Năm 2023 được xem là một bước ngoặt lớn đối với Huyền Trang khi đoạt giải Nhì bảng A Cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc. Giải thưởng này đã thay đổi Huyền Trang như thế nào?
– Với bất kỳ sinh viên Nhạc viện (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nào thì giải thưởng có được từ cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc đều là niềm mơ ước. Đây là một cuộc uy tín và danh giá dành cho giới Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng vì thế ai cũng muốn tham gia. Tôi đã rất vui và hãnh diện khi được trao giải Nhì ở vòng bảng A. Giải thưởng là niềm khích lệ, là động lực để tôi nỗ lực hơn trong con đường học tập và làm nghề của mình sau này. Giải thưởng giúp tôi củng cố thêm niềm tin rằng việc lựa chọn thính phòng để theo đuổi là hoàn toàn sáng suốt.
Cô giáo Lan Anh, bố mẹ và gia đình rất tự hào về tôi. Từ khi có giải thưởng, tôi cũng có nhiều lời mời biểu diễn hơn. Tôi luôn cảm thấy thăng hoa với những điều xung quanh.
Phải kể thêm rằng, lúc mới vào học ở Học viện Âm nhạc, tôi may mắn khi được cô Lan Anh nhận giảng dạy trực tiếp. Thời điểm đó, cô Lan Anh rất bận bịu vì vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa biểu diễn, vừa chuẩn bị cho live concert của cô. Trước khi đồng ý nhận tôi làm học trò, cô có phần e ngại khi thấy tôi bé tin hin. Cô có hỏi: “Bé thế này thì có học được không?”. Tuy nhiên, sau đó cô Lan Anh vẫn nhận lời giảng dạy cho tôi.
Theo học cô Lan Anh được khoảng 4 tháng thì cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng năm đó diễn ra. Cô có bảo, 4 năm sau sẽ cho tôi tham gia cuộc thi này. Lúc đó, tôi không dám mơ ước xa vời nhưng vẫn le lói lên một niềm hy vọng. Và năm ngoái, khi cuộc thi diễn ra, tôi đã được cô động viên và tạo điều kiện cho tham gia cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc. Cô đã rất tâm huyết khi chọn cho tôi một bài dài nhất và khó nhất để thi. Nhưng bài dài tới 25 mặt giấy, vượt quá thời lượng cho phép của cuộc thi nên đã tôi đã phải tạm gác lại bài đó.
Cuộc thi diễn ra tháng 11/2023 thì tháng 9/2023, hai cô trò mới bắt đầu ôn luyện. Trong vòng 2 tháng, cả hai cô trò đánh vật với 7 bài hát. Nhiều người hỏi tôi chọn cho 7 bài khó thế liệu có kịp luyện trong 2 tháng không vì các bạn khác chọn bài dễ hơn, tôi chỉ biết trấn an mọi người và cố gắng. Trong vòng một tuần, tôi đã luyện được hòm hòm 4 bài cô giao và tập ghép đàn.
Phải nói là cô giáo rất thương và lo lắng cho tôi. Trước khi ghép đàn, cô phải gọi điện cho pianist dặn dò đủ thứ. Đến với cuộc thi, bên cạnh việc muốn được cọ sát để học hỏi thì tôi cũng đặt mục tiêu cho mình nên đã rất quyết tâm, cố gắng. Giải Nhì chung cuộc là kết quả ngoài mong đợi. Chắc thiếu mất một chút may mắn để chạm tay vào giải Nhất.
Cô giáo Lan Anh nhẹ nhàng, vui tính nhưng rất thẳng tính
Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình – cái nôi của chèo. Tại sao Huyền Trang lại chọn theo đuổi thính phòng mà không chọn theo nghệ thuật truyền thống?
– Ngày xưa đi học, tôi cũng tham gia biểu diễn múa, chèo tại trường học nhưng mẹ tôi không muốn tôi theo chèo hay chầu văn mà muốn theo tân nhạc. Từ lớp 6 đến lớp 9, mẹ cho tôi theo học âm nhạc ở các trung tâm. Các thầy cô thấy tôi có giọng hát phù hợp hát nhạc trữ tình và nhạc cách mạng nên hướng cho tôi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mọi người xung quanh thấy mẹ đầu tư cho tôi học cứ thắc mắc: “Quái, sao nó đầu tư cho con gái học nhiều thế?”.
Sau khi tôi vào Trung tâm Âm nhạc học được khoảng 1 tháng thì thầy Thái (người dạy âm nhạc cho Huyền Trang thuở ban đầu ở Thái Bình – PV) cho tôi hát những bài chuyển giọng một cách nhẹ nhàng, không quá sức. Thầy bảo tôi có năng khiếu, có thể lên nhạc viện Hà Nội học được. Sau đó thầy Thái hướng dẫn tôi học bài “Cô gái vót chông”, học bài đó xong tôi khóc luôn. Tôi không dám thổ lộ với thầy mà về tâm sự với mẹ: “Mẹ ơi, con không thích học thầy nữa tại dòng nhạc này con không thích”. Tại đợt đó, tôi mới 12 tuổi mà đã học hát “Cô gái vót chông” quả là quá sức.
