April 30, 2024

“Con Lạc cháu Hồng” muôn phương nhớ về nguồn cội

Giỗ Tổ Hùng Vương, còn có tên khác là Lễ hội Đền Hùng hay Quốc giỗ, là ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm vào mùng 10/3 âm lịch tại Đền Hùng (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.

"Con Lạc cháu Hồng" muôn phương nhớ về nguồn cội- Ảnh 1.

Người dân về trẩy hội Đền Hùng 2024. Ảnh: Hoan Nguyễn

Từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho người dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Đổi lại người dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy ngày mùng 10/3 âm lịch để cử hành “quốc tế” hằng năm, các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.

"Con Lạc cháu Hồng" muôn phương nhớ về nguồn cội- Ảnh 2.

Đoàn du khách đến từ tỉnh Tuyên Quang về Đền Hùng trẩy hội giỗ Tổ Hùng Vương 2024. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ngày giỗ Tổ 10/3 từ đó được áp dụng cho toàn quốc. Từ năm 2001, giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc lễ, được đưa vào ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động. Từ năm 2007, ngày 10/3 âm lịch hằng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng Lê Trường Giang, mọi công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày chính lễ Giỗ Tổ 10/3 âm lịch.

Ghi nhận PV Dân Việt, hôm nay ngày 17/4 (tức 9/3 âm lịch) hàng nghìn du khách nô nức đổ về Đền Hùng để tham quan và chờ tới chính lễ diễn ra vào ngày mai.

"Con Lạc cháu Hồng" muôn phương nhớ về nguồn cội- Ảnh 3.

Lễ rước kiệu về Đền Hùng (Phú Thọ) là một trong những hoạt động ý nghĩa, đặc sắc của giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2024. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ở đền Thượng rợp bóng cổ thụ, bà Nguyễn Thị Bộ (du khách đến từ Thái Bình) bộc bạch: “Đến Đền Hùng vào tháng ba, thắp nén hương tri ân công đức Vua Hùng, trái tim tôi bồi hồi, xao xuyến, một xúc cảm biết ơn sâu sắc tổ tiên trào dâng, khoan thai, nhẹ nhõm…”

Gương mặt phấn khởi, giọng nói sang sảng, cụ Nguyễn Hữu Đang, dẫn đầu đại gia đình hơn 10 người con, cháu từ Hưng Yên hành hương lên Đền Hùng, cho hay: “Năm nào chúng tôi cũng trẩy hội đền Hùng để dâng hương các Vua Hùng và tưởng nhớ lời Bác Hồ đã răn dạy ở chính nơi đây – Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

“Lựa chọn về Đền Hùng năm nay dâng hương cùng đại gia đình vào dịp chính lễ 10/3 âm lịch, tôi mong muốn các con, các cháu cảm nhận sâu sắc hơn, bồi đắp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đoàn kết, gắn bó keo sơn, hiếu thảo và tiếp thêm động lực, cố gắng học tập, lao động ngày càng tốt hơn” – cụ Đang chia sẻ.

"Con Lạc cháu Hồng" muôn phương nhớ về nguồn cội- Ảnh 4.

Chương trình trình diễn múa Lân – Sư – Rồng tại khu vực sân trung tâm Đền Hùng, thu hút đông đảo du khách trẩy hội Đền Hùng 2024 đến xem. Ảnh: Hoan Nguyễn

Cụ Đang cứ tấm tắc trước phong cảnh Đền Hùng, về khu vực trung tâm lễ hội rộng thênh thang, bề thế; các cây cổ thụ còn nguyên vẹn như lưu giữ dấu tích ngàn năm…

“Năm nay cảnh quan Đền Hùng được bày trí rất đẹp. Khu vực hàng quán được quy hoạch, sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho người dân tham quan, mua sắm, đặc biệt là đường lên các đền được cải tạo dễ đi. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn có thể lên được đến Đền Thượng để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng, tổ tiên, cầu xin phù hộ cho gia đình bình an, may mắn” – cụ Đang nói.

Hòa vào dòng người đông đúc, bước chân chậm rãi lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, ông Phùng Tiến (kiều bào tại Đức) chia sẻ, rất nhiều năm rồi ông mới về mảnh đất cội nguồn linh thiêng Đất Tổ để trẩy hội đúng tháng ba. Cảm xúc thật tuyệt vời, rất sâu lắng và tự hào.

“Dù sinh sống ở nước ngoài, nhưng đã thành truyền thống, hằng năm, hội đồng hương người Việt tại Đức đều tổ chức lễ Giỗ Tổ vào dịp tháng ba, cùng nhau tụ họp, thắp nén tâm hương, thành kính hướng về quê hương Đất Tổ” – ông Tiến nói thêm.

"Con Lạc cháu Hồng" muôn phương nhớ về nguồn cội- Ảnh 5.

Hoạt động gói bánh chưng, giã bánh giầy trong hội Đền Hùng cũng mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: Hoan Nguyễn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi ánh mắt đều nhìn về cùng một hướng. Ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch không chỉ để người dân Việt Nam ở muôn phương tưởng nhớ công ơn trời biển của các Vua Hùng mà còn là cơ hội để mọi người gần nhau hơn, cùng hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc. Qua đó, mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước để xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.


Văn hóa – Giải trí | danviet.vn