January 24, 2025

Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: “Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Con trai Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng tiết lộ về bạn gái vừa cầu hôn thành công sau 9 năm yêu
  • Bắt giữ 1 Giám đốc công ty khai thác trái phép hơn 50.000m3 đất
  • Quảng Ninh ứng dụng công nghệ số tại Hội sách, báo Xuân Ất Tỵ

  • NNND Trần Thị Phụng hát Quan họ “Khách đến chơi nhà” theo lời cổ. Video: Phạm Thứ.

    NNND Trần Thị Phụng – Chị hai làng Diềm chơi Quan họ gần một thế kỷ

    Những ngày xuân, người xứ Kinh Bắc đua nhau trẩy hội. Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Trần Thị Phụng (102 tuổi, làng Viêm Xá – Hòa Long – TP. Bắc Ninh) vào thời điểm đang diễn ra Hội thi hát Quan họ đầu xuân và cũng gần tới ngày hội của làng Diềm.

    Từ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đi qua đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ và qua ngôi đình làng Diềm vào sâu trong một con ngõ quanh co mới tới nhà cụ Phụng. Từ cổng, anh hai Dương Đức Thắng (CLB Quan họ Hoài Trung) đã đánh tiếng từ xa.

    102 tuổi, cụ Phụng lưng đã còng, tóc đã bạc mái đầu và gương mặt đã điểm những vết đồi mồi. Không biết có phải do chơi Quan họ hay không, nhưng hình như những nghệ nhân như cụ Phụng thường sống rất thọ. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Phụng vẫn chủ động sinh hoạt và vẫn còn rất minh mẫn.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 1.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng tuổi 102 vẫn còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Ảnh: Phạm Thứ

    Mắt có thể kém, tai có thể hơi lãng và da đã nhăn nheo, nhưng cái chất giọng mà anh Thắng hay những người am hiểu về am hiểu Quan họ vẫn gọi là “đặc sệt chất Diềm” của cụ thì vẫn còn vang và khỏe. Chỉ nghe thấy âm thanh, có khi vẫn còn nhầm tưởng là cụ cũng chỉ mới bảy mấy, tám mươi tuổi.

    “Dạo này khỏe các anh ạ! Nhớ dạo trước tưởng về với Vua Bà rồi nên gọi Thắng tới đưa đưa cả quần áo, bao lưng, nón quai thao và mấy cái đồ đi chơi Quan họ về để cất giữ”, cụ cười bảo.

    Cụ đón khách bằng món bánh khúc làng Diềm vẫn còn nóng hổi. Và sau vài lời thăm hỏi xã giao, chúng tôi được cụ hát tặng cho nghe những câu hát mùi mẫn: “Khách đến i đến chơi hự hừ nhà là, chơi hự hừ nhà/ Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà mời người xơi là chén có a trà này. Quý vậy í ơ ơ, quý vậy đôi người ơi…”.

    Từ khi còn rất nhỏ, cụ Phụng đã được nghe Quan họ vì cô ruột của cụ là một chị cả có nhà chứa Quan họ. Người em họ của cụ và cũng là bạn hát cặp với cụ Phụng sau này chính là cụ Ngô Thị Nhi – nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Báu vật nhân văn sống”.

    Khoảng 14 tuổi, 2 chị em cụ đã được theo các chị trong bọn đi chơi Quan họ. Tối tối, mười mấy chị em trong bọn của cụ tới nhà Nhi để ngủ bọn và tập hát với nhau. Bọn của cụ kết bạn ở dưới Bịu Sim (Hoài Thị).

    “Hễ cứ có công có việc là lại rủ nhau hát, chủ yếu là hát canh theo lề lối suốt mấy ngày mấy đêm tới khi tan hội mới về. Thời đó mấy chị em chúng tôi rời làng thì chỉ tới Hoài Thị mà thôi. Ngoài ra thì chẳng đi đâu hết”, cụ Phụng tâm sự.

    Sau này lập gia đình, chồng cụ tuy không phải người chơi Quan họ nhưng cũng không cấm cản gì. Cụ bảo người chơi Quan họ quý mến nhau nhưng không được phép lấy nhau, bởi như vậy thì không thể hát được nữa, nên chả có gì để chồng con phải lo lắng.

    Đó là còn chưa kể, câu chuyện đầy nhân văn của cụ khiến ai nghe cũng cảm phục cụ. Sau nhiều năm đầu ấp tay kề, cụ Phụng biết mình không thể sinh được con, liền sắm sửa trầu cau, đích thân đi hỏi cưới vợ bé cho chồng. Bà hai sinh được ba người con, nhưng lại vụng về, nên các con đều một tay cụ Phụng nuôi lớn. Vì vậy, ba người con ấy luôn coi cụ như mẹ đẻ.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 2.
    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 3.
    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 4.
    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 5.

    Căn nhà cổ của cụ Phụng nằm sâu trong một con ngõ quanh co tại Làng Diềm. Ảnh: Phạm Thứ.

    Những năm tháng chiến tranh, có lúc phải đi tản cư, nhưng cụ chưa bao giờ bỏ Quan họ. Trong tay nải của cụ những năm tháng ấy, không thể thiếu được những món đồ dùng để chơi Quan họ. Không đi chơi Quan họ được, nhưng mấy chị em hát với nhau. Mạch nguồn Quan họ vì thế cũng không thể đứt rời.

    Năm 1957, khi tiếng súng đã bớt dần và câu Quan họ được cất vang trở lại, cụ Phụng được Viện Âm nhạc mời sang để thu âm các bài Quan họ dù mới chỉ 34 tuổi – điều không phải nghệ nhân cùng thời nào cũng vinh dự có được. Các liền anh, liền chị được mời đi khi ấy, chủ yếu là những nghệ nhân lớn tuổi, những bậc tiền bối, bậc cha chú của cụ Phụng. Những tài liệu ghi chép về cụ đã có từ những năm 1956 và hiện tại vẫn còn được anh Dương Đức Thắng lưu giữ tại “Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay” tại Hoài Trung.

    “Nhớ tiếc cái thời đẹp đẽ ấy nhưng đã xa lắm rồi”

    Thấm thoát đã gần 100 năm, cụ Phụng được sống trong bầu không khí Quan họ, cụ hiểu hơn ai hết những tinh hoa của việc hát Quan họ. Cụ bảo, Quan họ là lối chơi cao sang, nghĩa tình, lịch lãm bậc nhất.

    Thời điểm Dân ca Quan họ làm hồ sơ để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, cụ Phụng là một trong 25 liền anh, liền chị từng chơi Quan họ theo lề lối cũ (tức là chơi theo bọn). Tới nay, ở cái tuổi 102, chỉ còn lại một mình cụ là người từng chơi Quan họ thuở ấy. Tuổi cụ bây giờ đã cao, giọng ca cũng đã khô héo như sắc thu tàn, cụ vẫn “tiếc nhớ cái thời đẹp đẽ ấy nhưng đã xa xôi lắm rồi!”. Tiếc một điều là chẳng ai chơi Quan họ như xưa nữa, chỉ còn một mình cụ, rồi chẳng bao lâu nữa cũng phải về với cõi vĩnh hằng.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 6.

    Hình ảnh cụ Phụng trong trang phục Quan họ trước đây. Ảnh: NVCC.

    Bất chợt, cụ hào phóng muốn hát cho chúng tôi nghe bài Quan họ “Sông rồi sông lại sang sông” theo lời cổ: “Sông rồi sông lại sang sông/ Bắt con đò kẻ cháy sang sông sáu đầu/… Em kể cái doan sự tình, cho đôi ba người nghe/ Cái cỗ sênh tiền, em đóng bằng tre/ Trên thì gỗ táu, dưới đè tấm ván gỗ lim…”.

    Anh Thắng bảo, bài này giờ chẳng mấy người biết hoặc hát cũng theo kiểu mới chứ kiểu như cụ không còn ai hát được.

    Tôi hỏi cụ Phụng, tới bây giờ còn nhớ được bao nhiêu câu Quan họ. Cụ bảo cả đời biết mấy trăm bài, “bây giờ già rồi cũng quên khối”, nhưng nếu có người bên cạnh nhắc cho thì có khi hát tới ba ngày ba đêm vẫn chưa hết.

    “Ca đến đâu thì nhớ đến đấy, chứ một lúc thế này sao mà nhớ nổi”, cụ Phụng cười nói.

    Anh hai Thắng ngồi bên cạnh là chỗ thân tình lâu năm với cụ nên biết nhiều chuyện. Anh Thắng gợi chuyện đến đâu, cụ nhớ lại và kể tới đó. Càng kể, cụ càng cười nhiều hơn, như được sống lại những năm đẹp đẽ thuở nào.

    Cụ Phụng hồi tưởng: “Thuở ấy, Quan họ đến chơi, chị em chúng tôi ra đón tiếp, mà tế nhị, bẽn lẽn lắm. Mãi sau này cũng vậy, bảy mấy tám mươi tuổi gặp nhau mà vẫn còn thẹn thùng ấy (cười).

    Thuở ấy, chúng tôi cứ đi chơi Quan họ là chơi tới vài ba ngày. Chẳng những hát mà còn tâm tình, rồi hỏi thăm sức khỏe thầy mẹ. Hết hội về vài ba ngày sau vẫn cứ nhớ nhung, chẳng làm được gì. Có khi mà cầm cái muôi trên tay rồi lại đi tìm muôi. Mà nhớ nhung quá thì chúng tôi có một cái điểm hẹn ở phiên chợ, vờ là đi chợ thôi chứ mục đích chính là đi gặp bạn. Gặp rồi lại mời nhau về, sắp nước hát canh cả đêm tới sáng.

    Ngày ấy, các chị dạy bảo lễ nghĩa, nghiêm khắc lắm! Muốn nói chuyện với các anh hai thì phải ý tứ, nói một câu phải thưa gửi một câu, phải năm thưa mười dạ đấy. Ví dụ, bên muốn nói thì phải “Dạ, chúng em xin có nhời”. Rồi bên kia cũng lại đáp “Dạ, chúng em xin đỡ nhời”. Nguyên tắc của ngày xưa độc đáo, khó đấy, nhưng đã ngấm rồi, quen rồi thì rất dễ.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 7.

    NNND Nguyễn Thị Bàn (phải) và Nghệ nhân Nguyễn Thị Trạch tại lễ mừng thọ 100 tuổi của NNND Trần Thị Phụng (giữa). NVCC.

    Rồi ví dụ có ăn cỗ Quan họ, thì Quan họ chủ cũng không dám ngồi với Quan họ khách. Bởi nếu ngồi chung mâm thì Quan họ khách ngại có dám ăn đâu. Không giống Quan họ bây giờ ngồi mặt đối mặt với nhau.

    Trong bữa ăn, Quan họ chủ phải đi đi lại lại để xem có thiếu gì hay không rồi chủ động, chứ Quan họ khách không bao giờ dám xin thêm đồ ăn đâu. Mà thường thì không thiếu, Quan họ ăn hương ăn hoa thôi, mâm cỗ ba tầng chẳng mấy khi mà hết được một tầng cả”.

    Nhắc tới chuyện cỗ Quan họ, cụ Phụng lại nhớ tới cụ Nhi – chị em họ và cũng là bạn hát lâu năm của cụ: “Cái năm ấy, chị em chúng tôi đi ra Hoài Thị. Trong bữa ăn, Quan họ chủ dọn lên thiếu tăm. Cụ Nhi mới gọi các anh hai, trước tiên là khen cỗ đã rồi mới bảo rằng: “Em không nhìn thấy chổi quét bàn thờ nhà anh hai anh, ba ở đâu mà thấy trên bàn thờ cứ sạch bóng ra”. Quan họ nghe thế là biết ngay hôm nay thiếu tăm. Đấy, Quan họ nhắc nhau khéo lắm!”.

    Rồi cụ bỗng nghẹn ngào, nói chẳng còn lên lời vì nhớ người bạn hát lâu năm của mình, rồi nhớ cả những người bạn cùng trang lứa.

    “Thuở ấy, đi đâu chị em cũng đi với nhau. Nhớ lắm nhưng chẳng làm thế nào được. Tiếc cho mấy chị em, bà cụ Nhi mới chỉ được phong Nghệ nhân Ưu tú thì đã mất rồi”, cụ Phụng xúc động nói.

    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 8.
    Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng: "Nhớ tiếc cái thời đẹp ấy nhưng đã xa lắm rồi!"- Ảnh 9.

    Những tấm bằng khen của cụ Phụng được treo trong nhà. Ảnh: Phạm Thứ

    Nhìn lại, một đời của cụ Phụng niềm vui chỉ quanh quẩn bên câu Quan họ. Dân ca Quan họ cũng đã vang danh khắp năm châu bốn biển, nhiều nghệ sĩ của Đoàn Quan họ Bắc Ninh đời đầu như Thúy Cải, Tự Lẫm, Minh Phức hay Quý Tráng cũng học những câu hát từ cụ mà thành danh cả đời.

    Cá nhân cụ Phụng cũng vinh dự 3 lần được phong tặng danh hiệu từ cấp Nghệ nhân của tỉnh (2011), tới được Nhà nước trao tặng NNƯT (2015) và NNND (2019). Không những tự hào mà cụ cũng biết ơn bởi được quan tâm, có chế độ lương để an hưởng tuổi già, cũng là để cụ yên tâm, mãi cất cao câu Quan họ và “truyền lửa” cho thế hệ kế cận.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn