Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03), đề nghị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.
Vụ án này, C03 đề nghị truy tố 86 bị can. Trong đó, có 45 người là cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB bị đề nghị truy tố về tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận điều tra nêu, trước năm 2011, bà Trương Mỹ Lan sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa. Để thực hiện sáp nhập hai nhà băng này với Ngân hàng Đệ Nhất, bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần thì cuộc họp hợp nhất 3 ngân hàng các cổ đông khác không thể phản đối.
Sau đó, bà Lan cho người thân, quen đứng tên mua 80-98% cổ phần của ba ngân hàng. Tháng 1/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng này.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một cá nhân không được sở hữu quá 5% của một ngân hàng. Để “lách” quy định này, bà Lan chỉ đứng tên sở hữu gần 5% cổ phần, còn lại đều nhờ người khác đứng tên.
Sau khi hợp nhất, bà Lan cho Tạ Chiêu Trung làm Tổng Giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú, là công ty nắm giữ hơn 12% cổ phần ngân hàng SCB, đồng thời cho Trung làm thành viên HĐQT ngân hàng.
Với tư cách thành viên HĐQT, Trung được bà Lan giao nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông; đảm bảo việc nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần đúng tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bà Lan cũng yêu cầu người đứng tên cổ phần phải có quan hệ thân quen để không gây khó dễ. Người nào chuyển nơi cư trú ra nước ngoài hoặc bệnh nặng phải tìm ngay người thay thế để tránh rắc rối.
Với những cán bộ cấp cao của SCB, bà Lan cho Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT qua các thời kỳ. Trong đó, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB với lý do “hiền lành, không quậy phá, được lòng người”.
Trước đó, ông Dũng làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa (một trong ba ngân hàng tiền thân của SCB). Ông này trải qua các chức vụ từ trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc, thành viên, phó chủ tịch rồi đến chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB.
Tại cơ quan điều tra, bà Lan không thừa nhận 5 pháp nhân nước ngoài ở Nhật Bản, Singapore sở hữu trực tiếp cổ phần tại SCB. Tuy nhiên, C03 khẳng định có đủ cơ sở kết luận bà Trương Mỹ Lan chi phối toàn bộ quyền cổ đông của các pháp nhân nước ngoài này.
Trong các kỳ đại hội cổ đông, bà Lan giao cho Tạ Chiêu Trung làm ủy quyền từ pháp nhân nước ngoài cho người thân tín ở Vạn Thịnh Phát biểu quyết thay.
Kết luận điều tra cũng chỉ ra, Công ty Việt Vĩnh Phú do Trung điều hành, đại diện tham gia HĐQT SCB có 3 cá nhân nước ngoài sở hữu hơn 49% cổ phần tại Việt Vĩnh Phú và gián tiếp sở hữu 12,8% cổ phần tại SCB.
Tuy nhiên, họ không tham gia bất cứ hoạt động gì tại công ty và ngân hàng này. Dù là cổ đông lớn, số tiền đầu tư gián tiếp không nhỏ vào SCB nhưng bà Lan khai thông tin về họ rất mơ hồ. Bà Lan khai chỉ nhớ tên họ là Simons, Thomas, Kent, người nhiều quốc tịch, không biết cụ thể.
Thậm chí có người đầu tư vào 5 pháp nhân nước ngoài sở hữu cổ phần ở SCB, bà Lan cũng không nhớ tên tuổi, thông tin liên lạc, địa chỉ.
Với việc cấp tín dụng cho khách hàng, bà Lan chỉ đạo phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thực hiện. Với chủ tịch HĐQT, bà Lan chỉ giao cho làm công việc liên quan nhân sự, tổ chức của SCB.
Nguồn: Sưu tầm