Sáng nay (22/12), Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được tổ chức tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên, Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì, điều hành Hội nghị.
Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong đó, đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ).
Trong Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Thời đại 4.0 với quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã khiến ngành công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột kinh tế của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Lĩnh vực này không chỉ góp phần tạo dựng bản sắc dân tộc tại mỗi quốc gia mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, tạo nên hàng loạt giá trị về ngoại giao, du lịch, thương mại… khác.
Theo thống kê của UNESCO, giá trị các sản phẩm của công nghiệp văn hóa được thực hiện trong thương mại toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 1980 – 1991, từ 67 tỉ USD lên 200 tỉ USD. Tại Mỹ, một trong những mũi nhọn xuất khẩu chính là ngành vui chơi, giải trí. Chỉ tính riêng doanh thu của kinh đô điện ảnh Holywood năm 1997 đã lên tới 30 tỉ USD. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, sau hơn 2 thập kỷ tập trung phát triển, doanh thu từ công nghiệp văn hóa đã đóng góp cho nền kinh tế nước này khoảng 120 tỷ USD/năm, chiếm 2,6% thị phần toàn cầu.
Nắm bắt xu thế phát triển, ngày 08/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa bền vững, lâu dài, đóng góp vào sự thay đổi của đất nước. Sau 7 năm, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện.
Các lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa đều đang tăng trưởng mạnh mẽ
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Trong số đó, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa.
Lĩnh vực du lịch ghi nhận những khởi sắc sau thời gian dài gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đến năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng…
Cách ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018-2022. Riêng trong năm 2022, có tới khoảng 27.120 lao động đang làm việc trong lĩnh vực này; các chỉ số tăng đều qua các năm và chịu ít sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Năm 2021-2022, cả nước có 2.669 họa sĩ, nhà điêu khắc và 2.456 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh khá lớn, trở thành là lượng quan trọng góp phần tạo ra các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo.
Những lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, thủ công mỹ nghệ… cũng cho thấy sự khởi sắc trong những năm trở lại đây, khẳng định Nhà nước ta đang đi đúng hướng. Trong số đó, nổi bật là doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam đạt 12,7%, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện
Nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, trong giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành đã phối hợp triển khai xây dựng, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Ngày 12/11/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ-TTg); Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021); Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Ngay sau đó, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Việc hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược này cũng được đẩy mạnh. Có thể thấy, hai năm vừa qua, khái niệm “công nghiệp văn hóa” đã không còn xa lạ trong cộng đồng. Điều này hoàn toàn khác biệt với giai đoạn trước năm 2016, khi không nhiều người biết tới hoặc hoàn toàn thờ ơ với cụm từ này.
Hành lang pháp lý trong các lĩnh vực cũng ngày càng được hoàn thiện, điển hình là điện ảnh với Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xã xây dựng được khung dữ liệu cơ bản về các di tích văn hóa – lịch sử; các nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim và các bảo tàng. Đây là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về du lịch văn hóa trên toàn quốc. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp đã linh hoạt ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong khu vực và trên thế giới, đạt tiêu chuẩn và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu.
Hàng loạt tín hiệu tích cực trong những năm vừa qua cho thấy triển vọng rộng mở của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển liên tục của khoa học – công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của ngành công nghiệp non trẻ này càng trở nên rõ nét. Thế nhưng, làm sao để ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn là bài toán khó và cần được giải đáp bởi sự nỗ lực của toàn xã hội.