Giá trị trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Chính vì những giá trị đó, ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, nếu như các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác có nhiều thay đổi thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những giá trị đặc trưng độc đáo vẫn được bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.
Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” gồm hai phần: Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam (phần I) và Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay (phần 2). Nội dung các bài viết trong mỗi phần đi sâu trình bày, phân tích, nhận định và đánh giá về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ nhiều góc độ, cũng như việc khai thác, phát huy các giá trị của loại hình tín ngưỡng này ở trong và ngoài nước hiện nay.
Trong lời đề tựa cuốn sách, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn viết: “Các bài viết trong cuốn sách tập trung làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học; sự tồn tại của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt và các tộc người thiểu số trên nhiều vùng, miền của Tổ quốc và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định vai trò của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đặt trọng tâm vào vấn đề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng ở Việt Nam, việc khai thác di tích và Lễ hội Đền Hùng trong hoạt động du lịch bền vững hiện nay và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại.
Sách còn nhằm khẳng định giá trị trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, điển hình tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như tiếp tục bảo tồn, duy trì và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa của loại hình tín ngưỡng này với thái độ tôn kính, hành động thiết thực là góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để “văn hóa còn, thì dân tộc còn”.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn