Ông Bennett Neo nói:
– Bóng đá Việt Nam không thực sự thu hút nhà tài trợ. Giải ngoại hạng Anh có rất nhiều người trên thế giới theo dõi nên doanh nghiệp muốn quảng cáo ở đó. Còn với bóng đá Việt Nam, khi đặt thương hiệu lên áo đấu, bao nhiêu người sẽ thấy nó?
Gần hơn là Nhật Bản, người hâm mộ ở đó có tinh thần rất cao. Họ sẵn sàng mua vật phẩm lưu niệm, ăn uống ở nhà hàng của CLB để ủng hộ vì họ cảm nhận mình là một phần của CLB. Đó là văn hóa. Để làm được vậy phải có thời gian cũng như phải tìm cách làm phù hợp.
* Đó sẽ là thử thách với ông?
– Chắc chắn, bởi CLB ở Việt Nam đều sống bằng tiền của ông bầu. Đúng là cần có ông bầu, nhưng các ông bầu sẽ hỗ trợ được bao nhiêu cho các CLB, đặc biệt là khi ông bầu gặp khó khăn, vì vậy phải giảm phần của ông bầu và đưa thêm nhiều nhà tài trợ vào. Nhưng điều này là không dễ ở Việt Nam.
* Cơ duyên nào khiến ông nhận lời làm phó chủ tịch CLB TP.HCM?
– Tôi có nhiều bạn bè ở Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Trong một dịp chúng tôi gặp nhau, lãnh đạo CLB TP.HCM đề nghị tôi sang giúp đội. Tôi nghĩ một đội bóng cũng giống như một doanh nghiệp và do cũng rất yêu bóng đá nên nhận lời.
Tôi từng là thành viên Ủy ban phát triển kinh doanh của Liên đoàn Bóng đá Singapore trong 9 năm. Tôi cũng từng chơi bóng khi còn trẻ. Vì vậy, mối lương duyên này đến từ việc tôi yêu bóng đá và yêu cả Việt Nam.
Khi nhận lời từ chủ tịch CLB TP.HCM, tôi thấy ông ấy là người thực sự yêu bóng đá và đang cần giúp đỡ. Dù đồng ý nhưng sẽ tôi không làm việc cho CLB toàn thời gian.
* Ông có phải cam kết điều gì khi nhận công việc này?
– Việc lãnh đạo CLB hiểu khi tôi làm việc đã là một cam kết. Ít nhất là trong một năm, tôi phải xem mọi thứ hoạt động thế nào, có đáp ứng được không. Chúng tôi phải họp hằng tuần, nói chuyện về cầu thủ, về đội bóng, về những vấn đề liên quan, về những hỗ trợ cho người hâm mộ… Suy cho cùng là đều cần tiền và chúng tôi phải tìm giải pháp cho việc này.
Chúng tôi đang tìm thêm HLV thể chất, chuyên gia dinh dưỡng để cải thiện thể lực cho cầu thủ. Tôi muốn đánh giá tất cả ở góc độ khoa học thể thao để có sự cải thiện về chuyên môn bên cạnh kỹ năng cầu thủ.
* Ông đã có kế hoạch gì cho CLB TP.HCM?
– Đầu tiên phải có chuẩn mô hình để hoạt động chuyên nghiệp. Cấu trúc một đội bóng cần ban huấn luyện, đội ngũ thăm dò, dinh dưỡng, hậu cần và học viện. Sau đó mới tính đến đội ngũ nhân sự, quản lý, nhà tài trợ, người hâm mộ. Có mô hình hoạt động, CLB mới nghĩ đến thành công trên sân và ngoài sân cỏ. Thành công trên sân là nằm trong tốp đầu V-League hoặc suất dự cúp châu Á. Còn ngoài sân cỏ là CLB phải có nền tảng tài chính tốt.
Khi hoàn thành hai yếu tố trên, CLB sẽ có sự yêu thích từ mọi người. Họ sẽ theo dõi, cổ vũ, mua sắm và luôn ủng hộ đội bóng. Chúng tôi phải đánh giá tình hình thực tế xem đội đang có những gì để lựa chọn làm sao cho phù hợp. Quyết định lúc này là rất quan trọng, vì ngân sách là bài toán khó giải và cần phải được quản lý cẩn thận.
* CLB TP.HCM từng nhiều lần gặp vấn đề tài chính với cầu thủ, ông nghĩ sao?
– Tôi nghĩ vấn đề nằm ở khâu giao tiếp và truyền đạt. CLB cần truyền đạt nhiều hơn với cầu thủ về chuyện này một cách thấu đáo. Chúng tôi sẽ thiết lập chính sách trả lương, thưởng mới để mọi thứ rõ ràng với cầu thủ.
Lãnh đạo CLB từng mắc sai sót khi hứa hẹn mà không kiểm tra dòng tiền, vì vậy khi không trả kịp cho cầu thủ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Chúng tôi thiết lập lại việc này và sẽ kiểm tra tài chính trước khi thông báo đến các cầu thủ để tránh gây mất lòng tin. Bên cạnh đó, CLB sẽ tìm kiếm thêm các nguồn tài chính khác đi cùng nhà tài trợ chính hiện tại. May mắn là đội bóng được sự ủng hộ của UBND TP khi đại diện cho bóng đá thành phố.
* CLB cơ bản sẽ giải quyết được bài toán tài chính?
– Tôi nghĩ lúc này tài chính của đội là đủ. Vì vậy cầu thủ chuyên tâm tập luyện và thi đấu, nhà quản lý cân nhắc chi tiêu, tất cả sẽ phối hợp với nhau.
* CLB có thay đổi gì với ban huấn luyện hay cầu thủ hiện tại?
– HLV Phùng Thanh Phương đang làm việc hiệu quả. Quan trọng là anh ấy biết kết đội thành một khối và phát huy tiềm năng cầu thủ.