Trong suy nghĩ non nớt lúc đó, tôi cứ nghĩ cho rằng, dòng nhạc này chỉ có ông bà, bố mẹ, cô chú mình nghe chứ làm gì có ai nghe. Nhưng sau khi học được vài buổi bài “Cô gái vót chông” rồi biểu diễn trong một sự kiện âm nhạc của xã thì mọi người rất khen ngợi. Tự dưng tôi có động lực và hứng thú hơn, về nhà suốt ngày mở bài “Cô gái vót chông” do cô Lan Anh hát để nghe.
Có vẻ như mẹ của Huyền Trang cũng là người theo sát con trong hành trình thắp sáng ước mơ nghệ thuật?
– Nhà tôi không có ai theo nghệ thuật nhưng mẹ tôi lại rất yêu thích âm nhạc. Trước đây, mẹ cũng rất muốn làm ca sĩ nhưng do gia đình không có điều kiện nên dang dở ước mơ. Vì thế mà bây giờ mẹ dồn hết mọi tâm huyết cho tôi. Mẹ bảo, thấy tôi đứng trên sân khấu cảm giác như mẹ cũng được đứng trên sân khấu. Nên hầu hết các cuộc thi hoặc sự kiện âm nhạc của tôi mẹ đều bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội tham dự, cổ vũ, động viên. Mẹ rất thích khoảnh khắc nhìn thấy tôi đứng trên sân khấu biểu diễn.
Bước vào con đường học hành rồi, có bao giờ thấy sự lựa chọn theo nghệ thuật của mình là mạo hiểm?
– Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ đó. Khi theo học cô Lan Anh, được tiếp xúc với môi trường âm nhạc một cách trực tiếp, được tham gia biểu diễn… tôi nhận thấy mình quá may mắn khi tìm được đúng môi trường để thỏa sức vẫy vùng, người ta thường ví von là “cá gặp nước”. Cô Lan Anh không chỉ rèn cho tôi biết hát nhạc tây mà còn hát nhạc Việt. Sau khi tham gia Sao Mai xong thì tôi thấy sự tiến bộ của mình rất vượt bậc, không chỉ là cô bé học hệ Trung cấp thanh nhạc như bình thường nữa.
Đợt học Trung cấp tôi chỉ loanh quanh với những bài Tây đơn giản. Nhưng thi Sao Mai xong tôi hát được nhiều bài nhạc Việt với kỹ thuật đóng chữ như thế nào.
Khi thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc, cô toàn chọn cho tôi bài từ 15 mặt giấy trở lên, bài tốt nghiệp năm nay là 25 mặt. Vì thế, khi hát bài nào 5 – 6 mặt tôi lại thấy đơn giản quá. Tôi thích thử thách mình những cái gì khó khăn để có động lực mà tiến bộ.
Theo học cô giáo Lan Anh từ hệ Trung cấp lên Đại học, Huyền Trang cảm nhận cô giáo của mình là một người như thế nào?
– Cô là một người nhẹ nhàng, vui tính. Nhiều khi làm gì đó khiến cô chưa vừa ý là cô góp ý ngay rồi vui vẻ trở lại chứ không để bụng bao giờ. Cô thấy tôi thiếu thứ gì mà cô có là cô cho luôn chứ không nghĩ ngợi hay lăn tăn điều gì. Trong nghề, tôi cũng thấy cô là người có tâm và có tầm.
Lúc mới vào học ở Học viện Âm nhạc, tôi may mắn khi được cô Lan Anh nhận giảng dạy trực tiếp. Thời điểm đó, cô Lan Anh rất bận bịu vì vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa biểu diễn, vừa chuẩn bị cho live concert của cô. Trước khi đồng ý nhận tôi làm học trò, cô có phần e ngại khi thấy tôi bé tin hin. Cô có hỏi: “Bé thế này thì có học được không?”. Tuy nhiên, sau đó cô Lan Anh vẫn nhận lời giảng dạy cho tôi.
Có người mới gặp đã nhã ý tặng 15.000 USD
Đa số sinh viên Nhạc viện bây giờ chọn nhạc trẻ để theo đuổi vì dòng nhạc này giúp họ kiếm được nhiều tiền ngay cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Huyền Trang có cảm thấy thiết thòi khi chọn thính phòng?
– Tôi nghĩ, khi mình hát được nhạc thính phòng – nhạc kịch thì sẽ hát được tất cả các dòng nhạc khác. Có thể hát không hay bằng các bạn đã theo đuổi chặng đường dài nhưng mình cũng thể hiện được rất nhiều dòng nhạc. Nên nếu có mời tôi tham sự kiện âm nhạc và yêu cầu hát thể loại âm nhạc nào thì cũng đều thể hiện tốt. Còn đã hát nhạc trẻ quen rồi thì sẽ rất khó để hát thính phòng hoặc dân gian bởi cả hai thể loại âm nhạc này đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Tôi thấy mình may mắn khi theo đuổi dòng nhạc thính phòng – nhạc kịch từ những ngày đầu.
Vậy số tiền Huyền Trang kiếm được từ việc đi diễn hàng tháng có đủ để trang trải cuộc sống?
– Hiện tại, tôi có thể kiếm đủ tiền để trang trải được cuộc sống và gửi về quê phụ bố mẹ lo cho em trai ăn học. Em trai kém tôi 10 tuổi và đang học lớp 5.
Tôi được bố mẹ lo đến 18 tuổi, đủ lông đủ cánh là bố mẹ không chu cấp nữa. Hồi mới vào học, tôi được các bạn trong lớp giới thiệu đi livestream trên Pingo app để kiếm tiền nhưng không khéo ăn nói nên không làm được lâu, chỉ đủ chi phí đóng tiền học và tiền sinh hoạt. Sau khi tham gia Sao Mai, tôi được nhiều anh chị giới thiệu đi diễn và kiếm được thu nhập tốt hơn. Từ cuối năm 2022, tôi mới thực sự kiếm được tiền. Bây giờ tôi vừa đi học, vừa đi dạy thêm, vừa đi diễn.
Nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi cứ mải mê đi kiếm tiền, sau đó thi lại, học lại… liên hồi như thế. Tôi thì vẫn phải cố gắng học tập, vượt qua các môn rồi mới tính tới chuyện đi diễn. Đi diễn và việc học buộc phải cân bằng, tất nhiên ưu tiên việc học trước tiên.
Ca sĩ Huyền Trang thể hiện “Du Xuân”. Clip: Huyền Trang
Huyền Trang hội tụ đủ thanh và sắc – những điều kiện vừa cần, vừa đủ đối với một ca sĩ trẻ. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa sẽ phải thường xuyên đối diện với cám dỗ. Huyền Trang phải xử lý những chuyện tế nhị của mình như thế nào?
– Đúng là trong quá trình đi diễn, tôi cũng gặp nhiều tình huống khá nhạy cảm. Thú thật là còn trẻ, lại mơ mộng và lãng mạn nên thỉnh thoảng nghe được những lời ngọt ngào, được chăm sóc…. tôi cũng có chút xao động. Thậm chí, có người không chỉ chăm sóc, yêu chiều tôi mà ngay mới gặp đã nhã ý tặng 15.000 USD nhưng tôi từ chối. Tôi luôn muốn chính mình tạo nên mọi thứ bằng khả năng của mình. Những thứ mình làm ra mới thực sự bền vững, còn người ta cho mình rồi người ta vẫn có thể lấy lại. Gia đình tôi cũng dạy con cái rất kỹ và cũng không để tôi phải thiếu thốn bất kỳ thứ gì.
Tôi cũng đủ khôn để nhận biết, việc người ta cho mình thứ gì đó luôn đi kèm với điều kiện phía sau bởi không ai cho không ai thứ gì. Nhưng nếu cho nhau để thỏa mãn điều kiện thì đó là trao đổi, đổi chác chứ không hoàn toàn yêu quý nhau. Tôi thường tìm cách từ chối khéo léo trước những việc như thế.
Tự nhìn nhận về bản thân thấy mình là người như thế nào?
– Tôi nhận thấy mình là người nhẹ nhàng, sống lạc quan, yêu đời và biết quan tâm đến mọi người. Tôi giống mẹ mình là thích sự ổn định và chắc chắn. Tôi với mẹ ngày nào cũng gọi điện thoại để tâm sự, trò chuyện như hai người bạn.
Trong nhà, mẹ là người nghiêm khắc, bố là người dễ tính, mẹ tôi nói gì bố cũng tán thành và ủng hộ. Mẹ nghiêm khắc nên rèn cho hai chị tính kỷ luật rất cao. Ốm vẫn phải đi học, học hành thì phải chăm chỉ. Nên từ hồi còn học phổ thông đến khi học Trung cấp thanh nhạc và giờ là Đại học năm thứ 3, thành tích của tôi lúc nào cũng nổi bật.
Hồi mới đi làm thêm, cứ kiếm được đồng nào lại gửi hết về cho mẹ. Vì tôi không biết quản lý tiền. Mẹ chỉ giữ hộ cho tôi chứ không đụng gì đến số tiền đó cả. Cần tiêu gì mẹ lại chuyển cho tôi.
Cảm ơn Huyền Trang đã chia sẻ thông tin.
Huyền Trang tên đầy đủ là Bùi Huyền Trang, sinh năm 2003 tại Thái Bình. Cô từng đoạt các giải thưởng: Top 6 cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca nhí 2017, lọt vào Chung kết cuộc thi Sao Mai khu vực miền Bắc 2022, Giải Đặc biệt cuộc “Kyushu Music Concours Competition” 2023 tại Nhật Bản, Giải Nhì “Giọng hát trẻ Thanh âm Hà Nội” 2023, Giải Nhì Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng oàn quốc năm 2023.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn