Sản vật bánh chưng bánh giầy dâng tiến Vua Hùng
Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm, có một lễ vật không thể thiếu khi dâng tiến 18 đời Vua Hùng, đó chính là bánh chưng, bánh giầy. Đây là lễ vật thể hiện tấm lòng thảo thơm của con cháu Lạc Hồng hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tri ân tới các bậc Vua Hùng, hiền nhân.
Sự tích bánh chưng bánh giầy được các thế hệ người Việt lưu giữ và kể lại cho muôn đời sau nghe. Đó là câu chuyện kể về Lang Liêu đã dùng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng, giã xôi nếp, nặn thành bánh giầy để làm lễ vật dâng vua cha là Vua Hùng thứ 6.
Lễ vật đó được Lang Liêu dùng những nguyên liệu vốn dĩ bình dị, gắn với nghề trồng lúa nước, do bàn tay con người làm nên và được Vua Hùng ưng ý, cho rằng, lễ vật không chỉ là giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa triết lý sâu xa. Từ đó, Vua Hùng đã truyền dạy muôn dân làm hai món bánh để dâng cúng tổ tiên vào dịp lễ Tết.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được người Việt gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị dâng lên thờ cúng tổ tiên.
Từ khi nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở TP.Việt Trì, huyện Cẩm Khê và huyện Tam Nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, những nghệ nhân của mỗi làng nghề càng thêm đau đáu giữ gìn, bảo tồn nguyên bản công thức gói bánh chưng, bánh giầy.
Giữ gìn nét đẹp gói bánh chưng, giã bánh giầy
Theo anh Nguyễn Văn Ninh (nghệ nhân làng nghề bánh chưng, bánh giầy làng Xốm, xã Hùng Lô, TP.Việt Trì), ngày thường mỗi nhà chỉ làm khoảng vài trăm chiếc bánh giao cho các đại lý, quầy hàng và bán lẻ. Nhưng dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là dịp hội Đền Hùng tháng Ba, số lượng bánh tăng lên rất nhiều, gói không đủ cung cấp. Mỗi ngày hội tháng Ba này, hàng ngàn chiếc bánh chưng dẻo thơm làng Xốm được bán ra thị trường để phục vụ nhu cầu của du khách.
Theo anh Ninh, đối với người dân làng Xốm, làm bánh chưng không chỉ là nghề mưu sinh mà quan trọng hơn là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích “bánh chưng, bánh giầy” nơi đất Tổ.
Bên cạnh bánh chưng, bánh giầy là sản vật nức tiếng của Đất Tổ Vua Hùng. Trong đó, làng Mộ Chu Hạ ở phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì là địa phương nổi tiếng với nghề làm bánh giầy và hội thi giã bánh giầy mỗi dịp Xuân về.
Ông Đỗ Quang Lê (nghệ nhân làm bánh giầy làng Mộ Chu Hạ) cho biết, bước vào thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự đổi thay trong quan niệm, lối sống của con người sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều giá trị cổ truyền ít nhiều bị thay đổi, mai một và thất truyền. Thế nhưng, phong tục làm bánh giầy ở làng không hề bị mai một mà ngày càng được trân quý hơn.
Theo ông Lê, đến nay, làng Mộ Chu Hạ vẫn giã bánh giầy bằng cối đá, chày tre, đây là nét đẹp truyền thống được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Đây cũng là bí quyết để làm bánh giầy thơm dẻo, trắng ngon chuẩn nhất mà không phải địa phương nào cũng làm được.
“Vào tháng Giêng hằng năm, dân làng chúng tôi lại hòa mình vào hội thi giã bánh giầy của làng để ôn lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và chuẩn bị những chiếc bánh dẻo thơm, đậm đà dâng cúng tổ tiên. Càng vinh dự hơn, nhiều năm nay, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ lại tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy ở Khu di tích Đền Hùng, nhằm tái hiện cuộc thi làm các lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương dựng nước. Đội giành giải Nhất sẽ được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước làm sản vật bánh chưng, bánh giầy để dâng tiến Vua Hùng, tổ tiên đúng vào ngày Giỗ Tổ – mùng 10/3 Âm lịch năm kế tiếp” – ông Lê tự hào cho biết.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, sự phát triển của các làng nghề gói bánh chưng, giã bánh giầy đã góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc; thể hiện sự trân trọng thành quả và sự sáng tạo trong lao động của nhân dân. Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của vùng Đất Tổ đến với du khách trong và ngoài nước.
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy trong Lễ hội Đền Hùng 2024 được tổ chức vào ngày 16/4 (tức 8/3 Âm lịch). Đây không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân thể hiện khả năng, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mà quan trọng chính là bản sắc và các giá trị văn hóa tiêu biểu của các vùng quê nông nghiệp, nông thôn sẽ được tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn