Trong tập 4 Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, 30 nghệ sĩ cùng nhau bước vào nhà chung. Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ có cơ hội tâm sự với nhau về những câu chuyện chưa từng được tiết lộ về bản thân trước kia. Trong đó, hai “chị đẹp” Lưu Hương Giang và Vân Hugo đã chia sẻ lại quá khứ từng bị bạo lực học đường.
Đầu tiên, Lưu Hương Giang kể lại chuyện mình từng bị bạo lực học đường vào khoảng thời gian học tiểu học, mỗi lần đến trường lại có một nhóm chặn đường đe dọa: “Nghĩ đến ký ức trường học, mọi người sẽ cảm thấy rất vui nhưng tôi thì không. Tôi bị ám ảnh về những ngày đi học đó”.
Khi được hỏi tại sao không mách người lớn, nữ nghệ sĩ cho biết cô đã kể nhưng người lớn không quá quan tâm, chỉ nói qua loa cho xong chuyện: “Ui trẻ con, có gì đâu”, “Chỉ là kiểu các bạn trêu nhau thôi”…
Đến thời điểm hiện tại, vết thương tâm lý đó vẫn mãi ám ảnh nữ ca sĩ, cô sợ hãi khi xem những cảnh bắt nạt trong các bộ phim truyền hình mặc dù có nội dung, thông điệp nhân văn. Đặc biệt là trong bộ phim Reply 1988 có những phân cảnh mà nhân vật trong phim bị bắt nạt khiến cô ám ảnh và nhớ lại ký ức mà bản thân đã trải qua.
Lưu Hương Giang chia sẻ từng bị bạo lực học đường trong tập 4 Chị đẹp đạp gió rẽ sóng
Đồng cảm với Lưu Hương Giang, Vân Hugo chia sẻ bản thân cũng từng trải qua chuyện bạo lực học đường. Nữ MC từng bị doạ đánh, bị nhốt rồi treo ngược khăn quàng đỏ trong nhà vệ sinh bởi một nhóm bạn. Nữ MC tiết lộ mình từng bị bạo lực đến hết những năm tháng cấp 3.
“Mẹ nói với tôi một điều, nếu con không tự bảo vệ mình thì không ai bảo vệ được con hết”, nữ MC nói.
Sau cùng, Vân Hugo đã tự vượt qua những câu chuyện tiêu cực và trở nên mạnh mẽ để không bị ai bắt nạt.
Vân Hugo cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường
Cần làm gì khi bị bạo lực học đường?
Bắt nạt học đường từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối của xã hội. “Đối tượng” của bạo lực học đường có thể là bất kỳ ai. Vậy nên để tình trạng trên không quá trầm trọng, ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh cần trang bị cho con một bộ kỹ năng để đối mặt với bạo lực học đường.
Cách tốt nhất mà phụ huynh có thể làm là giúp trẻ tự tin hơn và tăng khả năng độc lập. Ngoài ra, trẻ cũng cần được hướng dẫn khi nào nên hành động và lên tiếng vì bản thân. Đơn giản nhất, cha mẹ hãy giúp con trẻ ghi nhớ những câu “đáp trả” hay giọng điệu hòa hoãn khi đối mặt với nguy hiểm chẳng hạn: “Chuyện này không tốt chút nào cả”, “Hãy để mình yên”, “Mình sẽ nói chuyện với thầy cô về sự việc này nếu các bạn làm tới”….
Cha mẹ cũng nên dạy con tránh xa nhóm bạn xấu, chơi cùng với những nhóm bạn tốt, cùng nhau cố gắng trong học tập và luôn nghĩ tích cực. Đặc biệt là luôn tự tin và có cái nhìn tích cực về bản thân.
Ảnh minh họa
Đó là những kỹ năng cha mẹ cần trang bị, nhưng đôi khi dù trẻ không làm gì, có thể đối tượng xấu vẫn trêu chọc, thậm chí là bạo lực. Khi thấy con có dấu hiệu là nạn nhân của bạo lực, cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn, chân thành với con như: “Chuyện gì đã xảy ra ở trường?, “Ai là người có mâu thuẫn, cố tình làm đau con?”… Lưu ý một điều là cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc, khuyến khích trẻ mở lòng hơn khi tâm sự về những chuyện đã diễn ra.
Tốt nhất là phụ huynh không nên tự giải quyết riêng với kẻ bắt nạt mà hãy qua người trung gian như giáo viên chủ nhiệm, người cố vấn tâm lý học đường… Nếu thấy tình trạng trên vẫn tái diễn, cha mẹ cần tìm đến cơ quan khác ngoài trường học, như văn phòng luật sư…
Cha mẹ cũng nên tạo thói quen trò chuyện với con hằng ngày như trước khi đi ngủ. Cha mẹ cố gắng khơi gợi những điểm tích cực trong ngày, tính cách tốt của trẻ. Nhờ đó, để trẻ biết rằng luôn có người yêu mến, quan tâm đến con.
Trong trường hợp trẻ tâm sự với cha mẹ về việc con hoặc bạn bè bị bắt nạt tại trường lớp, phụ huynh cần thấu cảm, chứ đừng gạt qua một bên hoặc để con tự giải quyết. Cha mẹ nên trò chuyện với trẻ để hiểu rõ hơn về vụ việc, thu thập thông tin cần thiết. Ngoài ra, bản thân phụ huynh cũng cần cố gắng kiểm soát cảm xúc, không nên quá nóng nảy và giận dữ.