Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia Tết Vạn Lộc: NSND Minh Hằng, NSƯT Chí Trung, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), nghệ sĩ Chiến Thắng, Bảo Chung, Mr Vượng Râu….
Là người luôn đau đáu với nghệ thuật truyền thống, Tết Vạn Lộc hàng năm, Tổng đạo diễn Nguyễn Công Vượng đều lồng ghép các tiết mục quan họ, chèo, ca trù… vào chương trình.
Với Tết Vạn Lộc 2024 – Tình xuân, 2 tiết mục đầu tiên đều là giới thiệu các làn điệu quan họ. NSND Thuý Hường, nghệ sĩ Thuý Hằng – Trưởng Đoàn nghệ thuật dân gian UNESCO Việt Nam mang tới cho khán giả làn điệu quan họ cổ “Buôn bấc, bán dầu”, “Giữa tối hôm rằm”.
Chọn chủ đề “Tình xuân”, Tổng đạo diễn Nguyễn Công Vượng cho biết: “Đây là chủ đề không mới nhưng năm nào cũng chào đón một mùa xuân – mùa của cây cối đơm chồi, hoa kết trái và mùa của tình yêu. Nhưng, không phải tình yêu nào cũng trọn vẹn. Có những tình yêu tràn ngập hạnh phúc nhưng cũng có nỗi buồn khó gọi thành tên…”.
Vì thế, trong Tết Vạn Lộc – Tình xuân Tổng đạo diễn Nguyễn Công Vượng đã lựa chọn rất nhiều bài hát về mùa xuân. Mở màn là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao) do NSND Thái Bảo thể hiện.
Sau rất nhiều năm buông bút không viết gì, vào mùa xuân thống nhất đầu tiên của dân tộc năm 1976, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc để đời – “Mùa xuân đầu tiên”. Bài hát đã trở thành thành một nhạc phẩm đứng vào top đầu những ca khúc viết về ngày hòa bình thống nhất.
Rất nhiều người đã nghe đi nghe lại bài hát này, lần nghe nào cũng cảm động, cũng dâng lên nỗi bồi hồi pha lẫn xót xa, dù bài hát chỉ nói về niềm vui sum họp, về sự bồi hồi của những đứa con lần đầu nhận biết quê hương mình, lần đầu được bày tỏ tình yêu thương với đồng bào mình, và với mọi con người nói chung.
Đó chính là niềm mơ ước về một mùa xuân vĩnh hằng, một mùa xuân mà dân tộc Việt Nam tìm về với nhau, bỏ qua những trắc trở để có thể yêu thương nhau.
NSƯT Chí Trung, NSND Minh Hằng khiến khán giả vừa cười, vừa khóc
Tiếp sau đó, NSND Thu Hiền và nghệ sĩ Vượng Râu đã có màn song ca “Qua ngõ nhà em” (Vinh Sử) rất tình. NSND Thu Hiền đơn ca “Mắt Huế xưa” (Quốc Dũng).
Ngoài phần âm nhạc, hài kịch là phần không thể thiếu của Tết Vạn Lộc. Năm nay, chương trình có 3 tiểu phẩm: “Tiếp thị cao cấp” (kịch bản Toàn Thắng) do của Mr. Vượng Râu, nghệ sĩ Chiến Thắng, Thanh Tú thể hiện. Với sự thể hiện duyên dáng, 3 nghệ sĩ đã mang tới câu chuyện bị hài của nghề tiếp thị – lợi dụng lòng tin của người dân quê để lừa tiền; “Chuyện cuối năm” (kịch bản Lê Chí Trung) với sự tham gia của các nghệ sĩ Chí Trung, Minh Hằng, Quang Tèo, Hiệp Vịt. Tiểu phẩm nói về nỗi niềm của những ông quan về hưu mong chờ đồng nghiệp, nhân viên cũ đến thăm hỏi; “Bao công kỳ án” do nghệ sĩ Bảo Chung, Tấn Hoàng thể hiện.
Tiểu phẩm “Chuyện cuối năm” do Chí Trung, Minh Hằng, Quang Tèo, Hiệp Vịt mang đến nhiều tiếng cười. Ảnh: BTC
Nhiều người ưu ái Mr Vượng Râu là “vua của bi hài kịch”, tuy nhiên, nam nghệ sĩ nói: “Với tôi, danh xưng gì, ai tôn lên cũng không quan trọng bằng khán giả xem những vở kịch của tôi thấy thấm. Làm hài bông phèng thì dễ nhưng làm hài mà có bi, trong bi có hài mới thực sự khó, thách thức người viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên như tôi. Tôi là gì cũng không quan trọng, chỉ cần gọi tôi là Mr Vượng Râu cũng được rồi”.
Diễn xướng giá văn Cô bé Sóc do tiến sĩ, nghệ sĩ Chu Bảo Quế dàn dựng với sự thể hiện của NSƯT Quỳnh Mai, nghệ sĩ Thu Trang, nghệ nhân ưu tú Trọng Quỳnh, Bảo Chung. Danh ca Trường Vũ cũng góp mặt với nhạc phẩm “Hồi tưởng” (Lê Minh Bằng) và song ca cùng Dương Hồng Loan bài “Đoạn buồn cho tôi”, “Đôi ngả chia ly”.
Một số tiết mục trong chương trình Tết Vạn Lộc
Mr. Vượng Râu, nghệ sĩ Chiến Thắng, Thanh Tú đóng tiểu phẩm “Tiếp thị cao cấp”. Ảnh: BTC