Mới nhất, CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) đã gởi công văn cho LĐBĐ VN (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và ban tổ chức giải để yêu cầu xem xét và trả lời về bàn thắng gây tranh cãi trong trận thua Nam Định 0-1 ở vòng 12 hôm 3-3.
Những lời phàn nàn
Việc VAR lần đầu xuất hiện trên sân Vinh đem đến một sự háo hức, nhất là khi SLNA tiếp đội đầu bảng Nam Định. Nhưng rồi SLNA đã thất bại cay đắng sau bàn thắng gây tranh cãi ở phút 90+5. Ở bàn thua này, VAR không thể xác định được cầu thủ Nam Định có việt vị hay không.
Ấm ức, SLNA đã gửi công văn lên VFF và VPF đòi sự công bằng. “Bàn thắng được trọng tài chính và tổ trọng tài VAR công nhận ở phút 90+5 để lại nhiều tranh cãi, dư luận không tốt về công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đang áp dụng tại V-League”, công văn viết. SLNA cũng kiến nghị ban tổ chức cần có biện pháp nâng cao chất lượng ghi hình, truyền hình cũng như chất lượng trọng tài, chất lượng vận hành công nghệ VAR đang áp dụng tại V-League.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn mới đây cũng có những nhận xét thẳng thắn về VAR ở V-League: “VAR mang lại sự công bằng trong bóng đá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, VAR chỉ mang lại sự công bằng cho một trận đấu chứ chưa công bằng cho toàn bộ giải đấu do miền Bắc thì có VAR còn miền Nam thì chưa. Theo tôi, VAR chưa nên áp dụng ở V-League. Nếu VAR chưa đáp ứng đầy đủ thì không nên làm, chứ làm thế này có khi lại phản tác dụng. Hiện tại, VPF chỉ sử dụng VAR Light với 8 camera do hạn chế về ngân sách. Điều này dẫn đến không có đủ góc quay cần thiết cho trọng tài xem lại tình huống”.
Trước đó, ở trận Hải Phòng – Hoàng Anh Gia Lai tại vòng 1, trọng tài Nguyễn Đình Thái cùng tổ VAR mất gần 8 phút trao đổi và xem lại tình huống cũng không thể xác định rõ trung vệ Diakite có để bóng chạm tay trong vòng cấm hay chưa. Điều này do 2 góc máy quay hiện lên màn hình đều không có góc nào xác định rõ.
Do góc máy hay do con người?
Ông Đặng Thanh Hạ – trưởng ban trọng tài VFF – cho biết nguyên tắc của VAR là nếu các góc máy không xác định được cầu thủ có việt vị hay không thì phải tôn trọng quyết định của trọng tài trên sân. Trọng tài biên đã không phất cờ việt vị có nghĩa là không có tình huống việt vị trong bàn thắng của đội khách Nam Định. Dù vậy, VAR không thể chứng minh cho khán giả một cách thuyết phục bằng hình ảnh mà họ xem trên sóng truyền hình.
Hình ảnh từ góc máy việt vị ở phần sân bên phải bị một số cầu thủ che mất vị trí cầu thủ phòng ngự kế cuối của chủ nhà SLNA. Do đó, VAR không thể xác định cầu thủ Nguyễn Văn Vĩ (Nam Định) có việt vị hay không trong tình huống Rafaelson đá phạt và Tô Văn Vũ ghi bàn. Tôn trọng quyết định của trọng tài biên, nhưng cũng nhìn nhận rằng có hạn chế ở các góc quay cố định.
Khi ứng dụng công nghệ VAR, VFF và VPF đã nỗ lực đào tạo con người và phối hợp cùng đơn vị bản quyền để đưa ra hình ảnh tốt nhất cho trọng tài khi tham khảo VAR. Tuy nhiên, có những địa phương còn hạn chế về máy móc cũng như trọng tài vận hành VAR nên vẫn còn nhiều phàn nàn về thời gian tham khảo VAR cũng như góc máy hạn chế khó có thể đưa ra quyết định chính xác.
Tổ trọng tài VAR trận SLNA – Nam Định là Đỗ Anh Đức và Nguyễn Trung Hậu, hai trọng tài mới tốt nghiệp VAR khóa II. Nên khi gặp tình huống khó kể trên, tổ VAR không thể kẻ được vạch việt vị trên màn hình như thường thấy để tư vấn tốt hơn cho trọng tài chính Nguyễn Trung Kiên.
Với 8 camera cho mỗi trận đấu, không dễ cho các trọng tài đưa ra quyết định, đặc biệt là với những tình huống khó. Ông Đặng Thanh Hạ chia sẻ: “Việt vị hay không việt vị rất khó, vì nó sát nhau. Vậy thì phải kẻ, vẽ khi VAR của mình vẫn còn thủ công, cho nên nó lâu hơn về thời gian. Chúng ta không có hệ thống bắt việt vị bán tự động hay định sẵn như Thái Lan hay Hàn Quốc”.
VAR ở V-League, trong vận hành đã thể hiện những hạn chế. Dù vậy, bóng đá Việt Nam phải sống chung với VAR và hoàn thiện dần thôi.
Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed