Chia sẻ với Dân Việt vào chiều 18/2, ông Vũ Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, trang web chính thức của rạp bị sập vài ngày qua vì lượng khán giả truy cập để mua vé xem Đào, phở và piano tăng mạnh. Bộ phận kỹ thuật, công nghệ thông tin của Trung tâm chiếu phim làm việc nhiều ngày qua để khắc phục tình trạng nhưng tới chiều 18/2, trang web chưa thể mở lại.
“Hiện tại, toàn bộ vé phim Đào, phở và piano vào 19-20/2 đã hết. Hôm nay, trung tâm có 11 suất chiếu cho Đào, phở và piano. Tới 19/2 và 20/2, chúng tôi tăng lên 15 suất chiếu. Phim dự kiến được chiếu trong khoảng một tháng kể từ khi ra mắt là 10/2″, ông Vũ Đức Tùng chia sẻ.
Ông Vũ Đức Tùng cho biết thêm, tới chiều 18/2, Đào, phở và piano đã bán được hơn 5.100 vé với doanh thu gần 300 triệu đồng. Trong khi đó, phim lịch sử khác ra mắt dịp Tết là Hồng Hà nữ sĩ bán được 699 vé với doanh thu hơn 41 triệu đồng.
Những ngày qua, Đào, phở và piano liên tục được chia sẻ, bàn tán trên mạng xã hội dù ban đầu phim không được quảng bá nhiều, thậm chí khá im ắng giữa loạt phim Việt ra mắt cùng thời điểm. Nhiều khán giả cho biết họ muốn xem phim nhưng tất cả suất chiếu của Đào, phở và piano đều hết vé. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là địa điểm duy nhất trên cả nước đang chiếu tác phẩm này.
Đào, phở và piano là tác phẩm của biên kịch, đạo diễn Phi Tiến Sơn. Phim được đầu tư kinh phí 20 tỷ đồng và do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất.
Phim Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội với câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh). NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng… cũng góp mặt trong phim.
Theo kế hoạch, hai bộ phim ra rạp chính thức vào mùng 1 Tết Giáp Thìn. Từ mùng 1 tới mùng 3 Tết, đơn vị xếp số lượng suất chiếu bình thường. Trung bình mỗi suất chiếu, khán giả phủ từ 1/3 tới 1/2 rạp.
Chia sẻ với Dân Việt về bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Chúng ta đều biết, cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947 trong 60 ngày đêm rất đặc biệt. Đối lập với quân đội Pháp có vũ khí hiện đại thì người dân Hà Nội với vũ khí thô sơ, chiến đấu theo kiểu dàn trận đánh nhau.
Nhưng ở trong cuộc chiến đó, chất người Hà Nội được thể hiện nổi bật, đậm nét. Họ yêu thành phố của mình, mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau và cùng đồng lòng bảo vệ nó. Đào, Phở, Piano tuy là phim chiến tranh nhưng không phải nói về người Hà nội dũng cảm mà nói về chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội. Tôi hy vọng khán giả có thể thấy được những điều đó”.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt