April 27, 2024

Bóng đá Việt Nam: Không chỉ là một chữ ký

Tiến Linh thất vọng khi không thể ghi bàn, thua Indonesia 0-3 ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình - Ảnh: N.K.

Tiến Linh thất vọng khi không thể ghi bàn, thua Indonesia 0-3 ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình – Ảnh: N.K.

Chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cộng với việc FIFA tăng số lượng đội tham dự World Cup 2026 khiến chúng ta có cảm giác chiếc vé dự World Cup đã đến rất gần.

Niềm tin đó càng lớn hơn khi đội tuyển được dẫn dắt bởi một HLV tên tuổi ở đấu trường World Cup: ông Philippe Troussier. Nhưng trong niềm phấn khích, chúng ta đã quên tuyển Việt Nam hai lần thất thủ trước Thái Lan ở AFF Cup 2020 (bán kết) và 2022 (chung kết).

Điều đáng nói là hai lần thất bại đó, trong đội hình tuyển Việt Nam có rất nhiều cái tên làm nên chiến tích của tuyển U23 Việt Nam ở Thường Châu năm 2018. Có thể nói bóng đá Việt Nam đã ở vào giai đoạn đầu của thoái trào, trong khi thế hệ kế tiếp chưa thấy những gương mặt xuất sắc đủ sức kế thừa các đàn anh.

Trong một lần gặp gỡ, HLV Park Hang Seo nói với tôi: “Muốn mơ đến đấu trường Olympic hay World Cup, ngay bây giờ bóng đá Việt Nam hãy bắt tay xây dựng lực lượng từ những chú bé lứa tuổi U8”.

Thực tế thì sao?

Nhiều CLB ở V-League chỉ làm chiếu lệ trong việc đào tạo trẻ. Mỗi khi đến giải trẻ lại tính chuyện mượn quân đá cho đủ thủ tục. Chưa hết, thi thoảng truyền thông lại đưa thông tin các cầu thủ trẻ bị nợ tiền phụ cấp…

Như vậy thì làm sao có thể đào tạo ra những cầu thủ tài năng với đủ chuẩn chất thể hình, thể trạng… cần thiết. Chân đế này không tốt thì làm sao hình thành nên một đội tuyển mạnh ở tương lai.

Một chuyên gia bóng đá nói thêm: “Để lấy lại vị thế, cần phải biết bóng đá Việt Nam đang ở đâu? Đang thiếu cái gì và cần làm gì để phát triển?

Trụ cột của bóng đá Việt Nam là các CLB nên LĐBĐ VN (VFF) cần xắn tay vào việc tư vấn, xây dựng hệ thống đào tạo có định hướng chiến lược dài hạn trong việc nhắm đến các mục tiêu dài hạn như tham dự Olympic, World Cup”.

Không chỉ đào tạo trẻ, còn rất nhiều điều bóng đá Việt Nam cần phải làm như cải thiện chất lượng hệ thống giải quốc gia.

Khó có thể chấp nhận V-League – giải đấu cao nhất – có số lượng đội tham dự nhiều hơn Giải hạng nhất. Với mô hình tháp ngược này làm sao có thể chắt lọc được những tinh hoa cho đội tuyển.

Một CLB có thể vung tiền mua hàng loạt ngôi sao để nhanh chóng vô địch V-League, nhưng sẽ không bao giờ có chuyện vung tiền để cấp tốc làm nên một đội tuyển mạnh.

Bóng đá Việt Nam cần một tổng công trình sư từ VFF để cấu trúc nên nền tảng vững mạnh mà trước mắt thể hiện qua vị thế của các đội tuyển quốc gia ở đấu trường châu lục.

Chữ ký của vị HLV trưởng dù tầm cỡ đến đâu cũng không làm nên thành công cho đội tuyển. May mắn họ sẽ được tung hô, còn thất bại họ ra đi và bóng đá Việt Nam sẽ chịu những tổn hại nặng nề.

Vì vậy thành công trước tiên phải đến từ nội lực của bóng đá Việt Nam, sau đó mới là chữ ký.

Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed