January 22, 2025

Đọc sách cùng bạn: “Những nỗi buồn bạc trắng cả ngày xanh”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”

  • Đọc sách cùng bạn: "Những nỗi buồn bạc trắng cả ngày xanh"- Ảnh 1.

    Bộ thơ tuyển mang tên “Trông trời, trông đất, trông mây…” của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. (Ảnh: ST)

    Tiểu sử của ông in ở bìa 4 mỗi tập ghi tóm tắt: “Quê quán Hà Tĩnh. Giáo viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cộng tác viên khoa học Đại học Tổng hợp Moskva mang tên M.V. Lomonosov. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại Moskva – Liên bang Nga”.

    TRÔNG TRỜI, TRÔNG ĐẤT, TRÔNG MÂY…

    Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng

    Nhà xuất bản Thông Tin và Truyền Thông, 2024

    Số trang: 3 tập, khổ 16x24cm (tập I: 320, tập II: 336, tập III: 339)

    Số lượng: 1000/tập

    Giá bán: 135.000đ/tập

    Bộ tuyển thơ này gồm 3 tập rút từ 9 tập thơ của tác giả đã xuất bản từ 1995 đến nay. Tập I: 173 bài. Tập II: 164 bài. Tập III: 157 bài. Trong bài viết để đầu mỗi tập nhan đề “Gửi vào thơ những niềm khát vọng” tác giả tâm sự cùng bạn đọc: “Và trong thơ tuyển là bức chân dung giản dị của tâm hồn tôi không hề cường điệu, không chút tô vẽ, bạn đọc sẽ bắt gặp giữa thơ và người tôi luôn là một. Tôi chọn câu ca dao thuần Việt làm tên của thơ tuyển ba tập là TRÔNG TRỜI, TRÔNG ĐẤT, TRÔNG MÂY…, muốn nói lên niềm khát vọng, mong muốn của mình gửi vào vũ trụ bao la, vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận. Tôi muốn bạn đọc cầm tập thơ tuyển này như cầm lấy đôi bàn tay tôi để cùng sẻ chia và đồng cảm”.

    Người đọc sẽ bắt gặp ở đây nỗi lòng của đứa con ở xa luôn nhớ về quê hương, gia đình. Nhớ mẹ: Ở nơi ấy có một căn nhà nhỏ/ Mẹ già nua bạc tóc ngóng con về/ Tấm áo vá run trên từng sợi chỉ/ Trong bóng chiều nhuốm khói rạ ngõ quê (Tổ quốc, I-14). Nhớ cha: Thư viết cho con cũng mùa màng ruộng đất/ Dán phong bì, hạt cơm nguội khô tơi (Cha tôi, I-20). Chi tiết “hạt cơm nguội” thật rưng rưng.

    Nhớ con, đứa con gái không may bị mất tích ở biển Sochi khi mới 12 tuổi mà bao năm qua người cha bạc tóc chờ trông vì vẫn tin là có ngày con trở về.

    Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín

    Gió thay chiều đổi nắng những rừng cây

    Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng

    Con ở đâu trên cõi nước Nga này?

    (Linh cảm, I-39)

    Bóng ngày bên cửa dần trôi

    Còn dăm bữa nữa Tết rồi, con ơi

    Thương con ngẩng mặt lên trời

    Đôi hàng nước mắt chảy xuôi vào lòng.

    (Nghẹn ngào, I-55)

    Nguyễn Huy Hoàng ở lại nước Nga làm khoa học và để hy vọng tìm lại được con gái. Nước Nga vì thế thành quê hương thứ hai của ông. Cho dù vật đổi sao dời Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga nhiều biến động, nhưng trong ông “vẫn đang còn nước Nga của hồn tôi”. Một nước Nga có một quá khứ lịch sử văn hoá hào hùng phong phú. Một nước Nga xưa đã tắm hồn anh cùng bao người Việt khác trong những trang văn trang thơ thấm đẫm lòng nhân ái. Và anh chia sẻ nỗi lo của mình với nước Nga nay: Tôi đi giữa nước Nga sôi động/ Nhập văn minh cuối thế kỷ xô bồ/ Thương bọn trẻ đắm chìm trong lạ lẫm/ Chẳng bao giờ nhớ lại nước Nga xưa (Nước Nga xưa, I-37)

    Giăng mắc giữa hai đất nước, hai nẻo quê mình quê người, mang trong cõi lòng nỗi đau của người bố mất con, Nguyễn Huy Hoàng không nguôi dằn vặt trước số phận mình. Thơ anh câu nào viết về mình cũng ngậm ngùi, đau xót.

    Tôi như kẻ lữ khách vai vác nặng

    Gánh khổ đau quá sức một đời người

    Ngỡ gục ngã dọc nẻo đường gió bụi

    Vẫn bền lòng cố bước tới ngày mai

    (Tự kể, I-104)

    Đời trao tôi hào phóng nỗi buồn đau

    (Trước ngày mai, I-88)

    Tóc sương lưu lạc phương trời

    Vẫn còn bé dại trong lời mẹ ru.

