January 22, 2025

Chuyên gia kinh tế Martin Rama: “Cần huy động những người giàu có tham gia phát triển văn hóa Việt”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”
  • Thả cá chép, dựng cây nêu theo nghi thức Hoàng cung của vua chúa thời xưa

  • Martin Rama từng là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, hiện đang sinh sống tại Mỹ. Trước đó, ông có thời gian dài sống tại Hà Nội trong vai trò Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, dành tình yêu và sự gắn bó đặc biệt với mảnh đất này. 

    Những năm vừa qua, Martin Rama là Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Ông cũng xuất bản 2 cuốn “Hà Nội – một chốn rong chơi”; “Vì tình yêu Hà Nội” để bày tỏ những cảm nhận của mình về văn hóa Việt.

    Chuyên gia kinh tế Martin Rama: "Cần huy động những người giàu có tham gia phát triển văn hóa Việt"- Ảnh 1.

    Chuyên gia kinh tế Martin Rama. (Ảnh: TL)

    Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Martin Rama về chủ đề đang nóng trở lại những ngày gần đây – khoản ngân sách cho lĩnh vực văn hóa:

    Tôi hiểu vì sao người dân xôn xao trước việc dành một phần lớn ngân sách để chấn hưng văn hóa

    Mới đây, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khiến dư luận xôn xao khi nêu ý kiến: “350.000 tỷ đồng vẫn là con số rất ít, để đầu tư văn hóa vô cùng lớn”. Quan điểm của ông về chủ đề này như thế nào?

    – Việc Nhà nước nên hỗ trợ văn hóa như thế nào luôn là một vấn đề gây tranh cãi, và sự tranh cãi này đến từ nhiều lý do rất khác nhau. Tại đây, xin cho phép tôi bắt đầu từ phần “dễ nhất” của vấn đề, liên quan đến tiền bạc, như cách can thiệp rất thú vị của ông Nguyễn Quang Thiều.

    Khi quyết định chi bao nhiêu cho văn hóa, câu hỏi đầu tiên và rõ ràng nhất chính là: Những gì nên nằm trong định nghĩa “văn hóa”? Một số loại chi phí cần được tính toán rõ ràng. Ví dụ, chúng bao gồm ngân sách cho bảo tàng, nhà hát, tài trợ cho các hội chợ nghệ thuật, lễ hội âm nhạc, tài trợ việc sản xuất phim và biểu diễn nghệ thuật.

    Những loại chi phí khác nên được loại bỏ ra khỏi danh sách này và cần có phương án riêng biệt. Điển hình là việc chi tiêu cho giáo dục, ngay cả khi giáo dục là trung tâm của văn hóa một quốc gia. Sau đó, chúng ta sẽ xét tới vùng màu xám, giao thoa ở giữa các lĩnh vực. Tại đây, một số sự kiện sẽ cần hỗ trợ một phần chi phí, đó có thể là sự kiện thể thao, hỗ trợ hoạt động của các nhóm tôn giáo…

    Với tư cách là một nhà kinh tế, theo ông, các khoản chi cho lĩnh vực văn hóa nên được xác định như thế nào để tương ứng với thực tế, đặc biệt là tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam?

    – Tôi cho rằng, một định nghĩa tương đối hẹp về văn hóa có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất vì nó tạo điều kiện cho công chúng thảo luận rõ ràng hơn về cách chi tiêu nguồn lực của Nhà nước. Khoản ngân sách khi được trình lên Quốc hội, sẽ dễ dàng giải thích hơn nếu tách giáo dục hoặc thể thao ra khỏi văn hóa. Việc phân tích theo cách này cũng cho phép chúng ta so sánh dễ dàng hơn, ví dụ, Chính phủ Việt Nam đang chi bao nhiêu cho giáo dục, so với các quốc gia khác có cùng mức độ phát triển.

    Tuy nhiên, ngay cả với một định nghĩa hẹp về văn hóa, việc đưa ra những so sánh mang tính quốc tế về chi tiêu của chính phủ cho văn hóa vẫn là một thách thức. Nếu bạn tìm số liệu thống kê về vấn đề này, bạn sẽ tìm thấy số liệu của các nước châu Âu, nhưng chỉ có dữ liệu rải rác ở phần còn lại của thế giới. Trong số các nước châu Âu, chi tiêu trung bình của chính phủ cho văn hóa là khoảng 1,2% GDP.

    Chính phủ Việt Nam có nên cố gắng học tập mô hình của các nước châu Âu và đặt mục tiêu chi khoảng 1,2% GDP cho việc chấn hưng văn hóa không, thưa ông?

    – Về vấn đề này, tôi sẽ thận trọng hơn một chút. Châu Âu là một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới, nhiều quốc gia trong số đó cũng tập trung nhiều hơn vào văn hóa và di sản so với những khu vực khác. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Việt Nam có nhiều nhu cầu cấp thiết cần giải quyết, từ cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe đến nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Vì vậy, tôi hiểu vì sao người dân xôn xao trước việc dành một phần lớn ngân sách để hỗ trợ chấn hưng văn hóa.

    Chuyên gia kinh tế Martin Rama: "Cần huy động những người giàu có tham gia phát triển văn hóa Việt"- Ảnh 3.

    Theo ông Martin Rama, nên tách bạch một cách rõ ràng khoản ngân sách chi cho văn hóa. (Ảnh: BTG)

    Ở đây có mâu thuẫn không? Trong gần một thập kỷ, ông đã vận động bảo tồn di sản ở Hà Nội và rộng hơn là ở Việt Nam, nhưng bây giờ ông kêu gọi thận trọng trong việc chi tiền của Chính phủ để hỗ trợ văn hóa. Nên hiểu như thế nào về sự trái ngược này?

    – Đó là lúc chúng ta đề cập tới những khía cạnh thực sự khó khăn của vấn đề quan trọng mà ông Nguyễn Quang Thiều nêu ra. Và tôi xin chia phần khó khăn đó thành hai câu hỏi: Nên huy động tiền của ai cho văn hóa, số tiền đó nên sử dụng như thế nào?

    Các hoạt động văn hóa thường nhận được tài trợ từ ba nguồn. Ngân sách Nhà nước là nguồn mà chúng ta đã và đang thảo luận. Nhưng bạn có thể thấy, các hộ gia đình cũng chi tiêu cho văn hóa, chẳng hạn như khi họ đi mua vé xem phim, đi mua sách. Quan trọng hơn nữa, chúng ta có những nhà tài trợ tư nhân. Tôi cho rằng ở một đất nước như Việt Nam, việc huy động khu vực tư nhân hỗ trợ văn hóa là vô cùng quan trọng.

    Hiện nay, có rất nhiều người giàu có ở Việt Nam, trong đó những người thuộc diện giàu nhất thường mong muốn được công chúng nhớ đến vì đã làm được những điều có ý nghĩa tốt đẹp cho đất nước, cho nền văn hóa của họ. Một số doanh nghiệp lớn cũng muốn “xây dựng thương hiệu” cho mình là người có trách nhiệm với xã hội. Họ sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động văn hóa nếu điều đó mang lại cho họ hình ảnh tốt hơn trước công chúng, giúp họ thu hút được nhiều khách hàng hơn hoặc định giá sản phẩm cao hơn.

    Nhà nước cần có các biện pháp khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực văn hóa

    Những gì ông vừa mô tả đề cập đến nguồn tiền cho các hoạt động văn hóa, nhưng ông cũng  nói về cách sử dụng tiền. Lời khuyên của ông đối với vấn đề này là gì?

    – Với tư cách là một nhà kinh tế, tôi tin rằng các nguồn lực tất nhiên là rất quan trọng, tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích có thể còn quan trọng hơn các nguồn lực đó.

    Ví dụ, bạn có thể có một ngân sách lớn dành cho văn hóa nhưng lại chi tiêu dưới hình thức giải thưởng cho các nghệ sĩ ở các hạng mục khác nhau, cuối cùng, thứ được tạo ra vỏn vẹn chỉ là những tác phẩm nghệ thuật nhàm chán, đơn điệu. Chúng ta cũng có thể dành nguồn lực để duy trì cơ sở vật chất của các Nhà hát, thế nhưng điều đó sẽ không đủ để giúp các nghệ sĩ kiếm sống. Và nếu không có nghệ sĩ thì sẽ không thể có vở kịch hay, buổi biểu diễn mới.

    Cũng cần có các biện pháp khuyến khích để các tổ chức tư nhân đầu tư vào các hoạt động văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi sản phẩm văn hóa có thể trở nên cực kỳ giá trị. Từ các phòng trưng bày nghệ thuật đến rạp chiếu phim, từ các công ty du lịch đến các khách sạn, di sản, rất nhiều hoạt động văn hóa có thể được thực hiện và tạo ra lợi nhuận. Chính sách của Nhà nước sẽ giúp những hoạt động này mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa.

    Ông có thể đưa ra ví dụ về cách Nhà nước khuyến khích lĩnh vực văn hóa phát triển?

    – Việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là một ví dụ điển hình. Các nghệ sĩ cần có khả năng sở hữu sản phẩm của mình để có thể bán chúng cho những người kinh doanh nghệ thuật, nhà xuất bản sách hoặc cho các nhà đầu tư trong ngành kinh doanh biểu diễn thuê để khai thác. Họ cũng có thể lấy lại tài sản của mình hoặc thu nhập mà tài sản đó tạo ra trong trường hợp có gian lận hoặc kiện tụng.

    Tương tự, việc bảo vệ di sản kiến trúc có thể khuyến khích các nhà đầu tư khai thác tiềm năng của các tòa nhà lịch sử, vì phương án phá bỏ và xây dựng lại không còn nữa. Ngoài ra, cũng cần trợ cấp trực tiếp cho các hoạt động văn hóa mà nếu chúng ta không bảo tồn sẽ dần mai một, chẳng hạn như các tập tục truyền miệng và di sản âm nhạc của những dân tộc thiểu số.

    Sau cùng, điều quan trọng là phải suy nghĩ về các ưu đãi dành cho người sáng tạo. Trên khắp thế giới, có hàng trăm nghệ sĩ đói nghèo bên cạnh những ngôi sao sáng. Để có thể thành công, những người tài năng phải có một môi trường mà ở đó họ không phải lo sợ cho sự sống còn của họ và gia đình họ. Cũng bởi các nghệ sĩ thường có thu nhập không ổn định, cần có các giải pháp đổi mới để họ kết hợp công việc giảng dạy với sáng tạo hoặc đóng góp an sinh xã hội không thường xuyên theo từng thời điểm.

    Cảm ơn những chia sẻ của ông!


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn