Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa X vào sáng 6-12, UBND TP.HCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa. Điều này khiến thể thao thành phố kỳ vọng vào sự đột phá.
Trong 41 dự án được UBND TP.HCM lựa chọn, lĩnh vực thể thao chiếm đến 18 dự án. Trong đó có nhiều dự án đầu tư đúng vào những cơ sở vật chất thể thao mà TP.HCM đang yếu và thiếu hàng chục năm qua.
Thể thao được quan tâm lớn
Không chỉ có nhiều dự án nhất, thể thao còn có đến 7 dự án có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, lớn nhất là dự án xây dựng mới sân vận động chính có mái che (sức chứa 50.000 chỗ), có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức với mức đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng.
Kế đến là dự án nhà đua xe đạp lòng chảo (khán đài 5.000 chỗ) tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời tại TP Thủ Đức có mức đầu tư 4.000 tỉ đồng.
Dự án xây dựng mới nhà thi đấu TDTT tổng hợp có mức đầu tư 3.000 tỉ đồng gồm một sân thi đấu chính (khán đài 10.000 chỗ) và hai sân thi đấu phụ kết hợp khởi động (khán đài 1.000 chỗ) có diện tích 3,63ha tại TP Thủ Đức.
Đó còn là 4 dự án nghìn tỉ như dự án sân thi đấu trong nhà (khán đài 10.000 chỗ) các bộ môn điền kinh như ném lao, tạ xích, ném đĩa, nhảy cao, nhảy sào có mức đầu tư 1.500 tỉ đồng.
Dự án nhà thi đấu quần vợt (khán đài 5.000 chỗ) và cụm sân quần vợt ngoài trời có mức đầu tư 1.000 tỉ đồng. Dự án cụm hồ bơi thi đấu và tập luyện có mức đầu tư 1.000 tỉ đồng.
Dự án xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời có mức đầu tư 1.000 tỉ đồng. Nhà thi đấu futsal (khán đài 3.000 chỗ) có mức đầu tư 800 tỉ đồng.
Đặc biệt là dự án trung tâm y học và phục hồi sức khỏe nhằm hỗ trợ kịp thời sức khỏe cho người dân và VĐV tham gia tập luyện, thi đấu thể thao có mức đầu tư 500 tỉ đồng.
Kỳ vọng xen lẫn âu lo
Bao năm qua, sân Thống Nhất xuống cấp và sức chứa quá nhỏ (gần 14.400 chỗ sau khi lắp ghế ngồi). Vì vậy, các trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam hiếm khi được đưa về TP.HCM để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ thành phố.
Sân Thống Nhất hiện tại chuẩn bị cải tạo khán đài B, nâng sức chứa lên khoảng 19.000 chỗ ngồi. Nhưng điều kiện cơ sở vật chất lẫn sức chứa hạn chế của sân Thống Nhất vẫn là điều cản ngại bóng đá TP.HCM cất cánh. Chưa kể, đường chạy điền kinh xuống cấp tại đây cũng là một hạn chế khác.
Vì thế, dự án xây mới sân vận động chính có sức chứa 50.000 chỗ, có bố trí đường chạy điền kinh tại TP Thủ Đức với diện tích gần 11ha được kỳ vọng rất nhiều.
Bởi sân mới hiện đại không chỉ nhằm tổ chức thi đấu điền kinh, giải bóng đá lớn của thành phố, trong nước và quốc tế mà còn là chất xúc tác để bóng đá nói riêng và thể thao TP.HCM nói chung có thể tạo bước đột phá qua hàng loạt dự án xây mới khác.
Dự án xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời có diện tích 8,27ha tại TP Thủ Đức giúp bóng đá thành phố hy vọng có thể tìm lại thời hoàng kim qua việc đào tạo VĐV trẻ, năng khiếu TDTT cho bóng đá thành phố.
Nói vậy bởi sân bãi cho các VĐV trẻ các tuyến năng khiếu tập luyện là vấn đề đau đầu của bóng đá thành phố khi phải thay nhau tập tại hai cụm sân ở Phú Thọ, đồng thời trời mưa ngập nước rất khó tập.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương, người gắn bó rất nhiều với bóng đá học đường của TP.HCM, đón nhận thông tin TP.HCM đầu tư lớn cho thể thao với sự hào hứng: “Một trong những điểm nghẽn đầu tiên để phát triển thể thao của TP.HCM là nguồn lực cơ sở vật chất. Vì thế, nếu trong thời gian tới, TP.HCM có thể đầu tư cho cơ sở vật chất là tín hiệu mừng để giúp thể thao thành phố phát triển”.
Tập trung cơ sở vật chất thể thao cho TP Thủ Đức
Trong số 18 dự án thể thao mà UBND TP.HCM đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có đến 16 dự án đặt tại TP Thủ Đức.
Hai dự án thể thao còn lại nằm ở quận 11 (xây mới khu tập luyện và thi đấu thể thao ngoài trời, mức đầu tư hơn 465 tỉ đồng) và quận Bình Tân (xây dựng hồ bơi Trung tâm văn hóa – TDTT quận Bình Tân, mức đầu tư hơn 199 tỉ đồng).