Mừng tuổi đầu năm – nét đẹp văn hóa đang dần phai mờ giá trị
Bà Vũ Thị Ngọc (66 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi tôi nhỏ, vào khoảng những năm 1960-1970, cứ vào đúng sáng mùng một Tết là cha mẹ tôi gọi anh, chị, em tôi ra xếp hàng nói lời chúc Tết cha mẹ rồi đưa mỗi đứa một bao đỏ kèm theo lời chúc của cha mẹ cho từng đứa con lớn bé khác nhau. Nhưng tựu chung là mong cho các con mau lớn và thành đạt. Sau đó là những người thân trong gia tộc hay bạn thân của bố mẹ đến chúc Tết; anh em tôi thấy khách đến chỉ cúi đầu chào, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ai lì xì hay không.
Sau này người ta vật chất hóa vấn đề tiền lì xì khiến trẻ nhỏ cũng học xu hướng đánh giá người lớn qua giá trị của bao lì xì, điều này làm mất đi giá trị tinh thần của việc mừng tuổi ngày đầu năm mới. Đây là điều đáng lo ngại, nhất là với các bạn trẻ bây giờ làm cha làm mẹ. Tôi thấy không ít người còn coi con cái như một “khoản thu nhập” cho gia đình dịp tết. Có thể chỉ là những lời nói vui đùa, nhưng nếu không đúng cách, sẽ khiến cho những đứa trẻ ấy có tư duy lệch lạc ngay từ nhỏ”.
Cũng chung một sự tiếc nuối bởi tục mừng tuổi đầu năm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống, cô Đoàn Thị Khánh Trang (41 tuổi), giáo viên trường THPT A Hải Hậu – Nam Định bày tỏ: “Con người hiện đại ngày nay hầu hết đều chỉ quan tâm đến mệnh giá của tiền mà không màng đến nội hàm ý nghĩa giá trị tinh thần của văn hóa mừng tuổi. Nhiều thế hệ người Việt cao tuổi cũng thấy buồn nhưng lâu dần họ không nỗ lực dạy con cháu về việc nhận tiền mừng tuổi sao cho đúng văn hóa.
Các gia đình ít còn quan tâm đến nội hàm mà chỉ quan tâm đến “thực tế”. Một số nơi còn mượn hình thức này để mua chuộc lòng người hoặc dè bỉu người khác. Nét văn hóa đẹp trong việc sử dụng giao tiếp bằng tiền mừng tuổi bị mai một, mất đi dần. Tôi luôn truyền đạt điều này đến mọi người và bản thân mình không bị cám dỗ a dua với thời cuộc, vẫn chọn cho mình cách ứng xử rất truyền thống”.
Vì lẽ đó, cô Khánh Trang luôn tìm những câu chuyện cổ xưa về nguồn gốc ra đời của tiền mừng tuổi để giáo dục con cái và học trò gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền.
“Cái nợ đồng nần”
Từ việc mang lại sự may mắn cho nhau dịp đầu năm mới, không ít những người hiện nay coi mừng tuổi đầu năm như “rước thêm món nợ”. Chị P.T.N (30 tuổi, Hải Dương) cho biết: “Hồi còn nhỏ, khoảng đầu những năm 2000, mình cũng được mừng tuổi ít thôi, nhưng rất trân quý đồng tiền đó. Nhưng lúc mình lớn dần thì số tiền mọi người mừng tuổi cũng lớn theo. Cái này không phải do mình lớn mà mọi người mừng tuổi nhiều mà do sự thay đổi của thời đại. Như các em mình bây giờ ở nhà thậm chí còn được mừng tuổi nhiều hơn”.
Nhưng từ khi chị N. lập gia đình và sinh con, do kinh tế cũng không thực sự dư giả nên mỗi dịp Tết đến chị N. lại phải đau đầu để tính toán “lời” – “lỗ”.
“Mình cũng không biết từ khi nào nhận thức của mình về mừng tuổi đầu năm lại thay đổi. Chắc cũng quá lâu rồi từ lần cuối mình quan tâm cái sự may mắn của đồng tiền. Thời còn đi học thì mặc định đó là một khoản tiết kiệm để làm cái này cái kia. Còn giờ lập gia đình, nó thực sự như món nợ vậy. Cái hồi mới làm dâu, chưa có con, thường mừng tuổi các cháu khoảng 50-100 nghìn thôi. Nhưng từ lúc có con, họ mừng tuổi con mình 200-500 nghìn mà mình không mừng lại bằng đó thì có thể họ nhìn mình cũng khó coi lắm. Các cụ bảo của biếu là của lo, của cho là của nợ mà. Với bạn bè mình thì cũng thế thôi, có thể là thoải mái, xởi lởi hơn chút, nhưng không có qua có lại thì cũng khó nói chuyện với nhau lắm”, chị N. tiếp tục.
“Tết mới, mừng tuổi kiểu mới”
Hiện nay, theo sự phát triển của xã hội, rất nhiều cách hình thức mừng tuổi đầu năm kiểu mới được sáng tạo như: Chuyển khoản, tặng sách, tặng vé xổ số hay gần đây nhất rộ lên trào lưu in mã QR lên kẹp tóc để tiện mừng tuổi.
Thùy Linh (21 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) cho biết, những năm qua do có thêm nhiều bạn ở khắp mọi miền đất nước, và mỗi người bạn có những sở thích và những quan điểm nên bạn thường “tùy cơ ứng biến”.
“Mình đã áp dụng gần như tất cả các hình thức mừng tuổi. Nó tùy vào hoàn cảnh và tùy vào người đó là ai mình sẽ mừng tuổi một kiểu khác nhau. Quê mình ở miền Trung nên với các bạn ở hai miền Bắc – Nam, mình sẽ lựa chọn mừng tuổi online bằng hình thức chuyển khoản. Do khoảng cách về địa lý nên các bạn cũng rất vui vẻ với hình thức đó. Còn với những người bạn thích đọc sách, mình cũng từng bọc sách vào một bìa đỏ hoặc chiếc túi đỏ và lấy đó mừng tuổi.
Mình cũng đã in QR kẹp tóc cho chính mình năm nay và cũng mua cả vé số Vietlott để lì xì cho Tết năm nay. Mình thấy hình thức này khá vui vẻ và có thể tạo ra tiếng cười khi tặng cho những người bạn thân thiết. Còn với gia đình, tất nhiên là chúng ta vẫn nên ưu tiên hình thức truyền thống”, Thùy Linh chia sẻ.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt