Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, cứ khoảng đầu tháng Chạp là bà ngoại đã bắt đầu ép chuối. Chuối vườn nhà nhiều và ngọt, vị ngọt tự nhiên không trộn lẫn vào đâu được. Từng trái chuối tròn ngoại đem ép thành từng miếng nhỏ, nhiều miếng chuối phơi san sát dính lại thành những miếng chuối to, tròn như đĩa bàn. Buổi trưa nắng, bà đem những xề chuối ra phơi cho khô để bắt đầu làm món mứt chuối ngào gừng. Đây là món ăn tôi vô cùng thích.
Tết xưa, nhà nào cũng chuẩn bị ép và phơi chuối. Nhà nào ép ít thì phơi trên mái nhà dăm ba cái xề nhỏ, nhà nào ép nhiều để làm bánh mứt làm quà cho con cháu thì phơi cả mấy giàn trước sân. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ đợi những ngày này. Chuối đã khô, đã ráo… chạy ra chạy vào nhìn những miếng chuối vàng ươm, dẻo nhẹo mà thèm. Con nít mà, ăn ngọt là khoái khẩu, không thể gỡ một miếng chuối trên xề rồi chạy nhanh kiếm chỗ nào đó xúm xít chia phần.
Phải nói là những món bánh mứt xưa ăn đến mức ghiền lắm luôn. Coi dân dã, bình thường nhưng cực kỳ công phu. Công phu từ khâu chọn chuối đến khâu làm ra được miếng chuối vàng ươm để chúng tôi tranh phần. Ở quê mà, cây trái vườn nhà thì không thiếu, đặc biệt là chuối. Nhà tôi trồng rất nhiều loại chuối như: chuối già hương, chuối cau, chuối xiêm, chuối sáp nhưng để có làm được món mứt thơm ngon này thì chỉ có thể là chuối xiêm mà thôi. Chuối phải chín bói từ trên cây, vỏ ngoài phải hườm hườm, căng tròn thì chuối mới ngon. Bà ngoại tôi nói với mấy dì như vậy nên trước tháng Chạp là phải thăm vườn thường xuyên, đừng để chín quá bị chim ăn thì uổng lắm, một năm có một cái Tết thôi, khách khứa hay con cháu về chơi có cái mà đãi đằng, món quê vậy chứ quý lắm.
Chuối hái từ trên cây đem về cắt ra từng nải, nâng niu lắm. Ngoại lấy cái thúng giạ lót dưới là bao búa tời xưa để cho nó không bị giập, để từng nải chuối vào rồi phủ lên trên mấy lớp lá chuối nữa cho nó chín tự nhiên. “Canh chuối nghen tụi bây, đừng để chín rục thì không ngon!” – Bà ngoại cứ luôn nhắc, mà đâu biết mỗi khi tôi giở chuối ra thăm thì y như rằng sẽ bị “hao hụt” vài trái.
Để làm được món mứt tuy dân dã này đòi hỏi phải là những người phụ nữ khéo tay. Họ được “học nghề” từ những người bà, người mẹ từ lúc nhỏ, đến lúc lớn khi lấy chồng, nó cũng là món ăn ghi điểm với những bà mẹ chồng khó tính. Dân dã mà cũng lắm công phu. Từng trái chuối được ép độ dày vừa phải, khi ép phải canh sao cho tròn đều. Mẹ tôi phải dùng một nẹp tre khoanh tròn làm khuôn. Mẹ lấy một tấm thớt dày phía dưới, để lên một tấm bọc ni lông sạch, đặt chiếc vòng tre lên, sau cùng cho quả chuối vào vòng tròn. Mẹ lại lấy thêm một tấm bọc ni lông khác để lên trên, sau cùng lấy một tấm thớt đặt lên và ép nhẹ. Từng miếng chuối được mẹ trải đều trên các tấm liếp hay các xề tre rồi đem đi phơi nắng. Canh chuối rồi phải canh nắng. Nắng đẹp từ bảy, tám giờ sáng đem ra phơi, phơi được một nắng rưỡi thì phải trở bề và phơi tiếp một ngày nữa là được. Miếng chuối sẽ ráo hai mặt, có màu vàng ươm hình cánh gián, tươm mật chuối thì lúc xắt sẽ dễ dàng hơn.
Những ngày gần Tết, cái nắng nhẹ quyện vào cái gió se se lạnh làm cho không khí của những ngày giáp năm trở nên thiêng liêng lạ. Mấy anh em xúm xít giúp mẹ gỡ từng miếng chuối để chuẩn bị đi xắt chuối thành sợi.
Những ngày này, các bà, các mẹ, các chị quây quần bên nhau, góc sân hay chái bếp người xắt chuối thành những sợi nhỏ, người xắt gừng, người rang đậu phộng, mè, người canh lửa… Tiếng cười nói dậy ran, không khí Tết trở nên vui tươi và ấm áp hơn.
Món mứt này là sự hòa quyện của nhiều hương vị tự nhiên. Món ăn có ngon hay không phải phụ thuộc vào khâu lựa chọn và chế biến nguyên liệu. Tất cả đều quan trọng như nhau để tạo nên thành quả cuối cùng. Chái bếp đã đỏ lửa, những làn khói cũng bắt đầu uyển chuyển như những vũ công. Khâu đầu tiên là sên đu đủ, gừng xắt sợi, thơm xắt nhỏ với đường mạch nha và đường cát trắng. Canh lửa riu riu sao cho đường trong chảo sền sệt, dùng đầu đũa nhúng vào chảo kéo lên có sợi là được. Tiếp đến là cho chuối đã xắt sợi vào đảo đều. Khâu này cực kỳ quan trọng, không thể gấp gáp vội vàng mà đun lửa to, chảo mứt chuối ngào gừng sẽ hỏng, mất ngon. Nhìn thấy các bà, các mẹ chế biến tới khâu này mới thấy được sự khỏe khoắn, dẻo dai của đôi tay nhỏ nhắn. Ừ, con gái miền Tây là thế, giỏi, đảm đang và khỏe. Lửa trong lò phải riu riu, đảo chừng phút thì nhấc xuống cho mè và đậu phộng rang vào trộn đều.
Những đứa trẻ con cứ xúm xít quanh chảo mứt chuối. Hương vị của gừng, của mè, của đậu phộng rang làm cho mứt chuối ngào gừng thêm đậm đà.
Ăn món mứt này cũng là sự thưởng thức bằng tâm hồn của người nghệ sĩ. Ăn không thể gấp gáp, vội vàng. Thưởng thức nó phải đúng điệu mới thấy được cái ngon và tình cảm của người làm ra nó. Bánh phồng, phải là bánh phồng gạo nếp mới tạo nên một cặp tuyệt hảo. Bánh phồng có thể mới nướng giòn tan hay nướng rồi để ra ngoài phơi sương cho mềm lại. Mỗi cách ăn là một cách cảm nhận hương vị khác nhau. Lấy cái nĩa dít từng mảng chuối ngào cho lên miếng bánh phồng, kẹp lại ăn chung sẽ thấy cái giòn rụm của bánh và ngọt của chuối, cay của gừng, giòn dai của đu đủ, hương vị chua chua của thơm và bùi bùi của đậu phộng, mè rang.
Khách tới thăm viếng, món này là đắt nhất. Mứt ngon ăn kèm bánh phồng, nhâm nhi với tách trà sen thì hương xuân vẫn còn đọng mãi.
Văn hóa – Giải trí | Báo Dân Việt