January 22, 2025

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bật khóc, nói cáo trạng buộc tội mình “không đúng”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Diva Hồng Nhung hát cùng Thanh Lam, Hà Trần trong chương trình phát đêm Giao thừa Ất Tỵ
  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm

  • Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã thực hiện việc xét hỏi, công bố hành vi phạm tội của 84/86 bị cáo và hôm nay (11/3), tòa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.

    Trong vụ án, có 86 bị cáo bị đưa ra xét xử, nhưng chỉ có 79/86 bị cáo có mặt tại phiên tòa; 2 bị cáo vì lý do sức khỏe xin xét xử vắng mặt; 5 bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và tòa xét xử vắng mặt.

    Bị cáo Trương Mỹ Lan đứng trước bục khai báo trong sáng 11/3. “Không đúng” là câu trả lời của người phụ nữ khi chủ tọa hỏi: “Cáo trạng nêu hành vi vi phạm của bị cáo đúng hay không?”.

    Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bật khóc, nói cáo trạng buộc tội mình “không đúng”- Ảnh 1.

     Bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại TAND TP.HCM sáng 11/3. Ảnh: Lê Giang 

    Chủ tọa hỏi, hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo nắm từ 85 – 95% cổ phần tại SCB? Người phụ nữ này đáp: “Thưa không phải” và giải thích, ngay trong các bản tự khai tại cơ quan điều tra, bà đã “nói ngay từ đầu” là bản thân nắm 5% thôi, còn 30% là của cổ đông nước ngoài, bạn bè bà đứng tên, chưa bao giờ nắm 95%.

    Chủ tọa tiếp lời, cáo trạng không xác định vào bản tự khai, mà xác định luôn là bị cáo nắm lượng lớn cổ phần. Bà Lan trình bày có nắm 4,9% cổ phần SCB và khi có công ty nước ngoài vào, họ yêu cầu gia đình bà phải nắm cao hơn nên bà cho 2 con gái đứng tên, mỗi người gần 5%, tổng của gia đình là gần 15%. Còn tổng số cổ phần của gia đình và bạn bè là bao nhiêu, bà Lan “chưa có thống kê”.

    Câu hỏi tiếp theo, chủ tọa cho hay những người đứng tên cổ phần tại SCB, gồm nhiều người làm của bị cáo Lan, đều khai là đứng tên “giùm cho” Trương Mỹ Lan? Trương Mỹ Lan cho hay, nhiều người “hoàn toàn không biết mặt tôi” và nếu “đứng tên giùm”, phải là người không nghề nghiệp nhưng bạn bè bà toàn Việt kiều Australia, Canada…

    “Không có công thức nào nói phải biết Lan mới đứng giùm cho Lan”, thẩm phán Phạm Lương Toản nói.

    Bị cáo Lan trình bày: “Khi bị bắt, tôi từng trình bày, có nói bạn bè vào giúp SCB cơ cấu thôi, “năn nỉ họ mới vào” nhưng cơ quan điều tra hỏi họ ở công ty gì thì “làm sao tôi nhớ nổi, xong rồi bảo hằng năm đi họp, họ không đi nhưng họ có đi họp”. Bị cáo Lan cho rằng nội dung bà nắm 90% cổ phần SCB trong cáo trạng là không đúng và nêu quan điểm: “Nói sao để cơ quan điều tra hiểu lầm thì không biết”.

    Chủ tọa ngắt lời, cho hay bị cáo là người “hết sức cẩn thận trong câu chữ”, các bản cung còn có sự chứng kiến của luật sư. Bà Lan cho hay: “Lời nói lúc bấn loạn, nhầm lẫn không không biết, còn phần nào tôi xác nhận với luật sư chắc chắn là đúng”.

    Chủ tọa tiếp tục câu hỏi về việc Trương Mỹ Lan thâu tóm cổ phần SCB nhưng người phụ nữ này khóc, nói: “Hội đồng đừng dùng từ thâu tóm được không, nghe câu đó tim tôi…”.

    Theo cáo trạng, giai đoạn 2012 – 2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn, hơn 1 triệu tỷ đồng.

    Trong đó, từ năm 2012 – 2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến nay còn dư nợ hơn 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

    Từ 2018 đến 2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.

    Bà Lan bị cáo buộc để che giấu hành vi phạm tội, năm 2017 – 2018 đã 4 lần hối lộ tổng số 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn, khi đó là Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước.

    Từ các hành vi trên, “Trương Muội” bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” theo luật 2015 và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo luật năm 1999.

    Cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động “hệ sinh thái” doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng này thành “công cụ” tài chính của mình.

    Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần gần như tuyệt đối, cộng thêm việc cài cắm nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, bà Lan nắm quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, dù không đứng tên trong thành phần ban lãnh đạo.

    Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bật khóc, nói cáo trạng buộc tội mình “không đúng”- Ảnh 3.

    Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Lê Giang

    Từ việc chi phối SCB, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỷ đồng. 

    Đến ngày 17/10/2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, lãi/phí 193.315 tỷ đồng). Nợ gốc của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.

    Trong đó, từ ngày 1/1/2012 – 31/12/2017, Trương Mỹ Lan vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay.

    Từ ngày 1/1/2018 – 7/10/2022, Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.


    Tin An Ninh Hinh Su
    Nguồn: Sưu tầm