    (Cội nguồn, I-18)

    Đời thật quá, những dặm đường đá sỏi

    Chân trời xa không tới được bao giờ

    Thơ viết mãi trải hồn như bể biếc

    Đất ngọt lành chỉ trổ trái cây chua

    (Cổ tích một thời, I-74)

    Trong chiếc túi càn khôn, tôi đã đựng

    Đủ buồn vui, đau khổ, những ưu phiền

    Có vinh hiển, có ê chề, tủi nhục

    Có mọi điều, chỉ trừ sự bình yên.

    (Tôi đã có mọi điều chỉ trừ sự bình yên, III-41)

    Cũng có lúc bất chấp mình khốn khó

    Tôi yêu đời như một kẻ đáng thương

    Cũng có lúc quên nỗi mình đen bạc

    Lại nhởn nhơ như con thú sổng chuồng.

    (Căn phòng cũ, III-124)

    Vuốt mái tóc thưa đếm tuổi

    Ngón tay chạm lõm má gầy

    (Ngón tay chạm lõm má gầy, III-161)

    Kiếp xưa, chắc hẳn đường tu vụng

    Quả báo còn gieo nặng kiếp này

    Ví dù còn kiếp mai sau nữa

    Xin hóa thân thành phận cỏ cây.

    (Tiếp ý cổ nhân, I-142).

    Trong cảnh ngộ của mình Nguyễn Huy Hoàng may có thơ làm bạn tâm tình. Thơ đã cho ông vịn vào để đứng dậy trong những nghịch cảnh của đời mình, như ý Phùng Quán nói. Mặc dù ông biết làm thơ thì tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Nhưng đó đã là nghiệp rồi, không dứt nổi. Tôi là người thợ cày nhẫn nại/ Làm khổ sai trên cánh đồng thơ/ Đã chấp nhận kiếp một đời gieo chữ/ Gặt hái giàu sang, điều không có bao giờ (Tất yếu, II-127).

    Thơ Nguyễn Huy Hoàng da diết tình cảm. Ông chủ yếu viết thơ thể tám chữ có vần. Cũng có khi ông viết thơ tự do. Lại có khi ông chơi Đường luật thất ngôn bát cú đăng đối chỉnh tề như trong bài “Trường Lưu cảm tác” (I-35)

    Cúi đầu lạy tạ trước hàng bia

    Ngàn dặm tha phương lặn lội về

    Tiên tổ phụng thờ dâng hương khói

    Miếu đường kính lễ bái gia huy

    Cuồn cuộn Lam Giang dòng lưu thủy

    Điệp trùng Hồng Lĩnh nẻo sơn khê

    Trường Lưu nhật nguyệt lưu danh tiếng

    “Đại tộc Nam thiêng” áng chữ đề.

    Làng Trường Lưu ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nơi Nguyễn Du thời trẻ từng đến hát ví và giăng mắc tình đến nỗi viết “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”. Nguyễn Huy Hoàng tới thăm nơi đây ở vùng quê mình và có lẽ cũng giắc mắc như người xưa nên ở một bài khác ông còn dụng công chơi chữ: Đến Trường Lưu lưu lại Trường Lưu/ Lưu luyến nhớ người xưa lưu lạc (Ngỡ ngàng, I-132). Cách chơi chữ này ông còn dùng trong bài “Nỗi sợ trắng” (III-188). Cả bài lặp lại chữ “trắng”. Trước đây Nguyễn Bính đã lặp “trắng” trong một khổ thơ ở bài “Viếng hồn trinh nữ” (1940) và Nguyễn Duy đã lặp “trắng” trong cả bài “Giấc mộng trắng” (1991).

    Đây là bài “Nỗi sợ trắng” của Nguyễn Huy Hoàng:

    Lòng giá buốt giữa trắng hồn tuyết trắng

    Cành thông xanh phủ trắng cả bốn bề

    Tấm liệm trắng gói thu tàn sót lại

    Trắng một lời ai điếu trắng mang đi

    Còn đâu cảnh đêm trắng chờ bên cửa

    Đón tinh khôi bông tuyết trắng đầu mùa

    Giữa thảm trắng ngẩng đầu trần, háo hức

    Rơi nhẹ nhàng những đoá trắng phất phơ

    Còn đâu thuở mơ má hồng, voan trắng

    Tóc vàng mơ buông lơi cổ trắng ngần

    Tà áo trắng choàng trên sa mạc trắng

    Trắng như là sương trắng của mùa xuân

    Đã thấy sợ trước bạt ngàn tuyết trắng

    Vần vũ mây, sông trắng loá một màu

    Gió ào ạt gửi lời thông điệp trắng

    Cho mảnh lòng nỗi sợ trắng mùa sau.

    Bộ tuyển thơ của Nguyễn Huy Hoàng sẽ tìm được tiếng đồng vọng trong lòng bạn đọc. Thơ đó là của người đó. Đọc thơ mà thương người thương mình. Cùng bộ tuyển thơ ba tập này, Nguyễn Huy Hoàng còn cho ra bộ tuyển văn hai tập mang tên “Giữa những cơn dâu bể”. Hai bộ tuyển – đó là cả cuộc đời Nguyễn Huy Hoàng, là bức chân dung tinh thần của ông, là tiếng gọi người của ông.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

    Hà Nội, 15/4/2024


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn