January 22, 2025

Cuộc đời bình dị và “mối duyên tiền kiếp” đáng ngưỡng mộ của đạo diễn Long Vân – “cha đẻ” phim “Biệt động Sài Gòn”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”

  • Cuộc đời đạo diễn Long Vân - đạo diễn của những bộ phim Cách mạng đầy huyền thoại - Ảnh 1.

    Đạo diễn Long Vân qua đời ngày 24/12. Ảnh: TL

    Đạo diễn Long Vân đến với điện ảnh như một cái duyên tiền định

    Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. Năm 14 tuổi, Long Vân được gửi sang học tập tại Trung Quốc cùng GS Nguyễn Lân Dũng, GS Hồ Ngọc Đại. Sau ngày Giải phóng Thủ đô 1954, ông tốt nghiệp trường sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục.

    Do vẫn để tâm đến ngành điện ảnh, nên khi biết Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển lớp đạo diễn và diễn viên khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi. Ông trúng tuyển vào lớp đạo diễn, cùng khóa với những đạo diễn tên tuổi như cố NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành…

    Năm 1962, ông tốt nghiệp và thành diễn viên, tham gia đóng một số vai trong các phim: Kim Đồng; Quê nhà. Sau khi tốt nghiệp, ông mất 15 năm đi làm Phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…

    Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước năm 1979 do nhà văn Phù Thăng làm biên kịch từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moskva. Sau đó là các phim Nơi gặp gỡ của tình yêu  Cho cả ngày mai.

    Bộ phim để đời Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân

    Tuy nhiên, tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn liền với phim Biệt động Sài Gòn, bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985. Bộ phim về lực lượng biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân phát hành năm 1986 đã lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem, gây sốt dư luận và là bệ phóng của loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ. 

    Biệt động Sài Gòn gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông  Trả lại tên cho em. Phim do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản và được Long Vân làm đạo diễn. Bộ phim được bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng 4 năm.

    Cuộc đời đạo diễn Long Vân - đạo diễn của những bộ phim Cách mạng đầy huyền thoại - Ảnh 2.

    Biệt động Sài Gòn – bội phim huyền thoại của đạo diễn Long Vân. Ảnh:

    Đạo diễn Long Vân từng kể ban đầu phim có tên Thiên thần ra trận. Tuy nhiên, ông được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM) góp ý đổi tên thành Biệt động Sài Gòn để “cho đúng với thực tế đã diễn ra, thiên thần làm sao lập được chiến công như những chiến sĩ biệt động”. Nhờ lời góp ý này, ông quyết định đổi tên bộ phim của mình.

    Bộ phim hành động hấp dẫn đã lập kỷ lục về lượng khán giả khi có tới chục triệu lượt người xem vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

    Một kỷ niệm đáng nhớ đối với đạo diễn Long Vân trong bộ phim này, đó là một nhân vật trong phim không có thật ngoài đời và cũng không có trong kịch bản, đó là vai em bé bán báo. Mà người vào vai diễn rất “ngọt” này lại chính là người con gái duy nhất của ông, diễn viên nhí Vân Dung, người đã đóng các phim Người đôi bờ lúc 18 tháng tuổi; rồi Mẹ vắng nhà; Vào đời; Cho cả ngày mai... Ông cho rằng, thêm nhân vật này để nói rằng, trong tổ chức của biệt động Sài Gòn có đủ các tầng lớp.

    Cho đến tận bây giờ, những diễn viên được ông tuyển chọn để vào các vai chính trong phim Biệt động Sài Gòn đều trở thành những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả như NSƯT Thanh Loan với vai ni cô Huyền Trang, NSƯT Quang Thái trong vai Tư Chung, NSƯT Hà Xuyên vai Ngọc Mai, nghệ sĩ Thương Tín trong vai Sáu Tâm…

    Sau Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân lần đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thể hiện trên màn ảnh rộng với bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

    Bộ phim do Thành ủy TP.HCM đặt hàng và ông Vũ Kỳ – thư ký cho Bác Hồ được mời làm cố vấn chính trị cho phim. Phim khởi quay năm 1987, trong điều kiện cực kỳ khó khăn về kinh phí. Mặc dù vậy nhưng đạo diễn Long Vân nhất quyết không thể làm cẩu thả. 

    Cuộc đời đạo diễn Long Vân - đạo diễn của những bộ phim Cách mạng đầy huyền thoại - Ảnh 3.

    Bộ phim Giải phóng Sài Gòn của đạo diễn Long Vân. Ảnh: TL

    Sau này, đạo diễn Long Vân tiếp tục làm các phim Giải phóng Sài Gòn, Tiếng gọi phía trước, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Những người không mang họ…

    Trong đó, Giải phóng Sài Gòn là phim đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hoành tráng nhất trong các phim làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Đó là những đại cảnh khói lửa ngùn ngụt, xe tăng rầm rập băng lên, những chiến binh từ hai phía xốc tới bắn như vãi đạn, sân bay bị pháo kích dữ dội, những ụ súng bị hất tung bởi đạn pháo và trên trời trực thăng gầm rú liên hồi…

    Khoảng năm 2006, ông được đặt hàng làm phim về ngành công an và Những đứa con biệt động Sài Gòn tiếp tục ra đời. Tại Liên hoan phim truyền hình lần thứ 31 tổ chức ở Đà Nẵng, bộ phim này đã được khán giả bình chọn là bộ phim xuất sắc nhất năm 2011 – 2012 do Tạp chí Truyền hình tổ chức.

    Đạo diễn Long Vân có một niềm hạnh phúc vô tận, đó là ông có những thước phim để đời mà mỗi dịp kỷ niệm, những bộ phim về chiến tranh cách mạng của ông lại là những đại diện của nền điện ảnh nước nhà được đưa ra công chiếu. Đạo diễn Long Vân thừa nhận rằng, để có được những thước phim đó, đôi khi ông phải mang cả tiền tiết kiệm ra để dựng phim. Ông yêu và mê say công việc của người đạo diễn đôi khi còn hơn cả… mê vợ!

    Cuộc đời đạo diễn Long Vân - đạo diễn của những bộ phim Cách mạng đầy huyền thoại - Ảnh 4.

    Đạo diễn Long Vân trên trường quay. Ảnh: TL

    Mối tình cặp “trai tài gái sắc” và hạnh phúc cuối đời

    Mối tình đẹp của đạo diễn Long Vân và nghệ sĩ Kim Cương từng được nhiều người biết đến. Bà là một nữ văn công có chất giọng cao vút của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Cương sinh ra và lớn lên tại xứ Đoài. Thời trẻ, bà là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Hà Nam. Năm 1958, trong một lần đi biểu diễn phục vụ cơ sở, nữ nghệ sĩ biết tin đoàn nghệ thuật quân đội tuyển sinh nên đến thẳng nơi tuyển đăng ký và đã trúng tuyển. 

    Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ Kim Cương được điều về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sau đó được phân công vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị phục vụ chiến trường. Sau nhiệm vụ đó, năm 1968, nữ nghệ sĩ được gọi ra Bắc biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Đây cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất của nghệ sĩ Kim Cương trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình.

    Đối với đạo diễn Long Vân, mối tình với người vợ như là mối duyên tiền kiếp. Ngày ấy, tình cờ thấy bà trên đường, ông đã đi theo làm một cái… đuôi si tình, vì bà quá đẹp. Dù thế nhưng ông vẫn câm lặng với mối tình si ấy nhiều năm trời, cho đến một ngày, chàng trai si tình ấy lẽo đẽo theo bà đi bộ từ chỗ sơ tán đến Khu văn công Mai Dịch thì được bà ngỏ lời: “Anh đi đâu cho em đi nhờ về đơn vị với?”. 

    Ông chở bà đến Khu văn công Mai Dịch thì có báo động. Bà chẳng kịp cảm ơn ông, chạy vội xuống hầm trú ẩn. Ông nép vội vào chỗ trú rồi khi bom đạn đi qua, ông vẫn không về, mà đứng chờ bà ở đấy. Bà trở ra, ngạc nhiên với người đàn ông kỳ lạ ấy. Sau này, khi đã nên duyên chồng vợ, họ vẫn kể lại cho bè bạn, cho thế hệ con cháu nghe về mối tình si của người đạo diễn tài hoa.

    Sau tất cả những vinh quang của nghề nghiệp, ông hạnh phúc vì có người vợ yêu thương chăm sóc sức khỏe sớm hôm, có người con gái thành đạt lo cho đời sống tuổi già. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà ông vẫn tự cho rằng cuộc đời đã ưu ái với ông…

    Đạo diễn Long Vân đã qua đời ngày 24/12, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô do tuổi, cao sức yếu.