Sáng nay (3/1), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện những kết quả quan trọng sau 2 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hoá đã được Bộ VHTTDL cùng các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước cụ thể hoá trong hoạt động công tác.
Theo Bộ VHTTDL, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL xác định cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, NSND Xuân Bắc nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu của đời sống thì cũng có nhiều tác động tiêu cực đến văn hoá. Các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam luôn ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá và bảo vệ nền tảng tư tưởng văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hoá con người Việt Nam trong tình hình mới.
“Nhà hát Kịch Việt Nam đã xác định chiến lược hành động trong từng giai đoạn cụ thể, vượt qua những khó khăn để xây dựng Nhà hát phát triển với những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người và nền văn hóa trong thời kỳ mới hiện nay. Để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu của mình, trong thời gian qua, Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng đặc biệt đến đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông.
Nhà hát Kịch Việt Nam đã xây dựng Website, Fanpage, quảng bá vở diễn trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Tiktok… Nhà hát xác định rằng, xây dựng thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam trên mạng xã hội chính là tự định vị và quảng bá bản thân tới mọi người để thu lại tiếng nói và sức ảnh hưởng nhất định. Hiện nay, các vở diễn với những thông tin liên quan như trailer, tìm hiểu thông tin, mua vé, đặt lịch xem… đều được đăng tải, quảng cáo trên webisite, Facebook. Tính đến nay, trang Fanpage của Nhà hát có khoảng 320.000 lượt truy cập, gần 2000 lượt chia sẻ và 8000 phản hồi của khán giả.
Nhà hát hiện nay có khoảng 18000 khán giả thân thiết. Những khán giả này luôn được sự ưu ái và chăm sóc của Nhà hát, vào những dịp sinh nhật, sự kiện quan trọng, những khán giả đó luôn nhận được sự quan tâm và những ưu đãi đặc biệt. Đó cũng là phương thức truyền thông và chăm sóc khách hàng, để khán giả quan tâm và đến Nhà hát thưởng thức nghệ thuật nhiều hơn”.
Bên cạnh đó, Nhà hát Kịch Việt Nam còn phối hợp với các đơn vị như Đài Truyền hình, các Hãng phim… tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ đi làm phim, từ đó góp phần tạo ra những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, đóng góp cho nền nghệ thuật của nước nhà.
Đối với công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới, chúng tôi thực sự thấy được giá trị của việc đi tắt đón đầu trong thông tin. Khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, thông tin được lan truyền theo cấp số nhân, xuất hiện ngày càng nhiều thông tin độc hại, thiếu chính xác cần phải được đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan. Nhất là trong giai đoạn nhiều netizen sẵn sàng bộc lộ quan điểm nhận thức của mình một cách hồ đồ, thiếu kiểm chứng. Thậm chí, có những trang nặc danh cố tình gây hiểu lầm tạo dự luận đánh tráo khái niệm nhằm định hướng và kích động những người thiếu hiểu biết.
NSND Xuân Bắc: Xúc động vì những dòng chữ khán giả lưu lại sau khi xem vở diễn
NSND Xuân Bắc cũng cho biết, công tác số hóa tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Ban Giám đốc đặc biệt chú trọng. Hiện đã tiến hành số hóa các vở diễn, kịch bản, thông tin ê-kíp, phục trang, đạo cụ của Nhà hát với những thông tin, thông số chi tiết và cụ thể. Việc số hóa đã giúp cho công tác tìm kiếm, kiểm tra được tiến hành thuận lợi và dễ dàng.
“Nhà hát Kịch Việt Nam hiện có một kho phục trang đồ sộ và phong phú với các kiểu trang phục của Việt nam và thế giới (số phục trang này có được thông qua các tác phẩm và Nhà hát kịch Việt Nam đã dàn dựng) ngoài công tác lưu giữ để biểu diễn, đây còn là một cơ sở để nghiên cứu đối chiếu trong công việc liên quan đến văn hoá Việt nam và thế giới qua các thời kỳ”, NSND Xuân Bắc nói thêm.
Theo NSND Xuân Bắc, trong những năm qua, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn bám sát theo chức năng nhiệm vụ của mình, các vở diễn không chỉ đa dạng về đề tài, phản ánh chân thực cuộc sống mà còn có cách tiếp cận với khán giả hết sức gần gũi và hiện đại, dễ xem và dễ tiếp nhận. Hầu hết sau các đêm diễn đều có phần giao lưu với khán giả, để họ có cơ hội được bày tỏ, thể hiện cảm xúc của mình sau khi xem vở diễn. Những lời thể hiện cảm xúc chân thực, những tràng cười không ngớt, những giọt nước mắt của khán giả rơi xuống vì xúc động, những dòng chữ của khán giả lưu lại ở Phiếu cảm nhận.
Việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế cũng là một trong những nhiệm vụ mà các thế hệ lãnh đạo của Nhà hát luôn đặc biệt quan tâm và ngày càng phát triển trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm, Nhà hát luôn có những chuyến công tác, biểu diễn, lưu diễn ở các nước trong khu vực và quốc tế như: biểu diễn chính trị tại Lào, Thái Lan; Malaysian, Singapore, biểu diễn phục vụ bà con kiều bào tại Châu Âu, giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc.
Năm 2023, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở “Người đi dép cao su” do nhà văn Algieri Kateb Yacine là tác giả. Vở diễn đã nhận được sự đánh giá cao từ phía Đại sứ quán hai nước, góp phần nâng cao mối quan hệ giữa Việt Nam Algieria. Đặc biệt là trong hai năm 2022, 2023, Nhà hát Kịch Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) phối hợp dàn dựng, biểu diễn tại Việt Nam và Hàn Quốc. Tác phẩm đã được ghi dấu ấn đặc biệt với khán giả, truyền thông hai nước; góp phần thúc đẩy bước phát triển trong quan hệ ngoại giao và văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc.
“Thông qua những chương trình biểu diễn, chúng tôi không chỉ giới thiệu văn hoá đất nước con người Việt Nam mà thông qua đó còn thúc đẩy ngành công nghiệp không khói đó chính là du lịch. Khiến cho các bạn thèm muốn khao khát phải sang Việt Nam, thăm Việt Nam, tìm hiểu về Việt Nam, khám phá về Việt Nam … rồi yêu Việt Nam”, NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.