Những Quắm tố mường (Kể chuyện bản mường), Sống chụ son sao (Tiễn dặm người yêu), Păn bản păn mường (Chia bản chia mường), Chàng Lú nàng Ủa được so sánh với Truyện Kiều dưới xuôi. Nhu cầu bảo tồn kho tàng này được giải quyết phần nào cách nay gần đôi chục năm, khi bộ chữ thống nhất ra đời, được số hóa, mỗi địa phương có thể bổ sung đặc thù của mình cho dễ phổ biến. Nhưng cuộc sống hiện đại có thử thách khắc nghiệt, như trường lớp đều dạy tiếng phổ thông, lớn nữa “ê a” tiếng Anh. Một cán bộ xã phát biểu “Công văn về đều tiếng Việt, học “chữ ta” làm gì”.
Trong khi đó, ở xã Mường Sang (Mộc Châu, Sơn La) có những người không nghĩ như vậy. Một giáo viên sư phạm bức xúc: “Người Kinh quý Truyện Kiều thì người Thái coi sách cổ là túi khôn. Đi đâu làm “cán bộ” chứ về bản là làm người Thái rồi, phải biết gốc tích. Có những thứ mình đọc rồi cười khóc một mình chẳng san sẻ cho ai được, sẽ mất đi, tiếc lắm!”. Trải qua nhiều lần vận động, việc biết chữ, tiếng dân tộc được tính như một “ngoại ngữ” khi xét thang bậc công chức, lớp chữ Thái được phép mở. Điều kiện dạy eo hẹp, phải vận động, lo giấy bút… trăm thứ, người học ngày lên nương tối bận việc nhà, đến lớp đã mệt, buồn ngủ. Rất nhiều bài bản khác nhau để duy trì: đến nhà đốc thúc, soạn giáo án phù hợp… Ông Lò Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Lập ngày dạy xa, tối về đi từng nhà vận động đi học. Lớp ông Thắng mở các thứ Bảy, bài vở bám sát tài liệu, bổ sung những điều gần gũi cuộc sống hàng ngày của người học.
Ông Lường Văn Kít ở bản Nà Bó 1 lại có bài bản khác thật độc đáo. Nằm lòng vốn tri thức dân gian, công tác xã lâu năm, đứng lớp lúc có tuổi, ông cặn kẽ, thủ thỉ ra nhiều nguồn gốc. Những khoam chiên lang (câu truyền miệng, thành ngữ) sát thực được đưa vào quen mà thành lạ. “Đường rộng thênh thang không đi, cứ chui rúc bụi rậm” khuyên kẻ nghiện. “Đi không khéo thì vấp gốc cây, làm ăn vụng thì gặp khó” cho người ta chọn cách sống. Vì sao chữ Thái teo tóp, tại bà, mẹ dỗ cháu “quên” nhiều quá, trẻ đến trường mầm non về toàn nói tiếng Kinh. Nghĩ vậy, ông Kít chọn những “đồng dao” dễ hiểu, dí dỏm: “Trăng kia kìa sao kia kìa/ Hai con cua đang vặn dây thừng/ Hai con rồng thò cổ lên/ Hai châu chấu thổi kèn/ Hai dế chũi đưa em đi ngủ/ Hai con thằn lằn ngồi ghế dài uống rượu…”. Rồi những câu “hay mất hồn” trong sử thi Thái…
Tài liệu dạy “chuẩn” đã số hóa của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sơn La có những nội dung phong phú: gia đình, dòng tộc, làng bản, thiên nhiên môi trường, sản xuất thu nhập, phòng chữa bệnh… Nhưng để phổ cập được trong từng thôn bản xa xôi trong thời gian dài, phải kể đến công lao đưa những điều gần gũi với người học vào giảng. Nhờ vậy trước năm 2020, xã Mường Sang có 7 lớp chữ Thái, mỗi lớp từ 25 đến 30 người được duy trì ở 5 bản Nà Bó 1, Nà Bó 2, Là Ngà 1, Bản Lùn, Bản Vặt. Mỗi tuần một buổi, quang cảnh khác xa bên trường lớp phổ thông: trò là học sinh còn đến trường, thanh niên phụ nữ tay dính nhựa cây, người già ham đọc được điều mình hằng biết. Và thầy phải giỏi ứng biến với nhiều tình huống, câu hỏi bất ngờ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mấy năm rồi tiếng rì rầm học, đọc chữ Thái tạm ngưng. Giờ lớp mở lại được thì nhiều người đã chữ thầy trả thầy hoặc bận rộn, già đi, vận động ra học không dễ. Nhưng lại có những động lực mới, như hai khu du lịch Bản Áng, Bản Vặt muốn nhân viên hiểu văn hóa Thái thông qua con chữ. “Các cháu cửa miệng “hê lô”, “gút bai” nhưng khách hỏi “đôi đũa”, “chúc ngon miệng”, “ăn cơm uống rượu” tiếng Thái thì không biết”. Chuyện ông Kít kể khá khôi hài nhưng đăng đắng, cho thấy nỗ lực ngược dòng về nguồn cội rất gian truân.
Cho nên, những lớp chữ Thái trong thôn bản xa xôi như mạch ngầm rì rầm chảy lúc thông lúc tắc, thành quả có khi chỉ là câu Sống chụ son sao đọng lại trong tâm hồn người hiện đại.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Chú thích ảnh: Nghệ nhân – thày giáo chữ Thái Lường Văn Kít