May 3, 2024

Đọc sách cùng bạn: “Mẹ là đất nước tháng ngày của con”

Đọc sách cùng bạn: "Mẹ là đất nước tháng ngày của con"- Ảnh 1.

Cuốn truyện ký “Dòng sông cuộc đời” của tác giả Vũ Phạm Chánh. (Ảnh: ST)

Tên đầy đủ của cuốn sách này là “Dòng sông cuộc đời hay là Hồi ức về mẹ” tác giả viết về mẹ mình nhân dịp 120 năm sinh. Người mẹ đây tên là Nguyễn Thị Thìn sinh năm 1904, con của một vị Tuần phủ, năm 1921 lấy chồng là Vũ Phạm Hổ sinh năm 1898, làm dâu nhà cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm ở làng Đôn Thư (Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Đông ngày trước). Câu chuyện cuộc đời người mẹ được người con ký sự lại theo đúng lời người bố đã ghi trong bản “tự truyện” của mình viết năm 1966: “Trong suốt thời gian từ đấy (1921) đến năm một chín bốn lăm, bà chỉ làm công việc nội trợ. Sau hồi tổng khởi nghĩa, bà các con nhỏ về ở quê nhà được hơn một năm. Đến khi kháng chiến toàn quốc, bà lại đưa tất cả con cháu ra vùng tự do để theo kháng chiến. Chỉ với hai bàn tay trắng lại thiếu sức lao động thế mà suốt thời gian đó, bà đã xoay xở ăn đói mặc rét để nuôi đàn con bé cho chúng đi học. Bà rất kiên nhẫn, không chịu vay mượn của ai, chỉ lấy sức hai bàn tay ra làm để nuôi con. Nhiều lần có người rủ bà vào Hà Nội lúc đó đang bị tạm chiếm để vay mượn lấy tiền tiếp tế, nhưng bà từ chối. Trong thời gian Kháng chiến, bà đã vào hội Mẹ Chiến Sĩ, hội Phụ nữ địa phương và đã nhiều lần nuôi bộ đội ốm ở trong nhà hàng tuần lễ mà không hề phàn nàn. Nhà tuy túng thiếu, bà vẫn cho các con đi học ngay cả trong kháng chiến đến khi hòa bình lập lại. Hồi cư về Hà Nội, bà lại chăm lo cho các con học và tự mình làm các nghề làm nón, may quân nhu, làm bột gạo, nuôi thỏ, nuôi chuột bạch… cho mậu dịch.” (tr. 261)

Dòng sông cuộc đời

Tác giả: Vũ Phạm Chánh

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024

Số trang: 274 (khổ 14,5×20,5cm)

Số lượng: 500

Giá bán: 125.000đ

Vũ Phạm Chánh, người kỹ sư công chánh, một trong chín người con của mẹ, đã dựng lại cuộc đời mẹ mình bằng tình cảm yêu thương, kính trọng và biết ơn sâu sắc. Theo từng trang sách người đọc được dõi theo ba chặng đời của một người phụ nữ Việt Nam. Chặng đời đầu là con gái nhà quan lấy chồng cũng vào cửa nhà quan biết giữ nếp ăn nếp ở phải đạo dâu con, vợ chồng, giữ hoà thuận gia đình cho chồng làm quan thăng chức dần từ Thừa phái lên Thừa phái hạng nhất rồi đến Tri châu và Tri phủ. 

Khi cách mạng tháng 8/1945 nổi lên ông Tri phủ đã theo về với Việt Minh, giao phủ đường cho cách mạng và được trọng dụng về sau. Và người vợ ông cũng theo đó hoà vào cuộc sống mới. Gia đình bà thời ấy cũng là nơi ghé lại của các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi khi về cùng các con bà thăm mẹ. Chặng đời thứ hai là người mẹ lo lắng cho những đứa con lớn theo kháng chiến chống Pháp và chăm sóc cho những đứa con nhỏ theo mình tản cư hết nơi này đến nơi khác từ đồng bằng lên rừng núi cho chồng yên tâm công tác ở chiến khu. Chặng đời thứ ba là người mẹ khi cùng gia đình về lại Hà Nội sau 1954 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến lần hai vẫn một tay lo vén gia đình trong thời buổi bom đạn nguy hiểm và nền kinh tế bao cấp thắt buộc.

Ba chặng đời là nói về thời gian nhưng đó là cả cuộc đời của một người mẹ luôn sống hết mình cho chồng con. Chồng xa nhà, một nách mấy con nhỏ, bà không quản ngại một việc gì có thể làm để nuôi con, để cho con có thể theo học trường lớp. Trái tim người mẹ ở bà luôn se thắt lo lắng khi nghĩ đến những đứa con đang xông pha trận mạc, đang ở trong quân đội, chỉ mong chiến tranh mau kết thúc. Nhưng bà là một người mẹ yêu nước, đã cùng chồng từ bỏ ngôi nhà ở Hà Nội khi chiến tranh bùng nổ, đến khi tản cư lên rừng núi lại hiến cả khu trang trại mình gây dựng ở Bắc Giang cho chính quyền để theo kháng chiến đến cùng, kiên quyết không “dinh tê” về Thành. Cho đến khi rời miền ngược về lại thành phố, các con đã có công ăn việc làm, bà vẫn tìm mọi cách kiếm việc để xoay xỏa lo liệu cuộc sống cho con cho cháu như ngày còn tản cư. Người mẹ của Vũ Phạm Chánh mang hình bóng của biết bao người mẹ Việt Nam, đó là mẹ đất nước Việt Nam, như trong thơ Tố Hữu viết: “Ôi Việt Nam Tổ quốc thương yêu/ Trong khổ đau Người đẹp hơn nhiều/ Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng”.

Trong các người con của mẹ về sau này có người là sĩ quan cao cấp trong quân đội, có người là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, và Vũ Phạm Chánh “thằng con vất vả của mẹ” là một kỹ sư cầu đường. Tác giả có đoạn kể mình đang học trường Cao đẳng Giao thông Công chính thì bị cắt phụ cấp sinh hoạt phí vì “Uỷ ban xã thông báo với trường là thành phần gia đình nhà mình là phú nông”. 

Nghe con nói thế bà mẹ đã vào thẳng trường gặp ông Phó Hiệu trưởng hỏi cho ra nhẽ. Không phải hỏi chuyện cắt sinh hoạt phí mà là chuyện “Ai quy định thành phần nhà tôi là phú nông?” Và những lời người mẹ nói hôm ấy ở trường đã được người con phục dựng lại trên trang sách: “Tôi sẽ về xã để hỏi cho ra môn ra khoai. Nếu quy định đúng thì thành phần nhà tôi phải là quan lại – địa chủ – phong kiến ấy chứ. Nhưng đấy là trước Cách mạng. Nhà tôi đã thôi làm quan, hiến hết ruộng vườn nhà cửa cho Cách mạng rồi. Ông nhà tôi cũng đã là Đảng viên như thằng Thuyên, thằng Từ, thằng Tạ, con Thăng vậy. Bây giờ nhà tôi không còn một thước đất cắm dùi. Cả nhà tôi đã đi theo kháng chiến mười năm, tự sống bằng hai bàn tay làm nghề lặt vặt, trồng trọt mấy cây rau cọng cỏ, ăn uống cho qua ngày đoạn tháng. Về Hà Nội bây giờ tôi phải đi may quân nhu, bán nước mía để sống qua ngày… Vậy thành phần phải là dân nghèo chứ, phú nông cái gì?” (tr. 207). Có thể đọc câu nói này của bà mẹ không chỉ là sự đấu tranh đòi hỏi xác định đúng thành phần cho nhà mình để con cái được hưởng quyền lợi chính đáng, mà đó còn là sự nói lên một sự thực lịch sử của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo thực hiện ở đất nước ta gần một thế kỷ qua. Tham gia và góp phần cho thắng lợi của cuộc cách mạng đó có nhiều thành phần gia đình khác nhau, trong đó có những gia đình như bố mẹ của tác giả Vũ Phạm Chánh. Họ đã từ bỏ địa vị tầng lớp trên của mình để chấp nhận đi theo cách mạng, để chia sẻ số phận mình với số phận dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chín năm ông bố đã được thư khen của Cụ Hồ về hoạt động trong mặt trận Liên Việt, còn bà mẹ luôn trân trọng tấm Bảng Vàng Danh Dự được Chính phủ trao tặng.

Một đoạn rất có ý nghĩa trong cuốn sách là cảnh người mẹ cho gọi các con đẻ của mình về ngôi nhà bà sống ở làng Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Hà Nội) vào một ngày năm 1980. Ngồi trước mặt các con bà đã lên tiếng trách mắng họ. Tác giả, một người con trong các anh chị em ngồi nghe mẹ mắng hôm đó, đã ghi lại lời lẽ ý tứ của mẹ trong ba trang sách. “Mẹ trách các con mẹ, chứ không trách các Đảng viên, cán bộ của Chính phủ. Mẹ trách các anh chị điều gì? Là thế này? Các anh chị tận tuỵ thế, anh hùng dũng cảm thế mà suốt hàng chục năm nay, hết giặc rồi, sao không nuôi nổi đàn con nhỏ đàng hoàng, để chúng nó đói rách? Vợ con các anh nhịn đói nhịn khát, vắt mũi bỏ vào miệng, không nuôi được bố mẹ đã đành, đến nuôi con đàng hoàng cũng không xong. Mẹ xót xa lắm. Mẹ nói như thế là để các con phải nghĩ, nghĩ là làm sao các con ăn lương Nhà nước hẳn hoi, mà chưa hết tháng đã hết tiền? Thôi, mẹ thương thì mẹ nói thế, trách thế, chứ các anh thì chỉ có một câu “nước nổi bèo trôi”. Các con nghĩ thêm đi, đừng giận mẹ.” (tr. 240 – 241) 

Sau khi tái hiện những lời mẹ nói, tác giả ghi một câu: “Hình như suốt từ năm 1946 đi tản cư đến bây giờ, bà nhịn nói“. Bây giờ đến lúc bà phải nói ra, không nói ra không được, nói ra một lần tất cả cho các con, còn bảo một đứa ghi lại để sau này anh chị em nhớ mẹ thì mở ra đọc lại mà ngẫm mà suy. Tấm lòng mẹ bao dung, thương yêu các con, nhưng quả là xót xa, và có cả đau đớn. Lời mẹ nói với các con thực ra là lời người dân nói với chính quyền. Sâu xa trong lời như di chúc miệng này của mẹ là mẹ muốn các con mình phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”, phải tìm cách thay đổi hoàn cảnh sống của cá nhân cũng như của xã hội, phải lên tiếng với những người có trách nhiệm để cứu vớt tình trạng đã xuống tận đáy, không xứng với lý tưởng của cuộc cách mạng mà mình theo đuổi. Không được như thế người Đảng viên, cán bộ đáng bị dân trách mắng, phê phán, dù trong phạm vi gia đình mẹ nói tránh đi là chỉ trách con.

Người mẹ bình thường và lớn lao ấy đã về trời ở tuổi bảy mươi sáu, để lại một đại gia đình lớn gồm con cháu chắt. Người con cả khi nói lời tiễn biệt mẹ đã ví mẹ như dòng sông Đáy quê nhà. “Dòng sông mùa lũ nước dâng cao chảy xiết, mùa thường nước lặng trong veo, mùa khô nước cạn gần tới đáy nhưng không bao giờ hết nước, sông luôn rì rào chảy. Nước từ đâu? Những giọt nước đã từ Trời rơi xuống trên những cánh rừng. Nhiều giọt nước tụ lại thành dòng đã kiên trì len lỏi qua trăm ngàn thác ghềnh để về đây thành một dòng sông mênh mang, lấy nước của mình tưới tắm cho những cánh đồng làng màu mỡ, như cuộc đời Mẹ đã chắt chiu bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để nuôi chúng con khôn lớn thành người.” (tr. 247).

Theo cảm hứng dòng sông đó, người con Vũ Phạm Chánh ở tuổi 88 đã viết được cuốn sách kể chuyện cuộc đời mẹ mình nhân 120 năm sinh của bà. Câu chuyện được kể một cách tự nhiên, chân thực, sinh động, như chính cuộc đời là thế. Chuyện một người mẹ cụ thể của một gia đình cụ thể nhưng nó có thể phản chiếu chuyện của nhiều người mẹ, nhiều gia đình. “Mẹ là đất nước tháng ngày của con“, câu thơ Trần Đăng Khoa ứng được cho tấm lòng của mọi người con đối với mẹ mình. Trong chuyện người mẹ có cả chuyện người con (với tên gọi khai sinh trong sách là Vũ Phạm Tranh). Và để hiểu về tác giả Vũ Phạm Chánh bạn đọc có thể đọc thêm cuốn truyện ký của ông nhan đề “Phía trước là con đường” (2021).

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội 20/4/2024


Văn hóa – Giải trí | danviet.vn