January 23, 2025

Sáp nhập xã, phường: “Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • NSND Tống Toàn Thắng: “Thưởng Tết ở Liên đoàn Xiếc tăng cao”
  • Danh ca Thanh Tuyền từng “phán” một câu về tương lai của Hoài Linh và điều đó đã ứng nghiệm
  • Hé lộ nỗi buồn lớn nhất của Thương Tín và điều muốn thực hiện với mẹ ngoài 90 tuổi dịp Tết

  • PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV Dân Việt về những vấn đề gây ý kiến trái chiều quanh việc đặt tên mới sau khi sáp nhập xã,  phường gây xôn xao dư luận thời gian qua.

    Việc sáp nhập xã, phường đang gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Ngoài việc sắp xếp cán bộ, trụ sở thì việc chọn tên mới sau sáp nhập là vấn đề quan trọng, được đông đảo người dân quan tâm. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

    Chắc chắn là như vậy, việc đặt tên cho một đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền mà nó cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng và cả những mơ ước của họ gắn với những địa danh đó.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 1.

    PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC

    Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Vì thế, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.

    Không ít tên gọi bị người dân phản ứng, cho rằng chưa phù hợp với văn hoá, lịch sử của địa phương đó, ông nghĩ sao về việc này?

    Chúng ta cần phải hiểu lý do của những phản ứng từ người dân. Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng nó gần gũi nhất đối với mỗi người. Đó có thể là những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường được thể hiện bằng chữ Hán, như An Thái, Nhân Hòa, An Ninh, Thượng Thọ… hay gắn với dòng họ lập làng, có đông người nhất như Bùi Xá, Cao Xá, Lê Xá… hoặc gắn với đặc thù cảnh quan, môi trường thiên nhiên như Hạc Trì, Đông Sơn, Hào Nam…

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 2.

    Một góc xã Hoà Xá, huyện Ứng Hoà, Hà Nội sẽ cùng hai xã Vạn Thái, Hòa Nam sáp nhập thành đơn vị hành chính mới mang tên Thái Hòa. Ảnh: Định Nguyễn

    Như vậy có nghĩa là tên địa danh luôn gắn với những thông điệp nhất định nào đó. Mà “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, chưa kể ngày nay, các địa phương còn có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác biệt, vì thế việc sáp nhập, thay đổi dẫn đến việc hòa lẫn văn hóa với nhau không chỉ rất dễ dẫn đến tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất, mà nguy hiểm hơn còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

    Trải qua thời gian, tên đất, tên làng lại được kết tinh thành rất nhiều những giá trị đặc biệt khác, qua ca dao, tục ngữ, lễ hội, phong tục, tập quán, cả danh nhân lịch sử…

    Trước kia, thậm chí người ta còn gắn tên làng với tên người để thấy tầm quan trọng của truyền thống của một vùng đất quan trọng thế nào. Mở rộng hơn làng, các xã hay tổng, trấn trước kia, huyện, tỉnh bây giờ, hay cả một vùng Đông, Đoài, Sơn Nam… cũng đều là những vùng văn hóa. Nói như vậy để chúng ta thấy yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc đặt tên mới, từ đó giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong việc đặt tên.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 3.

    Người dân một số xã lo ngại việc sau khi sáp nhập nơi đây từng công nhận là xã anh hùng nay sáp nhập sẽ trở về thôn, sẽ không còn là xã anh hùng nữa. Ảnh: Định Nguyễn

    Việc đặt tên mới cần phản ánh đúng lịch sử và văn hóa của khu vực không thưa ông? Những yếu tố nào trong quá khứ của xã phường cần được lưu giữ trong tên mới?

    Đây là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương, thậm chí là từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có thể có một số nguyên tắc chung thế này: Thứ nhất là phải nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương.

    Trước khi đặt tên cho một địa danh mới thì chúng ta cần hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, và các sự kiện quan trọng trong khu vực đó qua tham khảo tư liệu lịch sử, tìm kiếm thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương hoặc dân cư địa phương.

    Thứ hai là cần tham vấn cộng đồng địa phương, bao gồm cả các nhóm dân tộc, văn hóa, dòng họ, và các lãnh đạo địa phương qua cuộc họp cộng đồng, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến kể cả thảo luận trên mạng.

    Thứ ba là chú ý sử dụng ngôn ngữ địa phương, cân nhắc sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này không chỉ giúp tôn vinh và bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa địa phương, mà còn giúp tạo ra một liên kết mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng và địa danh. Thứ tư là cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa.

    Theo đó khi đặt tên cho một địa danh mới, phải cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tên đó. Tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng.

    Thứ năm là thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy trình và quy định pháp lý khi đặt tên cho địa danh mới.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 4.

    Di tích đình làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Định Nguyễn

    Có nên sử dụng lại tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới không thưa ông? Làm thế nào để đảm bảo việc sử dụng lại tên gọi này không gây rắc rối giấy tờ liên quan?

    Theo tôi không có gì là không thể, miễn là chúng ta có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng quy trình. Thực tế, chúng ta đã từng làm chuyện này với khá nhiều địa danh. Theo tôi, đây còn là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi tên đó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa hoặc ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng việc sử dụng lại tên gọi này không gây ra rắc rối giấy tờ và hỗ trợ quá trình sáp nhập một cách thuận lợi.

    Để làm được điều đó, trước khi thực hiện việc sử dụng lại tên gọi, chúng ta phải thông báo và giải thích cho cộng đồng về lý do và ý nghĩa của việc này để giúp tạo ra sự hiểu biết và chấp nhận từ phía cộng đồng. Thêm vào đó, chắc chắn là chúng ta cần bảo đảm rằng việc sử dụng lại tên gọi được thực hiện thông qua các quy trình chặt chẽ, phù hợp; bảo đảm các thông tin liên lạc như địa chỉ, hồ sơ đăng ký đất đai, khai sinh, kết hôn,… của đơn vị hành chính mới được cập nhật và phản ánh đúng tên gọi mới để tránh gây nhầm lẫn và rắc rối khi liên lạc với đơn vị hành chính mới.

    Đồng thời cũng cần cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho công dân và doanh nghiệp về việc cập nhật thông tin liên quan đến tên gọi mới của đơn vị hành chính qua việc cung cấp thông tin trên trang web của đơn vị hành chính mới hoặc đợt thông tin cho cộng đồng; bảo đảm các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện, và các cơ quan Nhà nước khác đã được thông báo về việc sử dụng lại tên gọi và cập nhật thông tin liên quan.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 5.

    Đạo sắc phong trong đình Chàng Sơn. Ảnh: Định Nguyễn

    Người dân một số xã lo ngại việc sau khi sáp nhập nơi đây từng công nhận là xã anh hùng nay sáp nhập sẽ trở về thôn, sẽ không còn là xã anh hùng nữa. Họ cho rằng sẽ mất đi yếu tố lịch sử, ông nghĩ sao về việc này?

    Việc lo ngại của người dân về việc mất đi yếu tố lịch sử và danh hiệu “xã anh hùng” sau khi sáp nhập là hoàn toàn hiểu được và nên được cân nhắc cẩn trọng. Yếu tố lịch sử và danh hiệu này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc và lòng yêu nước của cộng đồng.

    Vì thế, tôi cho rằng, trong quá trình sáp nhập, cần cân nhắc và thảo luận với cộng đồng địa phương về cách thức bảo tồn và tôn vinh di sản lịch sử của xã, bao gồm cả danh hiệu “xã anh hùng”.

    Có thể xem xét việc tạo ra các biện pháp để bảo vệ và phát triển di sản này, bao gồm việc tạo ra các kỷ niệm, bảo tàng, hoặc các chương trình giáo dục về lịch sử và văn hóa địa phương.

    Quan trọng nhất là chính quyền địa phương cần lắng nghe và tôn trọng quan điểm của cộng đồng và tìm ra cách giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm rằng quá trình sáp nhập không làm mất đi tinh thần và danh tiếng của xã anh hùng, mà ngược lại, còn giữ và phát triển điều này một cách tích cực.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 6.

    Cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trong việc đặt tên địa danh, bởi nó thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, đối với nhân dân, với văn hóa và lịch sử dân tộc. Ảnh: Luật sư Quỳnh Anh.

    250 người đại diện cho 4 thôn ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội vừa ký đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP để giữ lại tên xã Chàng Sơn. Theo dự kiến Chàng Sơn và Thạch Xá sẽ sáp nhập, giữ tên Thạch Xá. Theo lý giải của UBND huyện sở dĩ lấy tên Thạch Xá vì tên này đã có từ trước đó. Ông nghĩ sao về việc này?

    Quan điểm cá nhân của tôi là, việc người dân gửi đơn kiến nghị để giữ lại tên Chàng Sơn và phản đối việc sáp nhập với Thạch Xá để có tên mới Thạch Xá là hoàn toàn hiểu được và phản ánh mong muốn của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn tên gọi truyền thống của xã.

    Tuy nhiên, lý giải của UBND huyện rằng việc chọn tên Thạch Xá vì tên này đã có từ thời trước cũng là một lý do có lý. Việc lựa chọn tên cho một địa điểm thường phản ánh sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và cả phát triển hiện đại của khu vực đó. Tên gọi có thể mang lại sự nhận biết cho khu vực, cũng như góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa.

    Đối với hoàn cảnh này, quan trọng là cần phải có một quá trình thảo luận và đàm phán công khai với cộng đồng địa phương để hiểu và đánh giá các quan điểm và mong muốn của họ. Chính quyền cần phải xem xét cẩn thận và trân trọng các ý kiến và đề xuất từ cộng đồng để đảm bảo rằng quyết định cuối cùng phản ánh tinh thần và nguyện vọng chung của nhân dân.

    Việc giữ lại tên Chàng Sơn hoặc chọn tên mới Thạch Xá đều cần phải được xem xét kỹ lưỡng, và quan trọng nhất là phải thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cộng đồng dân cư địa phương.

    Sáp nhập xã, phường: "Cần đặt yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân lên đầu"- Ảnh 7.

    Đình làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Định Nguyễn

    Sáp nhập các đơn vị hành chính, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương trong bối cảnh Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị công sẽ đối diện với những thách thức nào thưa ông?

    Trong quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, giảm biên chế và tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị công, Chính phủ sẽ phải đối mặt với một số thách thức quan trọng, bao gồm:

    Thứ nhất là khả năng kỹ thuật và hạ tầng. Để triển khai Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, cần có hạ tầng kỹ thuật mạnh, bao gồm mạng lưới viễn thông, hạ tầng điện toán đám mây và bảo mật thông tin. Việc xây dựng và duy trì các hạ tầng này có thể đòi hỏi sự đầu tư lớn và nhiều kỹ năng kỹ thuật.

    Thứ hai là vấn đề về bảo mật thông tin. Chính phủ điện tử đặt ra các thách thức về bảo mật thông tin lớn. Dữ liệu nhạy cảm của công dân và tổ chức cần được bảo vệ một cách chặt chẽ để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu.

    Thứ ba là thay đổi thói quen, văn hóa. Thay đổi từ quản trị truyền thống sang quản trị số đòi hỏi sự chuyển đổi thói quen, văn hóa lớn liên quan đến sự thay đổi quy trình làm việc. Cần có sự hỗ trợ đào tạo và tư vấn để nhân viên và cán bộ có thể thích nghi với các công nghệ mới và phương pháp làm việc hiện đại.

    Thứ tư là cần sự đồng thuận và ủng hộ từ các bên liên quan. Sự thành công của các nỗ lực chuyển đổi số trong quản trị công thường phụ thuộc vào sự đồng thuận và hỗ trợ từ các bên liên quan, bao gồm cả nhân viên, người dân và các tổ chức bên ngoài.

    Thứ năm là vấn đề liên quan đến pháp lý và quy định. Quá trình chuyển đổi số trong quản trị công có thể gặp phải các vấn đề pháp lý và quy định, đặc biệt là về quản lý dữ liệu và quyền riêng tư. Chính phủ cần phải tuân thủ các quy định này và xây dựng các biện pháp bảo vệ pháp lý phù hợp.

    Có nên tổ chức cuộc họp, hội thảo mời các chuyên gia khoa học, khảo sát lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ người dân không thưa ông?

    Tôi cho rằng, việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới là một phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới.

    Tham vấn cộng đồng là cách tốt nhất để bảo đảm rằng quyết định đặt tên đơn vị hành chính mới được đưa ra dựa trên ý kiến và nhu cầu của cộng đồng, thể hiện sự tôn trọng quan điểm và nguyện vọng của những người sống trong khu vực đó. 

    Tham vấn cộng đồng không chỉ là cách để lắng nghe ý kiến mà còn tạo ra sự tham gia và ủng hộ từ phía cộng đồng. Khi cộng đồng thấy rằng họ có thể tham gia vào quá trình quyết định, họ có khả năng cao hơn để ủng hộ và chấp nhận quyết định cuối cùng. Tiếp theo đó, tham vấn cộng đồng có thể giúp phát hiện ra những ý tưởng và gợi ý tên gọi mới mà các cơ quan quản lý Nhà nước chưa nghĩ đến.

    Người dân địa phương có thể có cách nhìn khác và thông tin quý u từ quan điểm của họ về lịch sử, văn hóa và các yếu tố đặc biệt khác của địa phương. Bên cạnh đó, tham vấn cộng đồng cũng giúp tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới, giúp tránh gây ra sự tranh cãi và phản đối từ phía cộng đồng sau này.

    Vì vậy, tôi nghĩ, việc tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ cư dân là một ý tưởng rất tốt và có ý nghĩa, giúp xây dựng sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng và tạo ra một quyết định đặt tên minh bạch và phù hợp hơn.

    Xin trân trọng cảm ơn ông!


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn