Giải marathon không đơn thuần là một sự kiện thể thao, nó còn góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế và quảng bá hình ảnh. Nhưng làm cách nào để thực hiện được điều này là không đơn giản.
Hiện nay trong hàng trăm giải marathon được tổ chức ở Việt Nam, chưa có giải đấu nào đáp ứng đủ yêu cầu của một giải danh tiếng tầm khu vực.
Chạy… ra tiền
Một người tham gia chạy bộ cần trang bị những gì để có thể tập luyện? Đầu tiên, điều cần có là một đôi giày. Tiếp theo là các đồ dùng cho chạy bộ như: quần áo, bao tay, mũ đội đầu, đồng hồ thông minh, dinh dưỡng chuyên sâu cho người chạy bộ… Khi phong trào tại Việt Nam phát triển, hàng trăm ngàn người đến với chạy bộ khiến thị trường hàng hóa phục vụ phát triển chóng mặt.
Ngoài việc tập luyện, các VĐV thường có nhu cầu tham dự các giải đấu để đánh giá quá trình tập luyện, giao lưu với những người cùng đam mê . Để tham dự các giải chạy, các VĐV phải di chuyển đến địa điểm thi đấu, thuê khách sạn lưu trú (trung bình 3 ngày 2 đêm), mua BIB (số đeo) để được tham gia cuộc đua, chi phí cho việc ăn uống, mua sắm…
Theo Investopedia, các giải chạy bán marathon và marathon đang tăng dần về số lượng giải lẫn VĐV. Điều này đồng nghĩa với các hoạt động kinh tế liên quan cũng phát triển theo. Những khoản thu mà các giải marathon đến từ hai nguồn chính là lệ phí tham gia của VĐV và tiền tài trợ.
Thống kê tại London marathon, công ty công nghệ của Ấn Độ TCS đồng ý tài trợ 320 triệu USD từ năm 2022 đến 2030. Đây cũng là công ty đã cam kết bỏ ra mỗi năm 40 triệu USD cho mỗi giải chạy tại Boston, Chicago cùng một số thành phố tại Úc, châu Âu. Ngoài nhà tài trợ chính, mỗi giải chạy thường có hàng chục thậm chí hàng trăm nhà tài trợ khác.
Thành phố nơi tổ chức giải chạy cũng thu về không ít lợi ích kinh tế. Theo ước tính, Boston marathon 2023 đã giúp mang về cho nền kinh tế địa phương 100 triệu USD. Con số này tăng gấp đôi vào năm 2024.
Tại London marathon, theo thống kê được thực hiện vào năm 2011, số tiền thu về nhờ các hoạt động kinh tế là 179,8 triệu USD. Chicago marathon 2023 cũng ước tính thu về 163 triệu USD từ các hoạt động du lịch. Con số của giải Berlin marathon là không dưới 160 triệu USD.
Tại Việt Nam, số liệu từ TP.HCM dựa trên báo cáo của đơn vị tổ chức giải marathon quốc tế TP.HCM 2023 cho biết giải đấu đã giúp mang về cho nền kinh tế thành phố 4,37 triệu USD (tương đương 98 tỉ đồng). Giải đấu có sự tham dự của khoảng 15.000 VĐV và là một trong những giải lớn, uy tín nhất tại Việt Nam. TP.HCM cũng là địa phương tổ chức giải marathon đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1992.
Yêu cầu tổ chức giải khắt khe
Trên cả nước hiện có hàng trăm giải marathon được tổ chức mỗi năm. Nhưng ngoài một vài giải được các tổ chức quốc tế công nhận đạt chuẩn về cung đường, các hạng mục khác trong công tác tổ chức vẫn còn ở mức thấp.
Tại Đông Nam Á, Singapore marathon thu hút mỗi năm 50.000 VĐV dự thi. Nhưng ở Việt Nam, chưa có giải marathon nào có đến 20.000 người. Việc cấm đường toàn bộ trên cung đường 42km của cuộc đua, trong khoảng thời gian từ 6 – 7 tiếng là điều chưa có giải đấu nào tại Việt Nam có thể thực hiện.
Các giải marathon lớn luôn có những yêu cầu chặt chẽ về quy định tổ chức. Điển hình như Tokyo marathon (một trong sáu giải marathon danh giá nhất thế giới), toàn bộ những tuyến đường VĐV chạy phải được đóng 100%, không có phương tiện giao thông nào được phép hoạt động. Trên trang chủ của giải luôn cung cấp đầy đủ thông tin những tuyến đường phục vụ cho giải marathon và đưa ra phương án thay thế.
Tokyo marathon cũng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong thời gian đóng đường. Các giải khác như New York, Boston, Chicago, Berlin và London cũng đưa ra phương án tương tự. Cách làm này không ngoài mục đích nào khác nhằm đảm bảo an toàn cho VĐV.
Những tiêu chuẩn về y tế trong việc tổ chức giải cũng được yêu cầu vô cùng khắt khe. Ở sáu giải marathon danh giá nhất thế giới, thông thường sẽ có khoảng 15 trạm tiếp tế, hầu hết đều nhiều hơn con số này.
Các trạm y tế dùng để sơ cấp cứu những trường hợp gặp nguy hiểm cũng được sắp đặt trên suốt quãng đường. Như ở Tokyo marathon, có tổng cộng 24 trạm y tế, còn Boston marathon có đến 26 trạm.
Chưa có quy chuẩn tổ chức giải marathon
Trong dự thảo báo cáo về công tác tổ chức giải chạy, đi bộ của TP.HCM năm 2022-2023 mà Sở Văn hóa – Thể thao trình UBND TP.HCM, đơn vị này đã chỉ rõ những ưu điểm, bất cập trong tổ chức giải đấu tại địa phương.
Bên cạnh lợi ích, sở cho biết rất nhiều người dân bị ảnh hưởng từ các sự kiện do tổ chức ngoài trời, ảnh hưởng đến giao thông, an ninh, vệ sinh môi trường; quy chuẩn của các giải marathon, điều kiện cần và đủ về chuyên môn để tổ chức các giải chạy bộ vẫn chưa được ban hành.
Ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, cho biết tham vọng của địa phương là nâng tầm hai giải marathon lớn của thành phố đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu với UBND TP phân định lộ trình cụ thể đối với các giải chạy bộ. Tùy theo tính chất của mỗi giải mà phân định lộ trình chạy phù hợp.
Ông Cao Văn Chóng, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bình Dương – địa phương tổ chức khá nhiều giải chạy với công tác tổ chức được ghi nhận rất bài bản, cho biết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, đơn vị tổ chức. Mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho các VĐV và xử lý kịp thời tình huống khẩn cấp.
Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed