January 24, 2025

Bóng đá Việt Nam làm gì để lấy lại vị thế?: Bài học cải cách từ Thái Lan

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Con trai Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng tiết lộ về bạn gái vừa cầu hôn thành công sau 9 năm yêu
  • Bắt giữ 1 Giám đốc công ty khai thác trái phép hơn 50.000m3 đất
  • Quảng Ninh ứng dụng công nghệ số tại Hội sách, báo Xuân Ất Tỵ

  • Bangkok United tạo ra cuộc phiêu lưu thú vị ở AFC Champions League mùa giải năm nay - Ảnh: AFC

    Bangkok United tạo ra cuộc phiêu lưu thú vị ở AFC Champions League mùa giải năm nay – Ảnh: AFC

    Trong một lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ năm 2015, ông Arj Kosinkar – tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan (FAT) lúc bấy giờ – đã chia sẻ: “Cuộc cách mạng vào đầu thập niên 2000 của bóng đá Thái Lan chủ yếu tập trung vào việc phát triển hệ thống giải đấu quốc gia”.

    Ở Anh và Đức, tôi học được những bài học về cách giữ chân người hâm mộ, về cách thức kinh doanh giải trí. Mỗi một đội bóng đều có các hội CĐV cứng sẵn sàng mua vé cả mùa bất chấp phong độ của đội nhà.
    Ông Arj Kosinkar (cựu tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan)

    CLB mới là nơi trả lương cầu thủ

    “Một nền bóng đá có thể chia làm hai phần gồm các đội tuyển quốc gia và hệ thống CLB. Đội tuyển quốc gia là bộ mặt của đất nước, nhưng các CLB mới là nơi đào tạo và trả lương cho cầu thủ”, ông Kosinkar nói.

    Những năm đầu thập niên 2000, Thai League khi đó khá lép vế so với V-League. Rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Thái Lan như Kiatisak, Dusit, Thonglao… đã sang Việt Nam thi đấu vì mức lương cao. Đó cũng là những năm tháng hoàng kim nhất của thời đại “bóng đá ông bầu” ở Việt Nam.

    Dù vậy, khó có thể nói V-League khi đó phát triển hơn Thai League. Các CLB Việt Nam thu hút được những ngôi sao Thái Lan nhờ vào túi tiền của các ông bầu. Để so sánh tương ứng, Saudi Arabia hiện tại cũng lôi kéo được hàng loạt siêu sao hàng đầu thế giới. Nhưng điều đó không đồng nghĩa việc nền bóng đá Saudi Arabia phát triển hơn các nước châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran…

    Trong lúc các cầu thủ kiếm tiền, những nhà cải cách bóng đá Thái Lan quyết tâm học theo Tây. Ông Kosinkar là người đầu tiên được FAT cho đi “du học” ở Anh và Đức – những môi trường bóng đá kiểu mẫu.

    “Những năm đó ở Thái Lan, và tôi nghĩ là ở cả Đông Nam Á, chúng ta vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về mô hình thương mại của các CLB. Các CĐV vẫn đến sân vận động để xem bóng đá hằng tuần nhưng thuần túy chỉ vì niềm đam mê.

    Ở Anh và Đức, tôi học được những bài học về cách giữ chân người hâm mộ, về cách thức kinh doanh giải trí. Mỗi một đội bóng đều có các hội CĐV cứng sẵn sàng mua vé cả mùa bất chấp phong độ của đội nhà. Đồng thời, họ tiêu thụ nhiều loại sản phẩm và hàng lưu niệm của đội bóng”, ông Kosinkar chia sẻ.

    Sau nhiều năm làm cải cách, Thai League dần vươn mình lấy lại vị thế giải đấu số 1 Đông Nam Á. Đến thập niên 2010, dòng cầu thủ từ Thái Lan sang Việt Nam đảo chiều, một phần vì các ông bầu Việt Nam không còn chi đậm, một phần vì hệ thống giải quốc nội của Thái Lan phát triển mạnh mẽ.

    Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

    Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn – Ảnh: NGUYÊN KHÔI

    Đầu ra của nghề cầu thủ

    Trong bài toán phát triển bóng đá của người Thái Lan, họ đưa ra góc nhìn có chiều sâu về mặt xã hội. Đó là nghề cầu thủ cần phải được đảm bảo. Để được như vậy, hệ thống giải đấu quốc gia cần phải có chiều sâu và các cầu thủ hạng dưới có mức thu nhập đủ sống.

    Theo Salary Sport, mức lương trung bình của Thai League 2 (tương đương với Giải hạng nhất của Việt Nam) vào khoảng 2.000 USD. CLB Nakhon Ratchasima, đội bóng mới mùa giải năm nay vẫn đang chơi ở Thai League 2, trả mức lương tối thiểu là 32.000 baht/tháng (hơn 21 triệu đồng/tháng). Được biết ở Việt Nam, mức lương tối thiểu với các cầu thủ Giải hạng nhất chỉ vào khoảng 10 triệu đồng. Với mức sống tương tự, rõ ràng nghề cầu thủ ở Thái Lan “dễ thở” hơn so với Việt Nam.

    Không chỉ vậy, Thái Lan còn có quy mô giải đấu lớn hơn, với 16 đội ở Thai League 1 và 18 đội ở Thai League 2. Đồng nghĩa ở Thái Lan, hằng năm có khoảng 700 – 800 cầu thủ chuyên nghiệp hành nghề. Việt Nam với chỉ 26 đội chuyên nghiệp (14 ở Vleague, 12 ở Giải hạng nhất) chỉ mang đến con số tương ứng vào khoảng 500 – 600. Đó là chưa kể đến dân số Thái Lan chỉ bằng khoảng 2/3 của Việt Nam. Ở Thái Lan, nghề cầu thủ có thu nhập cao gấp đôi và cũng mang đến cơ hội nghề nghiệp cao gấp đôi so với ở Việt Nam.

    Phát triển hệ thống kinh doanh

    Ông Kan Jarat, người từng giữ chức tổng giám đốc của CLB MuangThong United, chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Để phát triển bóng đá, chúng tôi cần phải phát triển hệ thống kinh doanh bao quanh đó. Nghề cầu thủ cần phải có thu nhập cao, đồng thời các CLB phải tạo ra một mạng lưới công việc rộng lớn, từ những nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh cho đến đội ngũ chuyên môn… Như vậy, các gia đình sẽ mạnh dạn cho con em theo đuổi nghiệp bóng đá”.

    MuangThong United cũng là đội bóng đi đầu ở Thai League về việc xây dựng tính thương mại. Đội bóng có những gian hàng bán đồ lưu niệm luôn chật khách vào các ngày thi đấu. Chưa hết, họ tổ chức được những tour đi tham quan sân vận động và lôi kéo được nhiều bản hợp đồng tài trợ béo bở. Tất nhiên, đó không phải chỉ là chuyện có thể làm được một sớm một chiều.

    Khi bóng đá Việt Nam vẫn còn loay hoay trong tay các ông bầu, nền bóng đá của Thái Lan đã tự cường từ hơn một thập niên trước. Khoảng thời gian thành công dưới thời HLV Park Hang Seo tạo ra cảm giác rằng bóng đá Việt đã đuổi kịp người Thái. Nhưng sự thật phũ phàng đã quay trở lại sau một năm, dưới thời ông Troussier. 

    Một tháng trước lượt trận quốc tế vừa qua, CLB Bangkok United của Thái Lan chơi tưng bừng trước Yokohama Marinos – một trong những đội bóng mạnh nhất Nhật Bản – tại vòng 16 đội AFC Champions League (chung cuộc họ thua 2-3).

    Mùa giải năm ngoái, Pathum United còn làm tốt hơn khi tiến vào đến tứ kết giải đấu. Và hầu như mỗi mùa, Thái Lan đều có một đại diện tiến xa ở đấu trường cao nhất châu lục cấp độ CLB. Còn Việt Nam? Chưa từng có đại diện nào của V-League vượt qua giai đoạn vòng bảng AFC Champions League.

    Thành tích sân cỏ là kết tinh cho mô hình quản lý đúng đắn. Và không cần đến những số liệu về tài chính cũng có thể thấy hệ thống bóng đá cấp CLB của Thái Lan vượt xa Việt Nam đến thế nào.

    V-League bị đánh giá đang tụt hậu về giá trị - Ảnh: MINH ĐỨC

    V-League bị đánh giá đang tụt hậu về giá trị – Ảnh: MINH ĐỨC

    V-League tụt hậu về giá trị

    Theo thống kê của Transfermarkt, tổng giá trị cầu thủ của V-League chỉ là 41,4 triệu euro, kém hẳn so với 54,6 triệu euro của Malaysia Super League, 71 triệu euro của Liga 1 (Indonesia), và 75,6 triệu euro của Thai League. Đây cũng là bốn nền bóng đá lớn nhất khu vực, với quy mô giải đấu không khác biệt nhau đáng kể.

    Giá trị cầu thủ không hoàn toàn phản ánh chất lượng nền bóng đá, nhưng nó cũng cho thấy trên thị trường bóng đá chất lượng của các cầu thủ cũng như các CLB Việt Nam không được đánh giá quá cao.

    Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed