Mảnh đất đã từng yêu thương, “ôm ấp, chở che” tôi vào lòng như truyền hơi ấm, niềm tin cho cô giáo vùng cao như tôi trong sự nghiệp gieo chữ, “trồng người”, vào tương lai phía trước của lớp lớp thế hệ học trò xã vùng III – vùng đặc biệt khó khăn những ngày tôi công tác tại huyện nghèo ấy cách đây nhiều năm. Ngọc Chiến vùng đất bình yên của huyện Mường La luôn biết cách lấy lòng những người đã từng đến sinh sống và cống hiến một phần nhỏ bé tri thức của mình như những người thầy chúng tôi.
Vượt đỉnh Sam Sip trong huyền thoại xưa kia với 30 khúc cua ẩn mình nơi mây mù. Ngọc Chiến đón tôi với hình ảnh của một “hòn ngọc” tọa lạc trên độ cao gần 2000m so với mặt nước biển ẩn hiện trong sương sớm cùng những áng mây mù vắt ngang dãy núi trông xa như tấm khăn voan mỏng quàng lên cổ cô thiếu nữ miền sơn cước. Cách thành phố Sơn La 80km, cách trung tâm huyện Mường La 40km Ngọc Chiến nay đã đổi khác được du khách ví như: “Bản tình ca của núi rừng Tây Bắc” hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.
Ngọc Chiến được mẹ thiên nhiên ban tặng vẽ lên một bức tranh xuân tựa như câu chuyện cổ tích với nàng công chúa mùa xuân được khoác lên mình tấm áo trắng tinh khôi của những triền hoa mận, hoa sơn tra mang vẻ đẹp thuần khiết khiến lòng người ngẩn ngơ như sắp lạc vào xứ sở thần tiên trong truyền thuyết xưa. Tiếng nước chảy của những dòng suối khoáng thiên nhiên quanh năm ấm nóng.
Tiếng gió rít nhè nhẹ khe khẽ len lỏi nơi những guồng nước khổng lồ được bà con dân bản tạo nên ở các bản Khua Vai, Mường Lát, bản Pháy, bản Lướt khiến cho du khách nào vừa đặt chân đến miền cổ tích này phải khẽ reo lên những tiếng thể hiện sự trầm trồ bởi vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của mảnh đất bình dị mà ấm áp tình người của bà con các dân tộc: Thái, Mông, La Ha sinh sống bao đời nay.
Lên Nậm Nghiệp ngắm hoa sơn tra bung nở say đắm lòng người
Tháng 3 về cũng là khoảng thời gian hoa sơn tra (hoa táo mèo) bung nở trắng trời nơi đá núi khiến cho Ngọc Chiến càng trở lên lung linh thơ mộng. Cách trung tâm xã Ngọc Chiến khoảng 12km, đường đi lại cheo leo nhiều đèo dốc. Nhưng vẫn không thể ngăn được sự háo hức của những người ưa khám phá và muốn hòa mình cùng thiên nhiên với thật nhiều vẻ đẹp do tạo hóa ban tặng. Nậm Nghiệp là bản có 100% đồng bào Mông sinh sống.
Nơi đây chính là thủ phủ của cây sơn tra khổng lồ trông xa như những chiếc ô lớn được những chùm hoa trắng muốt bung tỏa khắp những cành những tán như những chiếc váy đi dự dạ hội của những cô thôn nữ miền sơn cước. Cây sơn tra có ở nhiều nơi thuộc vùng núi cao của bà con dân tộc Tây Bắc nhưng đến với Nậm Nghiệp cây sơn tra trở lên đặc biệt vì chúng được trồng tập trung, cây mọc thấp xòe tán rộng nằm cạnh những ngôi nhà đơn sơ giản dị của bà con người Mông của bản tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Hoa sơn tra có màu trắng ngà, khi nở có 5 cánh nhụy vàng và tạo thành chùm gần giống hoa mận nhưng loài hoa này vẫn mang vẻ đẹp riêng bung tỏa nhiều nhất vào tháng 3 hàng năm. Vẻ đẹp thuần khiết, bình dị, tự nhiên và tràn đầy sức sống của loài hoa này luôn biết cách lấy lòng những du khách yêu thiên nhiên và mong muốn khám phá. Cả bản Nậm Nghiệp có khoảng gần 800 gốc hoa sơn tra cổ thụ có tuổi đời vài trăm năm tuổi đã tô điểm cho núi rừng nơi đây càng trở nên hùng vĩ, thơ mộng. Hoa sơn tra chính là một nét chấm phá riêng để tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc càng trở nên tuyệt mĩ.
Nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc
Có lẽ, bất cứ ai vừa đặt chân tới Ngọc Chiến thì đều bất ngờ bởi mảnh đất vùng cao quanh năm mây mù bao phủ, thời tiết mát mẻ suốt 4 mùa ấy có một nét kiến trúc nhà sàn của bà con dân tộc Thái vô cùng độc đáo với những ngôi nhà bằng gỗ Pơ Mu 100% có độ tuổi lên tới cả trăm năm. Những ngôi nhà ấy mang nét kiến trúc cổ xưa với kiểu kiến trúc đầu đòn, đầu xà, kèo, cột đầy tinh tế. Mái nhà cũng được lợp bằng những “viên ngói” làm từ gỗ Pơ Mu và ghi dấu ấn với thời gian bởi lớp gỗ nâu đen làm cho bản làng của bà con trở lên đầy cổ kính.
Cổng nhà của bà con hay những bức tường được trang trí và “xây” lên bởi những hòn đá cuội nhiều màu sắc khiến ngôi nhà mang một dấu ấn riêng biệt. Các nhà dân mỗi bản nằm gần nhau cùng những con đường được xây dựng theo ô bàn cờ khác hẳn những bản làng của bà con người Thái nơi khác. Bên cạnh kiến trúc nhà sàn độc đáo Ngọc Chiến còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc các nghề truyền thống của ba dân tộc anh em như đan lát, dệt vải, thêu thùa của bà con dân tộc Thái, thêu thùa trên váy áo của các cô thôn nữ Mông. Lễ hội ném còn, múa sạp hát trao duyên người Thái hay lễ hội Gàu Tào của người Mông, hội dâng hoa măng người La Ha,…tất cả làm nên một Ngọc Chiến cổ tích…
Hòa cùng thiên nhiên nơi suối khoáng nóng cùng văn hóa ẩm thực độc đáo
Mẹ thiên nhiên đã ưu ái cho “nàng thơ” Ngọc Chiến nguồn suối khoáng nóng thiên nhiên quanh năm róc rách, nước trong xanh tự nhiên với nhiệt độ từ 35 đến 50 độ C. Du khách có thể thư giãn, ngâm mình nơi suối khoáng cùng đùa vui với bè bạn, người thân trong không khí xuân len lỏi khắp đất trời Tây Bắc. Và thật là một thiếu sót nếu như chúng ta không thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị ẩm thực truyền thống cùng sự thân tình của bà con do chính những đầu bếp dày dặn kinh nghiệm nơi những nếp nhà sàn tỏa thơm hương vị của những ếp cơm nếp dẻo thơm từ những hạt gạo nếp tan nổi tiếng của những thửa ruộng bậc thang Ngọc Chiến, cảm nhận hương vị ngọt ngào bùi béo cay cay của những miếng thịt gà, cá chép lưng gù nướng độc lạ, những búp măng đắng, ngọt ăn kèm chẳm chéo chuẩn vị người Thái Tây Bắc. Uống thêm li rượu gạo nếp thơm lừng men say tình người thân thiện của bà con nơi đây…
Chia tay ” cố nhân” ra về Ngọc Chiến vẫn vậy đẹp bình dị đến khiêm nhường. Chia tay mảnh đất đậm đà bản sắc các dân tộc vùng cao Tây Bắc nơi tôi được bà con yêu thương, chia sẻ hơi ấm tình người bằng một trái tim chân thành nhất. Ngọc Chiến đã khiến những ngày đầu năm mới của gia đình tôi trở lên ấm áp, hạnh phúc trọn vẹn. Chắc chắn, tôi sẽ cùng người thân trở lại thăm “miền cổ tích” Ngọc Chiến vào một ngày gần nhất. Bởi mảnh đất ấy lại thêm một lần gieo vào tim tôi sự thổn thức, nỗi nhớ thương và lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên lại vang trong tâm trí: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn