Anh Hùng này, trở thành chồng của một ca sĩ đẹp, nổi tiếng, lại có nhiều người hâm mộ, hẳn lúc đầu ít nhiều cũng có áp lực chứ nhỉ? Đã 3 năm từ ngày anh và diva Thanh Lam yêu thương và gắn kết, cuộc sống của anh đã bị “đảo lộn” như thế nào?
– Chuyện tình của tôi vẫn gắn bó như vậy, công việc thì có vẻ bận rộn hơn từ sau khi yêu Thanh Lam. Thế nhưng cuộc đời càng bận càng được va chạm, càng được thử thách nhiều thì cuộc sống càng ý nghĩa.
Yêu Lam, cuộc sống của tôi nhiều màu sắc hơn. Trước đây tôi nghĩ mình chỉ có thể gặp được người như thế ở trong mơ thôi. Sau khi bên nhau, tôi mới nhận ra những thị phi xung quanh cô ấy đa phần không đúng. Bởi vậy, tôi càng thêm yêu người phụ nữ này.
Tất nhiên là tôi cũng biết anh là một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực nhãn khoa. Nhưng có vẻ như anh nổi tiếng, được nhiều người biết đến hơn khi là chồng của ca sĩ Thanh Lam. Cuộc sống nổi tiếng của một bác sĩ khác với sự “nổi tiếng” khi là chồng một ca sĩ nổi tiếng thì thế nào?
– Lúc đầu tôi cũng hơi lo, lý do là tôi sợ khi bệnh nhân của mình nghĩ tôi nhảy sang lĩnh vực showbiz rồi, chẳng để ý gì tới chuyên môn và họ nữa.
Tôi tối kỵ nhất là mải chuyện cá nhân mà lơ là công việc. Thế nhưng từ lúc bên nhau, Thanh Lam hỗ trợ tôi rất nhiều trong nghề. Dù bận rộn, cô ấy cũng luôn đồng hành trong những dự án từ thiện mà tôi tâm huyết. Ở phía ngược lại, đôi khi Lam phải đi diễn xa, tôi sẽ cố gác lại công việc để đi cùng cô ấy một ngày.
Nhiều người hay nghĩ ông Hùng này chắc sướng, ban ngày đi làm, tối về đi nghe hát. Thế nhưng không phải vậy. Khi nào tôi bận rộn, Thanh Lam đều tự sắp xếp mọi thứ. Ở tuổi này, hai chúng tôi đủ sự chững chạc và thông cảm cho nhau, tôn trọng nghề nghiệp của nhau để không làm mọi thứ trở nên phức tạp và chồng chéo.
Sau khi bên Thanh Lam, anh có vẻ chuyển việc rất nhiều, dù đang ở những vị trí rất tốt – anh chuyển từ Bệnh viện Nhật Bản sang Bệnh viện Thiên Thanh rồi lại qua chỗ làm hiện tại. Vì sao vậy?
– Những thay đổi đó là nhu cầu tự thân của tôi, do tôi luôn mong muốn mình tốt lên ở môi trường phù hợp với mình, không liên quan gì tới cô ấy.
Ở Bệnh viện Nhật Bản, tôi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng, tuy vậy cuối cùng mọi thứ chưa khiến tôi thỏa mãn. Trong đợt dịch Covid-19, tôi quyết định hợp tác với một doanh nhân để mở ra một bệnh viện mắt mới, tuy nhiên tư tưởng của cả hai sau một thời gian lại bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. Họ là người không làm ngành Y, tư duy về lợi nhuận rất khác biệt, điều đó khiến tôi ngộp thở dù thu nhập tốt.
Ở độ tuổi 60, tôi thay đổi không phải là để giàu có mà là để công việc của mình tốt hơn. Nghề bác sĩ cũng hơi đặc biệt, bên cạnh y đức, tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y cần phải được quan tâm. Do toàn tâm toàn ý với công việc, tôi lại có sự tự trọng rất cao, nếu hợp tác với nhau mà không được tôn trọng, tôi sẵn sàng từ bỏ, bởi chắc chắn đấy là sự không phù hợp, chứ không phải vấn đề tiền bạc. Vì vậy, tôi chuyển nhiều nơi không phải “bị đuổi” mà là bởi muốn tìm cho mình một nơi phù hợp – nơi tôi có thể cống hiến mà không cần suy nghĩ nhiều tới những thứ khác.
Việc thay đổi môi trường công việc thường xuyên có phải cũng liên quan nhiều tới tính cách của anh không, bởi có thể thấy anh có cá tính mạnh, rất thẳng thắn?
– Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy. Nhiều người có thể chấp nhận những thứ trái ngược với con người mình để mong cầu sự ổn định, tôi thì không như vậy. Tuy nhiên, sự thay đổi của tôi mỗi ngày đều khiến cuộc sống và công việc của tôi tốt dần lên. Cũng bởi thế tôi không ngại ngần gì chuyện thay đổi cả.
Anh là người đầu tiên tại Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận giải thưởng “Phẫu thuật viên hàng đầu về phakic ICL”. Hành trình tới với vinh quang này như thế nào?
– Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, sau đó được đào tạo trở thành một bác sĩ quân y trong quân đội (1979-1985). Vừa ra trường, tôi đã là Đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, thuộc chuyên khoa ngoại. Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, tôi chuyển ra ngoài, rồi bắt đầu cơ duyên trở thành bác sĩ mắt.
Nhân duyên đã khiến tôi gặp Tadashi Hattori – một vị bác sĩ người Nhật. Tôi theo ông ấy đi mổ, đi làm từ thiện, dần vững tay nghề và được bệnh nhân tín nhiệm.
Thời gian học có ảnh hưởng nhiều đến tính cách của anh ở thời điểm hiện tại?
– Môi trường quân đội dạy cho tôi rất nhiều thứ. Thứ nhất là tính kỷ luật – thứ vô cùng cần thiết trong lĩnh vực y khoa. Thứ hai là sự kỹ tính, cẩn trọng trong công việc, nhờ thế có thể tồn tại lâu dài với nghề của mình, được mọi người ghi nhận và tôn trọng.
Công việc của người bác sĩ khiến tôi dần nhận ra sự khác biệt giữa người tốt và người tử tế. Người tốt có thể cả nể, việc gì cũng nhận. Người tử tế thì khác, họ biết từ chối, không ảo tưởng về cái giỏi của mình. Làm nghề này, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Nếu anh quyết định sai, kể cả anh và bệnh nhân đều có thể phải chịu hậu quả.
Suốt hơn 30 năm làm nghề và sau đó gắn bó với phương pháp phẫu thuật Phakic, anh có từng khi nào gặp sai lầm như vậy?
– Tôi chưa bao giờ thất bại, nhưng cũng từng có phen hú vía. Đó là giai đoạn tôi mới bắt tay vào làm, những ca mổ đầu thì thuận lợi, nhưng tới ca mổ thứ ba mấy tôi không nhớ rõ, bệnh nhân bất ngờ xuất hiện chứng tăng nhãn áp, lên cơn nôn mửa. Khi họ gọi cho tôi phản ánh, tôi rất hoang mang, cũng tự hỏi mình có nên bỏ cuộc.
Thế nhưng sau đó, tôi bình tĩnh lại, tìm ra giải pháp. Chính kết quả khả quan của bệnh nhân đó về sau đó khiến tôi tiếp tục con đường của mình. Cũng từ đó tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong nghề, việc mổ xẻ, đo đạc phải vô cùng chính xác.
Sự nổi tiếng và được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực nhãn khoa chắc hẳn đem lại cho anh một cuộc sống dễ dàng và sự thành công nhất định?
– Tại bệnh viện tư nhân, mọi chi phí đều rõ ràng và dựa trên sự đồng thuận từ hai phía: bệnh nhân và bệnh viện. Điều này hoàn toàn khác so với nhiều bệnh viện công, cũng là điều khiến tôi thấy thoải mái và dễ chịu.
Trước đây, tôi từng đảm nhiệm vị trí trưởng khoa của một bệnh viện danh giá. Tôi cũng từng nhận phong bì, nhưng “ghét cay ghét đắng” điều này và luôn thấy nó rất nhập nhèm, không chính danh ngôn thuận. Tôi càng chán nản hơn khi mỗi lần đưa người nhà đi khám bệnh, mình lại phải dùng phong bì để “trò chuyện” với những bác sĩ khác. Lúc tôi chuyển đi, nhiều người bảo tôi: “Sao ông Hùng dại thế, vị trí ấy nhiều người muốn mà còn không được”. Tôi thì khác, cái gì tôi cũng thích rõ ràng và hiệu quả.
Quay lại câu chuyện tình yêu, có khi nào trong chuyện tình cảm, anh cũng dễ dàng thay đổi như trong công việc?
– Hai chuyện này không liên quan tới nhau, dù tôi không phủ nhận mình từng trải qua nhiều mối tình, từ 6x tới 9x đều có cả. Những năm độc thân, tôi luôn có người bên cạnh, chỉ là không dẫn về nhà. Tôi cũng có thể từng được gọi là đa tình, nhưng ở tuổi này, mọi thứ đã không còn như vậy nữa.
Nếu như ở chúng tôi gặp nhau sớm hơn, khi tôi 35, Lam 28 chẳng hạn, cả hai chắc hẳn rất dễ bỏ nhau, rất khó để vượt qua nhiều rào cản. Hai chúng tôi cũng đều có sự thu hút, dễ nảy sinh tình trạng “đứng núi nọ trông núi kia”. Thế nhưng, ở giai đoạn này, chúng tôi sống với nhau, cộng hưởng cho nhau, vun vén cho nhau để tạo nên hạnh phúc.
Tôi nhớ là anh từng nói: “Thú thực là lúc đầu, tôi đến với Thanh Lam chủ yếu là vì tò mò về một người nổi tiếng, thậm chí cả… điều tiếng, và phải nói là không hẳn nghiêm túc”. Vậy chính xác thì điều gì ở Thanh Lam lúc ấy đã làm thay đổi suy nghĩ trong anh?
– Trước đây, tôi nghĩ mình sẽ không gắn bó lâu dài với cô ấy nên mới nói chuyện không nghiêm túc như thế. Thế nhưng, sau những lần “bày binh bố trận” mãi mới rủ Thanh Lam được đi chơi, càng tiếp xúc tôi lại càng thấy con người cô ấy thú vị, không giống với những gì người ta đồn thổi.
Thứ nhất là Thanh Lam rất thẳng, rất thật và không có tính nói dối. Điều này vô cùng quan trọng với hai người muốn gắn bó lâu dài với nhau, bởi những thứ giả dối thì thường sớm lộ. Thứ hai là cô ấy chẳng ngại ngần gì khi kể hết với tôi những câu chuyện quá khứ, trong đó có những quá khứ tôi nghe mà buốt hết cả ruột. Tôi từ thích rồi chuyển sang yêu, thế rồi vừa yêu vừa thương như hiện tại.
Lúc mới yêu, Thanh Lam từng chia sẻ: “Yêu anh Hùng tôi đã nhiều lần rơi nước mắt”. Chắc hẳn, thời gian đầu, hai người cũng có sự va chạm về lối sống, tính cách?
– Tất nhiên là cũng có, đôi khi tôi hiểu sai Thanh Lam và Thanh Lam cũng vậy. Ví dụ lúc mới quen, tôi thấy rất lạ khi có những ngày Thanh Lam đi tập, đi quay đến tận 1 giờ đêm, sau này tôi dần nhận ra đó là đặc thù công việc. Công việc của tôi cũng vậy, nhiều khi tôi không thể dành nhiều thời gian cho cô ấy, cô ấy cũng có phần tủi thân và buồn bã.
Thanh Lam thuộc diện nghệ sĩ “quý tộc”, cô ấy chơi với những người bạn tử tế, tài giỏi thực sự và Lam đã học ở họ rất nhiều, cuộc sống cũng hơi khác với cuộc sống giản dị, bình dân của tôi. Bình dân ở đây là tôi luôn cần có một bữa cơm gia đình, cứ 10h là đi ngủ, Lam thì ngược lại. Sống một mình từ lâu, cuộc sống của cô ấy có phần hơi phóng khoáng một chút (phóng khoáng ở đây không có nghĩa là hư hỏng). Dần dà, khi ở bên tôi, Lam cảm động vì tôi kéo cô ấy lại những ấm áp đời đường của cuộc sống gia đình. Lam nhận ra đây mới là thứ cô ấy cần ở thời điểm hiện tại.
Thú thực, tôi ít tin vào sự bền vững trong tình yêu của các nghệ sĩ lắm! Bởi họ có quá nhiều cảm xúc. Và sự quyết định gắn bó về “chung một nhà” với Thanh Lam, có lúc nào anh thấy băn khoăn về điều ấy không?
– Tôi không lăn tăn gì cả. Đúc kết lại thì sự tan rã của các cặp vợ chồng hay cặp đôi thường do hai nguyên nhân chính: Kinh tế hoặc sự không chung thủy trong tình cảm. Chúng tôi thì không cần phải lo về những thứ đó.
Về kinh tế, cả hai đều đã vững vàng. Về sự chung thủy, tôi hoàn toàn tin ở Thanh Lam và tôi nghĩ Lam cũng nhìn thấy ở tôi điều đó. Khi quyết định gắn bó, không ít người nói với tôi những lời đồn này kia. Tôi thì nghĩ mỗi người đều có một quá khứ, cái gì đã qua mình cứ để nó qua. Giờ đây cô ấy đã có nhiều chín chắn và trải nghiệm, đủ để nhường nhịn và thấu hiểu người bên cạnh.
Chúng tôi đến với nhau đơn thuần bởi sự hòa hợp. Mỗi ngày, tình cảm ấy lại được vun đắp nhiều hơn.
Thanh Lam từng có nhiều trắc trở, trải qua nhiều bão dông trong cuộc sống riêng. Từ phía anh, anh thấy Thanh Lam thay đổi thế nào từ khi bên anh?
– Tôi nhớ Thanh Lam từng nói với tôi: “Nghệ sĩ để làm được một show rất khó, cần nhờ rất nhiều mạnh thường quân ủng hộ. Từ khi công khai yêu anh, em chẳng còn có ai làm điều đó nữa”. Nhìn về mặt tích cực, có lẽ người ta nghĩ tôi có đủ điều kiện lo cho cô ấy rồi, mặt tiêu cực cũng có thể họ cho rằng Lam có tôi và tôi có cô ấy rồi, còn “đụng” vào làm gì nữa. Thế đấy, Lam cũng có cái thiệt thòi khi công khai tình cảm. Thế nhưng hiện tại, cái được lớn nhất mà ai cũng có thể thấy là công chúng yêu mến Lam hơn, cô ấy có nhiều show và hình ảnh tốt hơn hẳn trước đó.
Ngày xưa Thanh Lam hát có phần mạnh mẽ, dữ dằn, nhiều người hiểu được nhưng không ít khán giả lại công kích, dèm pha. Tôi bảo Lam: Trong đời có 3 việc mình nên phân biệt rõ. Thứ nhất là việc của trời, trời nóng quá đừng kêu, lạnh quá cũng chẳng kêu làm gì. Thứ hai là việc của đời, người đời bảo Lam hát dở thì kệ họ, cần gì phải suy nghĩ. Thứ 3 là việc của mình, mình cứ sống với mình thôi.
3 năm gần đây, Lam ít thị phi, ít vạ miệng và ai để ý thì cũng sẽ thấy cách hát của Lam cũng khác. Cô ấy mềm mại và dịu dàng hơn rất nhiều.
Theo cách anh chia sẻ, tôi thấy anh là người sống đơn giản. Nhưng Thanh Lam lại có lối sống khá cầu kỳ, từ cách ăn mặc, cho đến cách nấu ăn… Nghe nói, từ khi yêu anh, “tay nghề” nấu ăn của Thanh Lam giảm sút đáng kể?
– Đúng thế. Lam nổi tiếng vì nấu ăn ngon, thế nhưng hiện tại khả năng cô ấy không còn như trước vì chồng sống quá đơn giản. Lúc đầu, Lam cũng buồn khi bày biện hàng loạt món phức tạp tại nhà, đến khi về tôi lại nói thẳng là tôi không thích. “Em cứ cho anh bát cơm với ít cá kho là được”. Dần dần Lam chán, cũng không còn ham bày vẽ nữa.
Thật ra quan điểm của tôi có lẽ hơi khác mọi người. Tôi cho rằng việc ăn ngon không quan trọng. Quan trọng hơn là ăn đúng, đủ và đảm bảo cho sức khỏe.
Là một người cũng khá nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, anh có khi nào cảm thấy khó khăn khi đôi lúc phải “lùi sau” trước sự nổi tiếng và tỏa sáng rực rỡ của Thanh Lam?
– Mọi người cứ hay nói tôi nổi tiếng nhưng tôi hay từ chối điều này. Lý do là bởi tôi nghĩ mình làm nghề, mình làm càng nhiều thì uy tín, tiếng tăm của mình càng lan rộng, điều này không có gì kỳ lạ cả. Còn khi làm chồng của một người đã quá thành danh, có thể một số người đàn ông sẽ nghĩ họ bị hèn đi, lòng tự trọng suy giảm. Tôi thì không bao giờ mang trong mình suy nghĩ đó.
Tôi không nghĩ mình lép vế mà khâm phục và trân trọng tài năng của vợ mình về mọi khía cạnh, cách cô ấy tập bài, cách xử lý trên sân khấu, cách giao lưu với khán giả… Chúng tôi ở hai lĩnh vực khác nhau, “nước sông không phạm nước giếng”. Tuy độc lập và cùng giỏi trong nghề của mình, chúng tôi vẫn luôn âm thầm hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghĩ đó cũng là giá trị đẹp đẽ mà tình yêu mang lại.
Thanh Lam từng nói, thứ khiến tâm hồn anh và cô ấy gặp gỡ là bởi anh cũng dành nhiều tình yêu cho âm nhạc, nghệ thuật. Khi gặp Thanh Lam, tình yêu ấy đã phát triển trong anh như thế nào?
– Tôi vẫn thường góp ý với Lam như một khán giả trung thành và Lam cũng có nghe tôi. Điển hình như việc tôi cho Lam nghe những ca khúc mới, nhạc trẻ. Ban đầu cô ấy xị mặt ra, bảo tôi: “Anh nghe cái gì đấy?”. Sau dần, cô ấy dần thấy cũng hay ho, thú vị và có những chương trình hợp tác với họ. Tôi tự hào bởi chính mình đã tiêm nhiễm cho Lam những điều mới mẻ đó.
Anh có đặt ra cho mình một giá trị nào trong hôn nhân?
– Câu này thật ra quá lớn, với riêng tôi thì mọi thứ nên đơn giản. Sống chung với nhau cần sự hòa hợp. Sự hòa hợp ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh, có thể là tâm hồn, tình cảm, quan điểm sống, hay cả chuyện phòng the… Sự hòa hợp đó khiến các cặp đôi gắn bó.
Nếu được chọn một từ để nói về hôn nhân hiện tại giữa bác sĩ Bùi Tiến Hùng và diva Thanh Lam, anh sẽ chọn từ nào?
– Đó chắc chắn là bình yên.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!