Một trong những địa điểm siêu “hot” trong dịp Tết Nguyên đán năm nay chính là điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế. Dù là địa điểm đã có từ lâu, nhưng khung cảnh điện Kiến Trung sau phục dựng quá đỗi lộng lẫy, nguy nga khiến dân tình không khỏi choáng ngợp. Chính vì vậy, khi điện Kiến Trung vừa được đưa vào hoạt động, ngay lập tức thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan đầu năm mới.
Ảnh: @blog của Rọt
Thức giấc sau hơn 70 năm, trước đây Điện Kiến Trung là nơi sống và làm việc mỗi ngày của vua Khải Định, sau đó là tư cung của vị vua cuối cùng triều Nguyễn là Bảo Đại. Ngôi điện xây dựng với phong cách kiến trúc độc đáo, pha lẫn giữa nghệ thuật kiến trúc của Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý và nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Ảnh: @diego51_
Chiêm ngưỡng những hình ảnh vô cùng tráng lễ của điện Kiến Trung, nhiều người vừa ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của ngôi điện và bất ngờ hơn khi thấy một ngôi điện bị phá hủy gần như hoàn toàn nay lại được phục dựng một cách đầy đủ, hoành tráng như vậy. Sau sự trở lại của điện Kiến Trung, dân tình khắp nơi lại bắt đầu réo tên những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi đang trong quá trình tu sửa, ai nấy cũng hy vọng những biểu tượng lịch sử ấy sẽ sớm được hoàn thiện và xuất hiện với diện mạo cổ kính, bề thế như xưa.
Chùa Cầu
Là địa điểm mà ai đến Hội An cũng phải tìm check-in bằng được, di tích Chùa Cầu đã trở nên quá quen thuộc với giới trẻ khi đến phố Hội. Hơn cả một địa điểm, với kiến trúc độc đáo cùng tuổi đời hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng quan trọng của vùng đất Hội An.
Chùa Cầu là điểm hẹn quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ. Chưa check-in Chùa Cầu coi như du khách chưa đến Hội An. (Ảnh: @anhtai.bber)
Tọa lạc trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An, Chùa Cầu được thiết theo kiểu mái vòm độc đáo, những họa tiết trang trí trên cầu thể hiện sự giao hòa giữa nhét kiến trúc Việt, Nhật, Hoa và cả kiến trúc phương Tây. Không chỉ là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1990, mà Chùa Cầu còn được cả thế giới biết đến trong quần thể di sản văn hóa thế giới thuộc mạng lưới của UNESCO.
Ảnh: @jade.lifestories, @notes.vn
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ, được người dân phố Hội xem là kết tinh linh hồn của đất và người Hội An. Hầu như mỗi khi đến Hội An du khách thường tìm đến đây để check in và chiêm ngưỡng nét cổ kính. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại khi tham quan trung tâm khu phố cổ Hội An du khách không còn được thấy chùa Cầu án ngữ bên bờ Bắc sông Hoài nữa bởi di tích này đang trong quá trình trùng tu.
Di tích Chùa Cầu ở Hội An đang trong quá trình tu sửa
Rất nhiều du khách khi ghé thăm Hội An đều không khỏi bất ngờ vì di tích này được thay thế bằng một mái nhà tôn “bít bùng” bốn hướng. Tại đây, Chùa Cầu không đơn thuần chỉ là sửa sang mà di tích này đã được tháo dỡ hoàn toàn. Từng góc cạnh, hình hài nguyên trạng, kết cấu và bố trí không gian của chùa Cầu đã lộ rõ.
Chùa Cầu đã được bao bọc bằng nhà mái tôn
Những viên gạch, mái ngói đến phần trang trí mái chùa Cầu được xếp gọn và bao bọc lại cẩn thận để tránh nứt gãy.
Dù tầm nhìn hạn chế do nhiều khu vực bị che chắn để phục vụ sửa chữa và bảo quản, nhưng đông đảo du khách rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến quá trình tu bổ cũng như lắng nghe thuyết minh về câu chuyện lịch sử của di tích đặc biệt này.
Hướng dẫn viên giới thiệu về chùa Cầu cho du khách nước ngoài thông qua hình ảnh được sưu tầm, treo ở vị trí thuận lợi.
Nhà thờ Đức Bà
Một trong những địa điểm được coi là biểu tượng check in của TP.HCM, được du khách từ trong nước đến quốc tế khi đến Sài Thành cũng đều muốn ghé thăm, chụp một tấm ảnh kỷ niệm, đó chính là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn – gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Nhà thờ đã tạm ngừng hoạt động tôn giáo và trải qua một cuộc đại trùng tu lớn đến năm 2027.
Ảnh: @vietnamtravel_vn, @dothuydung969, @eric_khm, @_.channt.
Hiện tại quá trình phục dựng Nhà thờ đã được hoàn thiện đến 50%, xung quanh địa điểm này được quây kín với những giàn giáo khổng lồ. Sau nhiều năm đóng cửa im ắng, người dân cũng hạn chế tập trung ở khu vực Nhà thờ. Thế nhưng trong dịp Giáng sinh vừa mới qua, Nhà thờ Đức Bà lại được trang trí đèn nháy lấp lánh, các tiểu cảnh cũng được trang trí xung quanh thu hút sự chú ý của mọi người.
Ảnh: @wide_focus, @sue_see_the_world
Ít ai biết rằng, Nhà thờ Đức Bà đã sừng sững giữa lòng Sài Gòn trong suốt 138 năm qua. Chờ đợi đến ngày trở lại của công trình này có lẽ sẽ mất thêm một vài năm nữa, thế nhưng giờ đây giới trẻ Sài Thành lại tỏ ra thích thú khi check-in bên Nhà thờ Đức Bà kể cả khi đang tu bổ. Dù vậy, ai cũng mong ngóng sẽ được chiêm ngưỡng sự trở lại cực hoành tráng của công trình kiến trúc tiêu biểu và độc đáo bậc nhất của Sài Gòn.
Ảnh: @ben.freelancer, @lang.thang.sai.gon.ig, @tthanhtoann, @Diệp nguyễn
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed