Nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941 tại phố Hàng Bông, Hà Nội, quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên trong một gia đình trí thức, nghệ sĩ yêu nước, bà sớm được kế thừa năng khiếu văn chương, cũng như tình yêu tha thiết dành cho quốc gia, dân tộc.
Từ năm 1961 đến năm 1968, Dương Thị Xuân Quý là phóng viên năng nổ, nhiệt huyết của tờ báo Phụ nữ Việt Nam. Bà có mặt ở nhiều địa phương khác nhau để đưa tin, viết bài. Vào lúc mang thai ở tháng thứ 6, bà vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), vừa tác nghiệp, vừa cùng người dân ra đồng cấy gặt.
Tháng 4/1968, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý đặt chân tới chiến trường miền Nam sau 3 năm viết đơn xung phong ra mặt trận. Gần một năm sau, vào đêm 8/3/1969, bà anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sau một trận càn ác liệt.
Vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 28, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý kịp để lại cho đời một số tác phẩm chính như “Về làng” (truyện ngắn – 1960), “Chỗ đứng” (tập truyện ngắn – 1968), “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký)… Năm 2007, bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Phát biểu tại buổi họp mặt tưởng niệm, Tổng biên tập tạp chí Văn hiến, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc tới liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý – người bạn thân thiết của ông lúc bà còn sinh thời. Ông khẳng định: Để thực hiện khát vọng của một nhà văn – chiến sĩ, bà đã phải chấp nhận hy sinh thiên chức lớn nhất của một người phụ nữ: Thiên chức làm mẹ. Đó cũng là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời bà.
Trong những trang nhật ký, nhà văn Dương Thị Xuân Quý viết: “Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy… Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới. Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Hai mẹ con nằm mãi. Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu rồi con mới bảo: “Dậy, dậy!”. Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy, con cũng phải hy sinh”.
“Đây là những dòng nhật ký Dương Thị Xuân Quý ghi về những giờ phút cuối cùng chị được bên con gái, trước lúc ra đi. Người mẹ trẻ ấy hiểu rõ rằng, cuộc ra đi của chị đã làm đứa con duy nhất của chị rơi vào cảnh ngộ bất hạnh lớn nhất trong đời: Thiếu cả cha lẫn mẹ ngay cả lúc sơ sinh.
Đọc gần 200 trang “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý, chúng ta hiểu rằng thách thức lớn nhất trên chiến trường đối với nữ nhà văn kiên cường này không phải là cái đói, những cơn sốt rét, đạn bom tàn khốc, cái chết rình rập, mà chính là nỗi dày vò vì cảnh ngộ bất hạnh của đứa con thơ. Gần như không lúc nào hình ảnh đứa con không hiện lên trong tâm tưởng chị, trên những trang nhật ký của chị” – nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhận định.
Có mặt tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đánh giá cao những cống hiến của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Với ông, những trang văn của bà đã truyền cho nhiều thế hệ tình yêu với đất nước, với văn học, với những năm tháng hào hùng của dân tộc, mà ở đó, nhà văn Dương Thị Xuân Quý mãi mãi là một tấm gương đẹp đẽ. Các tác phẩm bà để lại cho đời đều là những “báu vật” không chỉ đối với giới văn nghệ sĩ mà còn đối với bạn đọc. Ông cũng cho rằng, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý xứng đáng nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng như giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn họa nghệ thuật, đề nghị các cơ quan sớm làm hồ sơ để trình hội đồng xét duyệt.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhà thơ Bùi Minh Quốc – chồng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý đọc những câu thơ ông viết tặng vợ sau ngày bà hy sinh: “Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu (Bài thơ về hạnh phúc – 1969).
Bên cạnh những người bạn văn, ông xúc động thổ lộ: “Tôi nguyện từng ngày, từng phút một sống đúng với lời nguyện thề ngày ấy. Sống đẹp, phải trọn đời sống đẹp. Tôi cũng cảm thấy đôi mắt của Xuân Quý luôn dõi theo tôi từng bước đi trong cuộc đời, nhắc nhở tôi làm sao giữ trọn sự thanh thản lương tâm”. Ở tuổi 84, nhà thơ Bùi Minh Quốc vẫn dành tình yêu cho thi ca. Trong sự kiện này, ông cũng giới thiệu tuyển tập thơ “Mẹ Việt Nam” – tập hợp các tác phẩm sáng tác từ năm 16 tuổi tới thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại lần ông lên thăm mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, người ông luôn coi như chị gái: “Tôi đã đến trước phần mộ của chị dâng hương và nói với chị rất nhiều điều. Lúc đó, xung quanh phần mộ của chị là những cánh đồng ngô bát ngát, gió thổi qua và lá ngô vang lên như vọng tận chân trời. Tôi cảm giác linh hồn nhà văn Dương Thị Xuân Quý đang hiện lên, đang nói với tôi qua gió điều gì đó mà chúng tôi chưa nghĩ tới, chưa làm được”.
Nói về những hy sinh của nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Dương Thị Xuân Quý, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tôi luôn nghĩ hai người có quyền kiêu hãnh, có quyền tự hào rằng họ đã sống một cuộc đời thanh thản nhất, với sự yêu thương chân thực nhất dành cho đất nước này. Cho dù sau này mọi thứ có thể thay đổi, không ai có quyền đánh tráo hay phủ nhận những giá trị mà họ mang lại. Những người có lương tri sẽ mãi mãi biết ơn và ghi sâu vào trong tâm hồn mình”.
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
(Trích “Bài thơ về hạnh phúc” – Bùi Minh Quốc)
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn