January 22, 2025

Bí ẩn về căn bệnh khiến giới chạy bộ lo lắng

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Diva Hồng Nhung hát cùng Thanh Lam, Hà Trần trong chương trình phát đêm Giao thừa Ất Tỵ
  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm

  • Pippa Woolven giành được học bổng thể thao của Đại học tiểu bang Florida - Ảnh: BBC

    Pippa Woolven giành được học bổng thể thao của Đại học tiểu bang Florida – Ảnh: BBC

    “Người chạy bộ cần phải biết về hội chứng RED” – đó là tít của một bài báo đăng tải trên tạp chí Runner World gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một căn bệnh đang làm đau đầu giới chạy bộ.

    Mary Cain (27 tuổi) là vận động viên điền kinh trẻ nhất của Mỹ từng nằm trong tốp những nhà vô địch thế giới. Cô được xem như một hiện tượng tuổi teen vì nắm giữ nhiều kỷ lục cấp quốc gia ở nội dung chạy cự ly trung bình.

    Trong khi đó, Pippa Woolven (30 tuổi) là một trong những vận động viên chạy vượt rào giỏi nhất Vương quốc Anh. Cô từng giành chức vô địch ở các trường đại học Anh, thi đấu tại Giải vô địch trẻ thế giới năm 2012 và giành được học bổng thể thao của Đại học tiểu bang Florida.

    Tuy nhiên khi cả hai đang tiến gần đến đỉnh cao của môn điền kinh, họ phát hiện bản thân bị mắc hội chứng thiếu hụt năng lượng tương đối (RED).

    Vì sao người chạy bộ lo lắng về hội chứng RED?

    Hội chứng này xảy ra khi một người tập luyện quá sức, ăn uống quá ít trong một thời gian dài nhằm cố gắng cải thiện thành tích thể thao. Bản thân người tập thường không nhận thức được sự nguy hiểm của việc không bù đắp năng lượng mà họ tiêu tốn trong tập luyện và cuộc sống hằng ngày.

    Các chuyên gia y tế cho biết nếu không được điều trị, RED có thể làm tổn hại quá trình trao đổi chất, sức khỏe xương của vận động viên. Từ đó dẫn đến gãy xương nhiều hơn.

    Pippa Woolven (trái) chiến thắng trong một cuộc thi chạy vượt chướng ngại vật 2.000m nữ vào năm 2012 - Ảnh: REUTERS

    Pippa Woolven (trái) chiến thắng trong một cuộc thi chạy vượt chướng ngại vật 2.000m nữ vào năm 2012 – Ảnh: REUTERS

    Không chỉ vậy, RED còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, sức khỏe tim mạch, chu kỳ kinh nguyệt, sức khỏe tâm thần và thành tích thể thao của họ.

    Bác sĩ Farrah Jawad, chuyên viên tư vấn về RED tại Pure Sports Medicine (Anh), nói với Đài CNN: “Mỗi người sẽ có chế độ tập luyện khác nhau để tránh việc mắc hội chứng thiếu hụt năng lượng tương đối”.

    Vì RED thường tiến triển một cách khó đoán nên đòi hỏi các giải pháp phải cụ thể để tính toán mức độ hoạt động thể chất và lượng thức ăn khác nhau.

    Theo vận động viên Woolven, cô không ngạc nhiên nếu RED là tình trạng bệnh phổ biến nhất trong các môn thể thao thiên về sức bền. Nguyên nhân là những môn này tiêu tốn nhiều năng lượng và đòi hỏi việc đảm bảo vóc dáng săn chắc.

    Theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), hiện nay vẫn chưa có số liệu chính xác về mức độ phổ biến của tình trạng này. IOC ước tính số vận động viên chuyên nghiệp mắc hội chứng RED nằm trong khoảng từ 15% đến 80%. Đồng thời con số đó cũng sẽ phân bổ khác nhau ở từng môn thể thao.

    Môi trường độc hại có thể dẫn đến hội chứng RED

    Mặc dù nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra RED, Cain nói với CNN rằng theo quan điểm của cô là do “môi trường bên ngoài độc hại” và “sự lạm dụng”.

    Khi nhận ra điều này, cô quyết định trình bày chi tiết những trải nghiệm đó tại dự án Nike Oregon trong một video cho tờ The New York Times vào năm 2019.

    Trong đoạn video, Cain nói rằng mình đã có ý định tự tử và tự làm hại bản thân. Đồng thời cô cũng cáo buộc huấn luyện viên của mình là Alberto Salazar (vận động viên chạy marathon đường dài nổi tiếng) rằng ông đã công khai chỉ trích nếu Cain không đặt ra mục tiêu về cân nặng.

    Trong 3 năm tập luyện hà khắc đó, Cain bị gãy 5 chiếc xương và không có kinh nguyệt. Thậm chí, việc liên tục ăn kiêng khiến cô đói đến mức phải bí mật trộm thức ăn của đồng đội và ăn trong phòng tắm.

    Cain miêu tả mọi chuyện lúc đó thật khủng khiếp, nhất là khi cô ăn uống thiếu năng lượng và không đảm bảo được việc duy trì sự sống cần thiết.

    Đến năm 2019, Cơ quan Chống doping Mỹ (USADA) đã cấm ông Salazar hoạt động thể thao trong 4 năm vì “vi phạm nhiều quy tắc chống doping”.

    Mary Cain từng đoạt danh hiệu vô địch thế giới cự ly 3.000m ở cấp độ trẻ năm 2014 - Ảnh: L'ÉQUIPE

    Mary Cain từng đoạt danh hiệu vô địch thế giới cự ly 3.000m ở cấp độ trẻ năm 2014 – Ảnh: L’ÉQUIPE

    Vào tháng 11-2021, Nike và Salazar phải giải quyết một vụ kiện trị giá 20 triệu USD mà Cain đã đệ đơn vào tháng 10 cùng năm. Trong đó, cô cáo buộc rằng cả hai bên đã đối xử cẩu thả đối với cô. Đây cũng là yếu tố hàng đầu làm trầm trọng thêm một số thương tích, bao gồm cả hội chứng RED mà Cain mắc phải.

    Tương tự Cain, mục tiêu ban đầu của Woolven chỉ đơn giản là đạt được thành tích cá nhân tốt nhất. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi cô bắt đầu nhận học bổng thể thao của Đại học tiểu bang Florida.

    Trong môi trường thể thao cường độ cao, Woolven dần thấy ám ảnh về việc tập luyện cùng sự khắt khe về chế độ dinh dưỡng. Cô cho biết kinh nguyệt của mình đã dừng lại. Ngoài ra, Woolven còn gặp vấn đề với hệ tiêu hóa khi sức khỏe tâm thần sa sút.

    Khó khăn để chẩn đoán bệnh RED

    Tác hại của RED có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, đặc biệt là các vận động viên sống trong nền văn hóa tôn vinh việc tập luyện quá sức và ăn uống thiếu chất.

    Văn hóa này thường dễ nhận biết qua những quan niệm độc hại như người rời khỏi phòng tập cuối cùng là chăm chỉ; tập những bài bổ sung nhỏ ngoài thời gian tập luyện chính; cắt bỏ thức ăn nếu nó không cần thiết.

    Theo bác sĩ Ackerman, điều quan trọng là cần giúp các vận động viên nhận ra khi nào họ đang tập luyện quá sức hoặc chưa hồi phục hoàn toàn. Vận động viên phải đảm bảo việc ngủ đủ, cung cấp năng lượng và nghỉ ngơi hợp lý bên cạnh quá trình luyện tập.

    Dù vậy, việc chẩn đoán hội chứng RED là một quá trình lâu dài và khó khăn. Bác sĩ Jawad cho biết không có một xét nghiệm cụ thể nào cho RED. Điều này đồng nghĩa việc chẩn đoán RED chỉ có thể dựa trên những biểu hiện của vận động viên.

    Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed