January 23, 2025

Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Công an bắt 2 vụ vận chuyển 27.100 gói thuốc lá ngoại nhập lậu ở Long An
  • Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cùng tên có sự nghiệp thành công, cuộc sống viên mãn
  • Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc

  • PV Dân Việt biết anh Tiến cũng qua soạn giả Mai Văn Lạng – Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam khi anh tới thăm và viết tặng anh Tiến một bài hát chèo. Cái “hay” mà soạn giả Mai Văn Lạng nói là sự quý trọng và nể phục dành cho anh Tiến Đông Lao, bởi tình yêu cháy bỏng của một người bình thường, giản dị đối với nghệ thuật truyền thống nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng. 

    “Tới nhà Tiến chưa, tới tham quan mới thấy hết được cái hay của Tiến”, đó là những gì soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng nói với tôi khi tôi dạm hỏi về anh Trần Đức Tiến (43 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) hay thường gọi với cái tên Tiến Đông Lao. 

    Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống- Ảnh 1.

    Anh Tiến Đông Lao đang giới thiệu về các loại nhạc cụ anh sưu tầm được. Ảnh: Phạm Thứ

    Anh Tiến không phải người chơi nhạc cụ giỏi, càng không phải là nghệ sĩ lớn, chỉ là người yêu âm nhạc dân tộc đơn thuần nhưng anh đã biến tình yêu ấy thành hành động không phải ai cũng làm được. Đã hơn 30 năm qua, anh Tiến cất công sưu tầm nhạc cụ dân tộc từ cổ chí kim để lan tỏa cái hay, cái đẹp, cái quý giá của nghệ thuật truyền thống. Ngôi nhà 3 tầng của anh Tiến hiện nay giống như một “bảo tàng”, xếp kín các ngóc ngách là nhạc cụ dân tộc.

    Bảo tàng nhạc cụ dân tộc giữa làng quê

    Nhà anh Tiến ở thôn Đông La cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 20km theo hướng Đại lộ Thăng Long. Trước vào nhà, anh Tiến treo một tấm biển lớn treo phía trên ghi: “Không gian lưu giữ – Nhạc khí truyền thống Việt Nam”. Bước vào trong nhà, theo chân anh Tiến đi một vòng từ tầng một lên tầng ba, đó quả thực là một sự choáng ngợp với bất kỳ ai. Trong một ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, đủ các loại nhạc cụ từ trống, kèn, đàn, sáo, nhị,… được xếp chật kín các vách tường, hết phòng khách rồi chật kín khu vực cầu thang, thậm chí cả phòng ngủ.

    Bắt đầu từ năm 12 tuổi khi được ông ngoại dẫn theo phường bát âm để chơi nhạc, chàng Tiến Đông Lao bắt đầu say mê nhạc cụ dân tộc từ đó. Anh chia sẻ khoảng thời gian đó say mê tới nỗi còn vẽ nhạc cụ để treo lên tường. Qua hơn 30 năm dày công sưu tập, anh đã có cho riêng mình một “bảo tàng nhạc cụ dân tộc” theo đúng nghĩa đen để trưng bày. Trong hành trình đó, ngôi nhà của nghệ sĩ Đức Dậu và “Bá Phổ nhạc đường” của nghệ sĩ Bá Phổ là nguồn cảm hứng và tiếp thêm động lực cho tình yêu sẵn có của anh.

    Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống- Ảnh 2.

    Một số nhạc cụ của dân tộc thiểu số được anh Tiến giới thiệu với khách tham quan. Ảnh: Phạm Thứ

    Các nhạc cụ được anh Tiến sắp xếp ngăn nắp, cẩn thận theo từng loại hình nghệ thuật hoặc của từng vùng miền. Bắt đầu từ không gian lưu giữ nhạc cụ của Chèo và Cải lương ở phòng khách. Các bức tường vực cầu thang từ tầng một tới tầng ba lần lượt là khu trưng bày nhạc cụ của các loại hình nghệ thuật Ca trù, Xẩm và Tuồng, Chầu văn tới Nhã nhạc cung đình Huế hay một số nhạc cụ của các dân tộc thiểu số các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên hay cả những nhạc cụ rất độc đáo, lạ tai của người Khơ-me như Rô-Niết-ek, Rô-Niết-thung,…

    Những cây sáo cũ đi theo anh Tiến trong suốt sự nghiệp mà anh gọi là “phục vụ nhà Thánh”, được trưng bày thành một khu riêng tại tầng 2 rất đặc biệt. Một giá treo hình khuông nhạc đủ 5 dòng kẻ ngang có khóa Sol. Còn những cây sáo thì giống như những nốt nhạc trên khuông nhạc đó.

    Anh Tiến bảo, mỗi nhạc cụ chứa đựng huyết mạch tâm linh, hồn vía của dân tộc. Có những đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng nhạc cụ gọi đất gọi trời; hay những pháp khí được “phục vụ nhà thánh” tại các điện, phủ thờ hoặc những giá hầu,… đều rất linh thiêng. Vậy nên, anh muốn lưu giữ giống như bảo vật ở trong nhà.

    Anh Tiến say sưa giới thiệu về từng nhạc cụ trong “bảo tàng” của mình. Đảo mắt nhìn một vòng, anh tự hào bảo rằng: “Khoảng hơn 100 loại. Không đủ tất cả nhưng nhạc cụ ba miền, miền nào cũng có. Có cái thì tôi được tặng, cái thì phải mua, có những cái thì tôi tự chế tác. Đây như cây đàn Tơ-rưng này tôi phải ngồi tới 2 giờ sáng đêm 30 Tết mới xong. Người ta làm quen thì một tuần là xong, mình phải mày mò có khi tới cả tháng, hai tháng “.

    Mỗi nhạc cụ khi đã đặt trong “bảo tàng” của anh Tiến, đều có một câu chuyện đi kèm. Dưới mỗi nhạc cụ anh đều ghi rất rõ tên người tặng và anh Tiến kể vanh vách cho khách tới tham quan nghe câu chuyện gắn với mỗi nhạc cụ đó. Cái trống này do thầy này tặng, cái đàn kia do nghệ sĩ kia tặng,… Có lẽ tới gần một nửa số nhạc cụ anh Tiến sưu tầm là đồ kỷ vật anh được “quý tặng”. Hoặc cũng có những nhạc cụ là đồ kỷ vật lưu giữ đã mấy đời. Có những cái ít tuổi, có những cái cũng cả trăm năm tuổi. Dùng được cũng có, không dùng được cũng có. Anh bảo có người nói số nhạc cụ hỏng như rác trong nhà, nhưng anh không giận, bởi đó là góc nhìn của họ. Còn với anh, nhạc cụ dân tộc như là báu vật, không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt.

    Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống- Ảnh 3.

    Một góc tại tầng hai nhà anh Tiến nơi rất nhiều nhạc cụ được trưng bày. Ảnh: Phạm Thứ

    “Cái chính là tình cảm của anh em văn nghệ sĩ dành tặng. Như cây cái đàn nguyệt này có người trả giá rất cao nhưng một người em không bán mà để tặng tôi. Cũng có rất nhiều người tới hỏi mua nhưng giá nào tôi cũng không bán. Hay như cây nhị kia cả hơn trăm tuổi là kỷ vật của ông ngoại tôi từ phường bát âm. Có một thời gian bị thất lạc đi, nhưng nhân duyên thế nào tôi tìm được và chuộc lại nó. Được sống trong cái không gian mà nhìn đâu cũng thấy đam mê, một ngày làm việc vất vả cũng tan biến”, anh Tiến bộc bạch.

    Khách yêu nghệ thuật cổ truyền tới tham quan ví von nhà anh chẳng khác nào “dàn bát âm”. Từ “Trúc, Bào, Kim, Mộc bổng trầm” tới “Thạch, Thổ, Ty, Cách vang ngân ba miền”. Trong cái không gian rất cổ kính, rất tự hào dân tộc và đầy cảm hứng như vậy, những nghệ sĩ tới thăm cũng khó để không có những sáng tác. Để liệt kê những loại nhạc cụ trong nhà anh thôi cũng phải tới cả hơn chục câu lục bát nhưng cũng chưa kể hết:

    “…Trong nhà có đủ nhạc chơi

    Song Loan các loại từ thời cổ xưa

    Khèn hơi, Nguyệt, Nhị, Lứu Hồ

    Tứ, Tam, Cảnh, Mõ, Phách thương, Tù Và

    Sáo, Tiêu, Não Bạt, Thanh La

    Đàn Bầu, Đàn Tính ngân nga mọi điều

    Trống cơm, Trống khẩu, Trống chèo

    Cồng, Chiêng, Trống đế vọng ngân xa

    Trống Chầu, phục vụ bài ca

    Đàn Đá, Đàn Đáy, Tỳ Bà, Đàn Tranh

    Đàn Môi, Đàn Sến tập tành

    Tơ rưng, Kơ Ný âm thanh vang trời

    Tác Ta, Trống bản tuyệt vời…”.

    Giới nghệ sĩ trầm trồ trước tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống

    Với vẻ mặt phấn khởi, anh Tiến lại say sưa kể với tôi những nghệ sĩ đã từng có những nghệ sĩ tiếng tăm tới thăm bảo tàng nhạc cụ của anh. Nào là NSƯT Xuân Theo, NSND Đoàn Thanh Bình… họ đều là khách quen của gia đình anh. Mỗi người tới thăm đều rất quý mến và cảm phục trước tình yêu của anh đối với với nghệ thuật truyền thống. Rồi anh còn hào phóng cho tôi thưởng thức những âm thanh từ những nhạc cụ do chính anh biểu diễn cùng cậu con trai hơn mười tuổi.

    Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống- Ảnh 4.

    Các nhạc cụ được anh Tiến sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng loại hình nghệ thuật. Ảnh: Phạm Thứ

    Anh Tiến không phải người chơi nhạc cụ quá giỏi, càng không phải là một nghệ sĩ có tên tuổi lớn. Nhưng ở anh, đó là một tình yêu vô cùng to lớn đối với nghệ thuật truyền thống, một sự không ngừng học hỏi, nghị lực vượt lên nghịch cảnh để sống với đúng đam mê. Để từ đó, anh có một bảo tàng nhạc cụ dân tộc đồ sộ như hiện tại mà các nghệ sĩ lớn tên tuổi cũng phải nể phục.

    NSND Đoàn Thanh Bình chia sẻ những lời rất mộc mạc, chân thành về anh Tiến: “Tình yêu với nghệ thuật truyền thống của anh Tiến chẳng cần phải ai nói ra mới biết. Tới nhà Tiến là hiểu, đúng nghĩa là bảo tàng sống về nhạc cụ dân tộc. Tôi đã về thăm rất nhiều lần, và quả thực là trân trọng tình yêu của anh ấy. Đó cũng là lý do một số bài thơ phổ nhạc về anh Tiến mà chính tôi là người hát như một món quà kỷ niệm”.

    Soạn giả Mai Văn Lạng cũng có sự cảm mến tương tự. Trong bài hát chèo ông viết tặng anh Tiến Đông Lao có câu hát rằng: “Tình yêu đất nước không phải những thứ gì đó quá cao xa, chính là những việc làm cụ thể giống như anh Tiến đã và đang làm. Ngay chính cái tên Tiến Đông Lao anh đặt cũng là một cách để anh tỏ bày tình yêu, tự hào với mảnh đất quê hương mà anh gọi là “địa linh nhân kiệt”.

    Sự phát triển văn minh của các dân tộc luôn song hành với văn hóa truyền thống và nhạc cụ dân tộc là một bộ phận trong đó. Anh Tiến chia sẻ, ngoài đam mê, mục đích anh sưu tầm vì muốn lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghệ thuật dân tộc và truyền cảm hứng tới cho các thế hệ trẻ. Đã có những giáo viên muốn đưa đoàn học sinh về để tham quan nhưng do không gian nhà ở không đủ rộng rãi. Đó cũng là điều anh cảm thấy tiếc nuối.

    Vượt lên nghịch cảnh

    Sưu tầm và trưng bày được kho tàng nhạc cụ như vậy vốn không phải là điều dễ dàng với ngay cả một người nghệ sĩ chứ chưa nói tới một người bình thường, giản dị như anh Tiến. Nhưng cũng có thể coi anh Tiến là một người nghệ sĩ theo một cách chẳng cần phải chỉ mặt đặt tên. Nói như soạn giả Mai Văn Lạng trong bài hát chèo viết tặng Tiến Đông Lao là “hồn dân ca trong sâu thẳm trái tim người” hay NSND Đoàn Thanh Bình nói mối nhân duyên với anh Tiến là “những người yêu nghệ thuật chân chính luôn biết cách để tìm đến nhau” và cũng bởi anh Tiến từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

    Ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ và tình yêu “khó hiểu” của chủ nhà với nghệ thuật truyền thống- Ảnh 5.

    Anh Tiến không phải người chơi nhạc cụ xuất sắc nhưng am hiểu rất nhiều về nhạc cụ. Ảnh: Phạm Thứ

    Những vấn đề sức khỏe khiến anh không thể tiếp tục theo đuổi nghệ thuật một cách chuyên nghiệp hơn. Theo soạn giả Mai Văn Lạng, với sức khỏe không tốt như anh Tiến, vẫn có thể chơi được sáo và đi biểu diễn tại các đền phủ trong các lễ hội đã là một điều rất nghị lực.

    Anh Tiến gọi đó là “Thánh cho lộc”, bởi ngoài công việc cắm hoa tươi, anh thường được mời đi biểu diễn hát văn trong các giá hầu của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tiền để đầu tư vào việc sưu tầm nhạc cụ cũng là ba phần trích ra từ việc “phục vụ nhà Thánh”.

    Anh cũng sẵn sàng chia sẻ miễn phí những kiến thức mà anh biết về nhạc cụ dân tộc cho những người có nhu cầu muốn tìm hiểu. Theo những gì anh kể, anh còn đào tạo được một đội nhạc lễ “cây nhà lá vườn” để phục vụ cho các lễ hội của làng Đông Lao, bởi đây là ngôi làng cổ với rất nhiều các khu di tích và các lễ hội đình làng.

    Các loại nhạc cụ được xếp kín các vách tường trong nhà anh Tiến. Video: Phạm Thứ

    Với anh Tiến, cuộc sống như vậy là trọn vẹn, dù không quá sung túc. Nhưng anh được làm điều mình yêu thích, được mọi người từ gia đình, bạn bè yêu mến, ủng hộ và trân trọng. Anh chia sẻ, trong tương lai, vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm, lưu giữ các nhạc cụ dân tộc. Đó không chỉ là tình yêu, là đam mê của cá nhân anh mà đó là trách nhiệm lưu giữ cái hồn cốt của dân tộc. Cây đàn cổ, cái trống, cái chiêng hay cây sáo trúc,… nếu riêng lẻ không làm nên Việt Nam, nhưng Việt Nam cần có những nhạc cụ đó để có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

    Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt