnh 4.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (bên trái) và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (giữa) tại buổi tọa đàm ra mắt sách “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”. Ảnh: BTC.

Chỉ cần tỉnh táo một chút trong cách nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ thấy vấn đề. Do những điều tiếng này nọ của thú chơi chốn thị thành mà một thời, chúng ta hiểu sai lịch sử dẫn đến những lầm tưởng đáng tiếc. Rất nhiều những giá trị cổ truyền vô giá của của loại hình nghệ thuật này đã ra đi vĩnh viễn…”.

Còn theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, cần phải hiểu nhà hát Cô đầu là một không gian hưởng thụ văn hóa nghệ thuật nhiều tầng. Sự ăn chơi tại nhà hát Cô đầu chỉ là những hiện tượng thứ phát chứ không phải là bản chất của mô hình kinh doanh nghệ thuật này, càng không phải là bản chất của nghệ thuật Ả đào. Mặt khác, không nên đánh đồng hưởng thụ nghệ thuật của con người với chuyện “ăn chơi trác táng”.

“Những hiện tượng tiêu cực trong nhà hát Cô đầu là tất yếu trong sự phát triển của loại hình nghệ thuật này. Cùng với sự phát triển nghệ thuật sẽ đi kèm theo những mặt trái. Nhưng bản chất, lời hát đâu có sai, có đĩ điếm đâu nhưng hành động này nọ là do con người chứ không phải do loại hình nghệ thuật này. Nói một cách công bằng là có nhu cầu sẽ có đáp ứng nhu cầu”, ông Loan chia sẻ.


Văn hóa – Giải trí | danviet.vn