January 26, 2025

Đừng để các giải chạy bộ bát nháo

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Lời chúc đầu Xuân: Con trai NSND Hoàng Dũng nhớ cha, Hoa hậu Hương Ly gửi lời chúc “nhà nhà tài lộc đầy tay”
  • Triệu Lộ Tư trở lại showbiz
  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xông vào tiệm vàng, tự cứa cổ rồi nhảy lầu tử vong; phá đường dây lừa đảo “khủng”

  • 10.000 VĐV tham dự giải chạy bán marathon Tây Hồ vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 14-4 - Ảnh: THHM

    10.000 VĐV tham dự giải chạy bán marathon Tây Hồ vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 14-4 – Ảnh: THHM

    Nhưng làm sao để nâng chất lượng giải chạy, chống lại xu hướng thương mại hóa, đảm bảo an toàn cho người chạy… là câu chuyện phải nhìn nhận nghiêm túc.

    Phong trào chạy bộ mới phát triển tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Việc chạy bộ phát triển rất nhanh trong thời gian qua là tín hiệu tốt của thể thao phong trào và ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, phong trào chạy bộ ở Việt Nam gần đây đặt ra nhiều vấn đề phải xem lại.

    Chạy bộ để rèn luyện sức khỏe và đem lại rất nhiều niềm vui cho người tham gia - Ảnh: NHƯ Ý

    Chạy bộ để rèn luyện sức khỏe và đem lại rất nhiều niềm vui cho người tham gia – Ảnh: NHƯ Ý

    Nơi nơi tổ chức giải

    Cho đến thời điểm này chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng các giải chạy bộ (bao gồm các giải dưới 21km, bán marathon – 21km, marathon – 42,195km, siêu marathon – trên 42km) được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng ước tính có đến vài trăm giải chạy ở quy mô này được tổ chức trên khắp cả nước từ đồng bằng đến núi cao, từ Nam đến Bắc. Số lượng người tham gia phong trào chạy bộ lên tới hàng trăm ngàn người. Chỉ tính riêng TP.HCM – thành phố lớn nhất cả nước với những giải chạy quy mô, một năm tổ chức trung bình 50 – 60 giải đấu ở các cấp độ khác nhau.

    Theo thống kê của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF), năm 2023 chỉ tính riêng các giải bán marathon, marathon, siêu marathon được tổ chức trên toàn quốc đã lên tới hơn 60 giải. Thế nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm 2024 đã có trên 20 giải thế này được diễn ra.

    Các giải chạy diễn ra với số lượng tràn ngập ở các nơi, do nhiều đơn vị tổ chức. Có những giải chạy rất chuyên nghiệp, uy tín, huy động được số lượng lớn người tham gia và việc tổ chức rất bài bản, nhưng cũng có nhiều giải chạy tổ chức sơ sài. Phong trào chạy bộ phát triển mạnh nên không ít giải chạy bị thương mại hóa. Đặc biệt, việc tổ chức nhiều giải diễn ra luộm thuộm, tai nạn xảy ra.

    Ngày 13-4, Giải chạy bộ đêm âm nhạc tại Cần Thơ gây bức xúc khi hơn 7.000 VĐV tham dự giải phải chạy len lỏi giữa dòng xe cộ trong khung giờ tan tầm 18h-19h. Sự việc gây mất an ninh an toàn cho người thi đấu, cản trở việc tham gia giao thông của người dân địa phương – nơi diễn ra giải đấu.

    Ngày 14-4, tại Giải bán marathon Tây Hồ (Hà Nội), người dân thủ đô cũng không khỏi phiền lòng vì giao thông bị cản trở trên một số tuyến phố, trong đó có con đường huyết mạch Thanh Niên. Một người đàn ông bị ngưng tim khi tham dự giải chạy Tây Hồ, đang trong cơn nguy kịch và hiện được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai.

    Công tác tổ chức các giải chạy cần được nâng cao, người tham gia chạy bộ cũng phải tự trang bị kiến thức về thể thao để tham gia sự kiện an toàn, vui khỏe - Ảnh: NHƯ Ý

    Công tác tổ chức các giải chạy cần được nâng cao, người tham gia chạy bộ cũng phải tự trang bị kiến thức về thể thao để tham gia sự kiện an toàn, vui khỏe – Ảnh: NHƯ Ý

    Vui khỏe, đừng bát nháo

    Ở các thành phố lớn trên thế giới như New York, Berlin, Tokyo, Chicago, London, Paris… mỗi năm thường chỉ có 1-2 giải marathon và bán marathon mang tính biểu tượng. Việc tổ chức những giải đấu ở các quy mô khác nhau là thách thức cực lớn với các siêu đô thị, đặc biệt là công tác giao thông, y tế.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, VĐV nổi tiếng Lâm Túc Ngân – người đã tham dự nhiều giải chạy, ba môn phối hợp trên thế giới và cũng tham dự giải chạy tại Cần Thơ hôm 13-4 vừa qua – cho biết công tác tổ chức giải không tốt. Việc để VĐV chạy chung với dòng xe đang lưu thông là rất nguy hiểm. VĐV phong trào đi thi đấu, thành tích không phải là điều quan trọng nhất, cái quan trọng là sức khỏe và sự an toàn. Ở chiều ngược lại, người dân Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng vì người chạy gây cản trở giao thông, xáo trộn cuộc sống của họ.

    Lâm Túc Ngân nói: “Tại các giải chạy lớn trên thế giới tôi từng tham dự, ban tổ chức thường tuyên truyền rất sớm để người dân biết được về sự kiện, nắm được thông tin về những tuyến đường bị chặn. Ngoài ra, chính quyền còn có giải pháp dự phòng trong trường hợp công việc của người dân, công ty nằm trên tuyến đường bị ảnh hưởng”. 

    Anh Nguyễn Đạt – người tham dự New York Marathon 2023 – chia sẻ: “Cự ly 42km của New York Marathon là cung đường không lặp lại, trải dài qua năm quận của thành phố New York. Toàn bộ 42km đều được đóng hoàn toàn, không có bất kỳ xe cộ nào được xuất hiện, chỉ dành chỗ cho người chạy bộ. Ở những nút giao, ban tổ chức đưa ô tô tải chắn ngang nên không xe nào lách qua để uy hiếp an toàn của VĐV”.

    Anh Nguyễn Nguyên – 45 tuổi, một người tham gia rất nhiều giải chạy marathon – nhận định sự nở rộ của phong trào chạy bộ là rất tốt, song gần đây không ít giải bị thương mại hóa do số lượng người tham gia quá đông, việc tổ chức sơ sài và có giải rơi vào cảnh bát nháo, làm mất đi mục tiêu tốt đẹp của phong trào chạy bộ là vui khỏe. “Chạy bộ là vui khỏe, đừng để nó thành bát nháo, vậy không còn là chạy bộ nữa”, anh Nguyên nói.

    Hiện nay việc tổ chức giải ở các địa phương mang tính số lượng chứ chưa coi trọng chất lượng. Hầu hết người chạy chưa có kiến thức về thể thao, không coi việc tập luyện hằng ngày là gốc rễ mà chỉ chạy lấy huy chương, thể hiện bản thân. Điều này dẫn đến việc người chạy bị chấn thương, phải cấp cứu hay thậm chí tử vong khi chạy ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chất lượng tổ chức các giải chạy chưa được nâng cao. Mỗi thành phố chỉ nên có một vài giải chạy quy mô lớn mỗi năm thay vì tổ chức ồ ạt như hiện nay.

    Anh Hoàng Bảo (VĐV từng tham gia nhiều giải marathon trong và ngoài nước)

    7.000 VĐV tham dự giải chạy tại Cần Thơ vào ngày 13-4 - giải đấu có nhiều vấn đề trong công tác tổ chức - Ảnh: T.A.

    7.000 VĐV tham dự giải chạy tại Cần Thơ vào ngày 13-4 – giải đấu có nhiều vấn đề trong công tác tổ chức – Ảnh: T.A.

    Mỗi thành phố tổ chức bao nhiêu giải chạy 1 năm là phù hợp?

    TP.HCM là địa phương có phong trào, số lượng người tham gia và số giải chạy được tổ chức nhiều nhất cả nước. Theo số liệu của Sở Văn hóa – Thể thao thành phố, mỗi năm TP.HCM tổ chức 50 – 60 giải chạy với quy mô khác nhau. Có những giải chạy có sự tham dự của 10.000 – 15.000 VĐV, được tổ chức rất tốt.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, cho biết với mật độ dân cư đông, việc tổ chức số lượng giải chạy nhiều đến vậy là thách thức không nhỏ. Do đó, các giải chạy cần ít nhất sáu tháng để chuẩn bị. Các đơn vị muốn tổ chức giải khi gửi đề nghị lên Sở Văn hóa – Thể thao cần phải làm rõ kế hoạch, lộ trình tổ chức. Sở sẽ đứng ra chủ trì làm việc với các sở, ban ngành liên quan và ban tổ chức giải để thống nhất về cung đường, giờ chạy, quy mô… liệu có đáp ứng được hay không.

    “Không phải đơn vị nào đề nghị làm giải chạy Sở Văn hóa – Thể thao cũng duyệt. Lý do là để tổ chức các giải chạy cần sử dụng nguồn lực của TP.HCM. Chỉ khi nhận được sự đồng thuận của các sở, ban ngành liên quan, Sở Văn hóa – Thể thao mới trình lên UBND TP xin cấp phép tổ chức giải. TP.HCM có mật độ dân cư đông, tổ chức giải chạy có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng. Do đó chúng tôi cần đưa ra phương án hài hòa giữa việc chạy với sinh hoạt của người dân”, ông Nhân nói. 

    Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có văn bản kiến nghị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đề nghị không tổ chức các giải chạy bộ vào ban đêm ở khu vực xung quanh hồ Gươm, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết hiện nay Hà Nội có bảy giải marathon và bán marathon quy mô lớn, thu hút hàng trăm nghìn VĐV tham gia mỗi năm. Ông Tài cho biết quá trình cấp phép, giám sát giải diễn ra chặt chẽ.

    Tổ chức bao nhiêu giải chạy mỗi năm là phù hợp với TP.HCM? Ông Nguyễn Nam Nhân cho biết TP.HCM có tham vọng nâng tầm hai giải marathon của TP.HCM về chất lượng, quy mô, đạt các yêu cầu cao nhất của các tổ chức marathon, điền kinh quốc tế. Cấp phép bao nhiêu giải chạy để hạn chế ảnh hưởng, áp lực lên giao thông, nguồn lực và cuộc sống của người dân TP.HCM là việc phải tính toán kỹ trong thời gian tới.

    Ông Đặng Hà Việt – cục trưởng Cục Thể dục thể thao – nói theo quy định, thẩm quyền tổ chức những giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh, liên tỉnh và cụm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc về các cơ quan tại địa phương. “Theo như các quy định phân cấp, những giải chạy phong trào thuộc thẩm quyền tổ chức của địa phương, do sở văn hóa – thể thao địa phương tổ chức. Thời gian qua có đơn vị chưa đảm bảo đúng công tác tổ chức, cục sẽ có văn bản nhắc nhở”, ông Việt nói.

    Một VĐV nước ngoài phấn khích khi tham dự giải chạy bộ tại Mộc Châu, Sơn La - Ảnh: LƯU MINH KHƯƠNG

    Một VĐV nước ngoài phấn khích khi tham dự giải chạy bộ tại Mộc Châu, Sơn La – Ảnh: LƯU MINH KHƯƠNG

    VĐV tử vong, cấp cứu, chấn thương do chạy ngày càng nhiều

    Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, đã có bốn VĐV tử vong khi tham gia các giải chạy phong trào trên khắp cả nước. Trường hợp các VĐV cần sự trợ giúp của y tế, phải nhập viện cấp cứu vì sốc nhiệt, kiệt sức… khi tham gia các giải chạy ngày càng nhiều.

    Theo quy định của tất cả các giải chạy bộ tại Việt Nam cũng như trên thế giới, VĐV tham gia giải đấu phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe của mình. Thông thường, các VĐV sẽ phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm về y tế khi tham gia giải đấu. VĐV hơn ai hết hiểu cơ thể của mình có đủ sức tham gia cuộc đua hay không và lúc nào nên dừng lại. Không có giải chạy bộ nào trên thế giới đủ nguồn lực để kiểm tra y tế cho hàng vạn VĐV tham dự giải đấu.

    Các giải chạy trên thế giới tổ chức ra sao?

    Một VĐV tham dự Boston Marathon hôm 15-4 được cảnh sát giúp đỡ khi về đích - Ảnh: Getty

    Một VĐV tham dự Boston Marathon hôm 15-4 được cảnh sát giúp đỡ khi về đích – Ảnh: Getty

    Các thành phố lớn trên thế giới tổ chức giải chạy cũng không tránh khỏi việc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, trong đó quan trọng nhất là giao thông. Chẳng hạn như Giải marathon Thượng Hải vào cuối năm 2023 chứng kiến 38.000 người tham dự đã phải cấm hoặc hạn chế tới 13 tuyến đường lớn theo khung giờ nhất định.

    Để chuẩn bị cho giải năm 2023, từ năm 2022 chính quyền Thượng Hải đã ban hành lệnh cấm xe cộ và người đi bộ đi vào một số tuyến đường trong hơn 24 giờ nhằm đảm bảo an toàn cho giải chạy. Một số tuyến đường khác có thể bị cấm dao động từ 4 đến 12 tiếng.

    Còn ở Boston Marathon (Mỹ) – giải marathon lâu đời nhất lịch sử, công tác an ninh không chỉ dừng lại ở việc chặn đường. Sau vụ đánh bom vào năm 2013, ban tổ chức giải đã ban hành nhiều quy định gắt gao hơn. Cụ thể, cấm VĐV mang một số vật dụng cá nhân như ba lô, thiết bị làm mát hay thậm chí cả trang phục hóa trang. Các chốt an ninh cũng được bố trí dày đặc xuyên suốt các cung đường chạy nhằm phản ứng kịp thời khi xảy ra sự cố.

    New York Marathon là giải chạy lớn nhất thế giới với quy mô luôn ở mức từ 50.000 VĐV tham dự trở lên. Do đó, áp lực lên giao thông của thành phố New York rất lớn, luôn cần tới sự tham gia của hai đơn vị là Sở Giao thông và Sở Cảnh sát New York (NYPD). Trước giải, hai đơn vị này đưa thông báo trên website để người dân thành phố nắm thông tin và tránh đi vào đường cấm dùng để phục vụ cho sự kiện.

    Cách chặn đường như vậy cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một trong số những nơi cấm xe qua lại để phục vụ New York Marathon là cầu Verrazzano-Narrows. Sau khi giải chạy của năm 2023 kết thúc, Cơ quan Giao thông đô thị New York (MTA) ra yêu cầu buộc ban tổ chức phải đóng phí 750.000 USD/năm vì mỗi lần đóng cầu, cơ quan này chịu thiệt hại do không thể thu phí xe qua cầu. Sau khi thị trưởng Kathy Hochul phải can thiệp, MTA mới bỏ yêu cầu thu phí với New York Marathon.

    Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed