January 24, 2025

Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ “biến mất” sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính

[lastupdated] - Lượt Views:

  • “Ông trùm giải trí” hé lộ lý do “mất tích” 6 năm, mong muốn trở lại vào năm 2025
  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Anh trai dùng dao đâm chết em ruột; tin mới vụ nam shipper bị đánh tử vong
  • Vụ shipper bị đánh tử vong: Chủ căn nhà mà người phụ nữ thuê để buôn bán bị ném chất bẩn

  • Tính đến ngày 1/4, có 11 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025 để lấy ý kiến nhân dân. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.

    Trong danh sách 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, có thể thấy không ít địa danh lịch sử bị sáp nhập, mất đi tên gọi vốn có trong ký ức nhiều thế hệ.

    Phường Cầu Dền

    Quận Hai Bà Trưng sắp xếp 7 phường thành bốn. Theo đó, quận dự kiến nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 1.

    Một bức ảnh chụp địa danh Ô Cầu Dền những năm đầu thế kỷ 19. (Ảnh: TL)

    Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng việc phường Cầu Dền mất tên là điều vô cùng đáng tiếc, do địa danh này đã đi vào lịch sử dân tộc. Ô Cầu Dền tên chữ là Yên Ninh, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Thịnh Yên, từng được nêu trong nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 2.

    Một góc tại phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay. (Ảnh: TL)

    Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế) qua những đồi cây cối rậm rạp và cả một rừng mai. Phường Cầu Dền có nhiều địa danh lịch sử cách mạng như: Ô Cầu Dền, chùa Hương Tuyết… đã ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt hiện tại cũng chính là vị trí của Ô Cầu Dền năm xưa.

    Phường Quỳnh Lôi

    Theo nghiên cứu của PGS.TS Bùi Xuân Đính, vào thời điểm đầu thế kỷ XIX, làng Quỳnh Lôi là một trại thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức; đến giữa thế kỷ XIX cắt sang tổng Kim Liên cùng thuộc huyện Thọ Xương. Sau khi Khu vực ngoại thành được thành lập (năm 1899, từ 1915 đổi gọi là huyện Hoàn Long và lệ thuộc tỉnh Hà Đông; từ tháng 8 – 1942, lại sáp nhập vào Thành phố Hà Nội, biến thành nhượng địa của Pháp, gọi là Đại lý đặc biệt Hà Nội), Quỳnh Lôi trở thành một đơn vị hành chính của khu vực này.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 3.

    Chùa Quỳnh Lôi thuộc phường Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội). (Ảnh: VH)

    Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Quỳnh Lôi nhập với làng Mai Động thành xã Quỳnh Mai. Kháng chiến bùng nổ lại tách ra thành hai xã thuộc quận VII Hà Nội. Năm 1957, lập lại xã Quỳnh Mai thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1961, lại cắt làng Mai Động về xã Hoàng Văn Thụ (huyện Thanh Trì); còn làng Quỳnh Lôi chia thành các khối phố, rồi đổi thành tiểu khu, thuộc khu phố Hai Bà Trưng. Từ năm 1981, các tiểu khu nay được chuyển thành 3 phường: Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai và Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng.

    Chùa Quỳnh Lôi nằm trên địa bàn phường là một di tích có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình; hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị văn hóa lâu đời và là di tích quan trọng, một danh lam cổ tích của Thủ đô Hà Nội.

    Nói về việc Quỳnh Lôi bị mất tên, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng đây là việc “khó tránh khỏi”. Khi phường Quỳnh Lôi và phường Bạch Mai sát nhập, Bạch Mai đương nhiên sẽ là cái tên hợp lý hơn bởi giá trị lịch sử của địa danh này.

    Xã Hòa Xá

    Xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) chính là địa danh gắn liền với những ca từ bất hủ trong ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi. Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui…”. Từ đây, phong trào tặng gậy cho chiến sĩ đã ra đời, từ đó khơi dậy quyết tâm lên đường đối với con em Hòa Xá, cổ vũ lớp lớp thanh niên cả nước lên đường đấu tranh vì độc lập, thống nhất dân tộc. Cùng với phong trào luyện quân, Hòa Xá còn có khẩu hiệu “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”. 

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 4.

    Đình làng Hòa Xá (xã Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Nội). (Ảnh: CAND)

    Là một làng cổ, Hòa Xá có nghề truyền thống trồng bông dệt vải, dệt màn, tương truyền xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, do vị tướng nhà Đinh Nguyễn Đức Chính truyền dạy. Đến thời Pháp thuộc, những người dân Hòa Xá lại học thêm được kỹ thuật dệt vải màn của phương Tây, từ đó cải tiến và phát triển. Trong những năm kháng chiến, Hòa Xá chính là nơi chuyên sản xuất, cung cấp cho quân đội ta màn xô chống muỗi và băng, gạc y tế. 

    Nói về việc xã Hòa Xá bị sáp nhập với các xã Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa, nhiều chuyên gia tỏ ra tiếc nuối. Trò chuyện với Dân Việt, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng nên giữ lại địa danh này, bởi đó là nơi ghi dấu những chứng tích hào hùng của lịch sử.

    Xã Tích Giang

    UBND huyện Phúc Thọ đưa ra phương án nhập xã Thọ Lộc với xã Tích Giang thành xã mới mang tên Tích Lộc. Với quyết định này, địa danh Tích Giang gắn liền với câu truyện cổ tích Sơn Tinh – Thủy Tinh của người Việt cũng sẽ không còn trên bản đồ.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 5.

    Đình Tường Phiêu thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. (Ảnh: Sở VHTT Hà Nội)

    Tích Giang là xã bên dòng sông Tích dưới chân dãy núi Ba Vì, nơi đây đã phát hiện những di vật từ thời kỳ đồ đá mới. Xã Tích Giang cũng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của Xứ Đoài như tục đánh cá làng Me dâng lên Tản Viên Sơn Thánh, hay di tích quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu và lễ hội truyền thống đã được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. 

    Sách Lĩnh Nam chích quái viết ở thời này đã kể chuyện Sơn Tinh xem đánh cá trên sông Tích, những nơi ngài ghé qua sau đó đều được nhân dân lập đền thờ. Cho đến nay, ngài vẫn là Thành hoàng được thờ ở nhiều đình, đền trong xã. 

    Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Tích Giang là cái tên nhiều giá trị, nên được giữ lại. Ông cũng cho rằng cái tên mới Tích Lộc nghe tưởng chừng hay nhưng thật ra khá “thô”, không mang yếu tố văn hóa.

    Xã Hữu Bằng

    Tại huyện Thạch Thất, theo đề án, xã Hữu Bằng và xã Bình Phú sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là xã Quang Trung.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 6.

    Một hình ảnh được ghi lại tại xã Hữu Bằng. (Ảnh: TL)

    Hữu Bằng là địa danh đã có từ lâu đời. Theo một số tài liệu, tấm bia Hậu thần xã Hữu Bằng hiện còn ở đình làng, lập ngày Rằm tháng Giêng, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) có ghi chép: “Xã Hữu Bằng với cái tên Hữu Bằng đã có tự ngàn xưa. Hữu Bằng là tên lấy một hàm nghĩa trong câu: “Hữu bằng, hữu dực, hiếu hữu, hữu đức” trong sách Chu thư. Đây chính là đất có phong tục thuần mỹ, dân đông lại giàu có, những lời khen này chẳng thể là chuyện ngoa truyền”.

    Trước kia, Hữu Bằng là một làng nghề dệt may truyền thống có tiếng. Sau đó, nơi đây trở thành làng nghề sản xuất nội thật và buôn bán các sản phẩm gỗ. Cũng nhờ vậy, kinh tế Hữu Bằng phát triển vượt bậc, trở thành một trong những xã có mức thu thập bình quân cao nhất tại huyện Thạch Thất.

    Xã Chàng Sơn

    Cũng tại huyện Thạch Thất, theo đề án, xã Chàng Sơn, Thạch Xá sẽ được sáp nhập thành xã Thạch Xá. Trong đó, Chàng Sơn là địa danh cổ kính, được cho là có tên gọi cổ xưa là làng Chàng (bắt nguồn từ tên một dụng cụ làm mộc cổ là đục Chàng Chảy). Về sau, làng được gọi theo âm Hán Việt là Chàng Thôn, rồi biến âm thành Chàng Sơn như hiện tại.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 7.

    Đình làng Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội). (Ảnh: TL)

    Người dân Chàng Sơn nổi tiếng tài hoa với nhiều nghệ nhân thuộc các nghề khác nhau như nghề mộc, nghề làm quạt, nghề tạc tượng, làm nhà cổ nhà gỗ, nghề nề, nghề sơn… Chính những người thợ mộc tại Chàng Sơn đã tạo nên những công trình nổi tiếng của Việt Nam như: Kiến trúc gỗ và 18 pho tượng La hán Chùa Tây Phương, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Theo truyền thuyết của người làng, thợ mộc Chàng Sơn tài hoa đến mức đích thân Thánh Tản Viên xuống núi mời tốp thợ trong làng lên để sửa đình thờ.  Năm 2008, Hội làng nghề Việt Nam phong tặng làng mộc Chàng Sơn danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. 

    Tuy theo đề án, xã Chàng Sơn sẽ bị thay tên, địa danh thôn Chàng Sơn sẽ vẫn được giữ lại.

     Xã Canh Nậu

    Theo đề án, xã Canh Nậu và xã Dị Nậu (thuộc huyện Thạch Thất) sẽ sáp nhập và được đặt tên mới là xã Lam Sơn. Đây thực ra là cái tên từng được dùng tại địa danh này, tuy nhiên không có sự cổ kính như cái tên Canh Nậu.

    Theo một số tài liệu ghi lại, Canh Nậu xưa có tên Nôm gọi là kẻ Núc, sau đặt tên tự là Canh Nậu với nghĩa CANH (畊) là “cày”, NẬU (耨) là “bừa”, hàm ý chỉ làng quê lấy nghề nông làm gốc.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 8.

    Trụ sở UBND xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất – TP.Hà Nội). (Ảnh: TL)

    Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, Canh Nậu là một xã thuộc tổng Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Sau đó, Canh Nậu được sáp nhập với các xã trong tổng Hương Ngải cũ gọi là khu, đổi tên thành xã, mang tên Hương Ngải. Đầu tháng 4/1948, làng Hương Ngải được tách ra thành một xã riêng; còn 3 làng Canh Nậu, Dị Nậu, Bến Thôn lập thành một xã mới mang tên Lam Sơn.

    Tháng 5/1955, Canh Nậu lại được tách ra một lần nữa, tách khỏi Lam Sơn thành lập một xã riêng trở về với cái tên ban đầu là xã Canh Nậu. Ngoài nghề nông cơ bản, Canh Nậu còn được biết đến là làng nghề mộc tiêu biểu tại Thạch Thất.

    Trước việc ghép Canh Nậu và Dị Nậu thành xã mới mang tên Lam Sơn, ông Bùi Xuân Đính cho rằng nên giữ lại một trong hai cái tên này, bởi đây là từ cổ, mang nhiều ý nghĩa.

    Xã Hà Hồi

    Huyện Thường Tín đưa ra đề án nhập một phần các xã Văn Bình, Hà Hồi, Nguyễn Trãi và toàn bộ xã Văn Phú vào thị trấn Thường Tín thành thị trấn Thượng Phúc.

    Sáp nhập xã, phường: Nhiều địa danh lịch sử sẽ "biến mất" sau khi Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính- Ảnh 9.

    Đình Hà Hồi thuộc xã Hà Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội). (Ảnh: TL)

    Trong đó, Hà Hồi là địa danh nổi tiếng trong lịch sử của dân tộc. Theo sử sách lưu truyền, vào ngày 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 20 km. Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng. Đây chính là chiến thắng quyết định làm giảm sĩ khí của quân Thanh đang chiếm đóng miền Bắc Đại Việt.

    Ngôi đình Hà Hồi nằm tại trung tâm xã là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại đến ngày nay. Đình được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Ngày 23/12/1985, Đình Hà Hồi đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

     


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn