Nữ giáo viên trẻ tự tử chỉ sau 2 tháng đi dạy
Sáng ngày 31/10, một người đã đăng tải bài viết về việc câu chuyện đau lòng của em gái mình – cô Lữ (23 tuổi) là giáo viên chủ nhiệm tại trường tiểu học thực nghiệm khu Quản Thành (Trịnh Châu, Trung Quốc). Chị gái của cô Lữ cho biết, vào ngày 22/10, em mình vẫn rời nhà để quay lại trường đi dạy bình thường. Nhưng đến ngày 27 lại bất ngờ nhận được tin đã nhảy lầu tự tử.
“Em gái tôi vẫn luôn là một người lạc quan vui vẻ. Khi rời nhà và trở lại trường vào ngày 22/10, tâm trạng em ấy vẫn rất ổn. Không biết 5 ngày sau đó ở trường đã xảy ra những chuyện gì” – người chị gái chia sẻ.
Được biết, cô Lữ 23 tuổi và mới tốt nghiệp vào năm 2022. Đến tháng 8/2023, cô gái đã trúng tuyển kỳ thi của trường và trở thành giáo viên chủ nhiệm. Không ngờ chỉ 2 tháng sau đó, cô Lữ đã nhảy từ tầng 6, quyết định kết thúc cuộc đời khi còn quá trẻ.
Hình ảnh của cô Lữ
Người chị gái của cô Lữ cũng chia sẻ thêm, hai chị em có rất nhiều ước mơ, chuẩn bị mua xe, tiết kiệm tiền đi du lịch… rất nhiều dự định cho tương lai: “Tôi không thể tin rằng em mình dễ dàng kết thúc cuộc đời chỉ vì một chuyện nhỏ”.
Sau khi cô Lữ nhảy lầu, người chị đã phát hiện trong điện thoại của cô có một bức thư tuyệt mệnh viết vào 23h44 ngày 26/10 – thời điểm trước khi người giáo viên trẻ quyết định tự sát với những nội dung như “Tôi thực sự không thể chịu đựng nổi nữa”, “tôi cảm thấy không thể thở được”, “giống như đang trong một cái lồng vậy”, “mỗi ngày chúng tôi đều phải làm đến hơi thở cuối cùng”…
Cụ thể, trong bức thư có một đoạn như sau:
“Tôi chưa bao giờ nghĩ làm giáo viên tiểu học lại khó đến thế, thực sự rất muốn dạy học sinh thật tốt nhưng những công việc, hoạt động ở trường, sự kiểm tra của lãnh đạo khiến chúng tôi – những sinh viên vừa tốt nghiệp đã trở thành giáo viên đứng lớp mà chưa có nhiều kinh nghiệm – cảm thấy như đang trong một chiếc lồng. Chiếc lồng này cứ ngày càng thu nhỏ, mỗi ngày chúng tôi đều phải làm đến hơi thở cuối cùng.
Đến khi nào một giáo viên mới có thể chỉ cần chuyên tâm vào việc dạy học là được? Một người giáo viên không hạnh phúc, làm sao có thể dạy dỗ những đứa trẻ trở nên tích cực và lạc quan?”.
Đoạn thư tuyệt mệnh được tìm thấy trong điện thoại cô Lữ
“Em gái tôi vốn là một người vui vẻ, lạc quan. Nhưng trong suốt 3 tháng làm việc ở trường, ngày nào em ấy cũng mang trong mình sự tiêu cực. Em luôn muốn trở thành giáo viên và cũng ưu tiên chọn ngành sư phạm ngay từ khi nộp đơn vào đại học. Sau khi tốt nghiệp, em ấy chính thức trở thành giáo viên Ngữ văn. Tưởng rằng mộng ước vừa bắt đầu, lại xảy ra chuyện này” – chị gái của cô Lữ chia sẻ.
Người chị cũng nói thêm, ngay sau khi vào làm, cô Lữ đã được giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp. Khi trò chuyện, cô gái thường phàn nàn rằng ngoài việc giảng dạy, cô còn phải đối mặt với sự kiểm tra, dò xét gắt gao từ cấp trên, soạn các tài liệu, văn bản tuyên truyền cho nhà trường… cũng như những hoạt động ngoại khoá vô cùng căng thẳng. Việc chuẩn bị giáo trình hay lên lớp thực sự là thời gian thư giãn đối với cô gái 23 tuổi.
“Kể từ khi đi làm, em gái tôi hiếm khi được nghỉ vào cuối tuần. Việc rạng sáng mới bắt đầu đi ngủ trở thành thói quen hàng ngày. Ngoài việc chuẩn bị bài, em ấy còn phải làm thêm giờ và tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa khác của nhà trường”.
Một trong những câu chuyện khiến cô nhớ nhất là có hôm dù trời đã tối nhưng em gái vẫn phải đến trường chỉ để … đếm lựu “Vì ngày hôm sau trường tổ chức ‘lễ hội lựu’ nên yêu cầu giáo viên phải quay lại trường để đếm số lượng”.
“Nhiệm vụ của giáo viên không phải là dạy dỗ, giáo dục con người sao? Hàng ngày soạn bài, lên lớp đã mệt rồi, tại sao lại giao cho giáo viên những công việc không liên quan đến việc dạy học?” – Người chị bức xúc bày tỏ.
Nhà trường từ chối cho người nhà xem camera giám sát
Sau đó, một người trong cuộc tiết lộ với chị gái của cô Lữ rằng ngày hôm đó, trước khi tự sát, giáo viên trẻ đã bị hiệu trưởng chỉ trích. Ngoài ra, nếu muốn biết cô Lữ đã trải qua những chuyện gì trong một tuần trước khi tự vẫn đó, nên kiểm tra camera trong trường.
“Gia đình muốn kiểm tra camera giám sát nhưng nhà trường không chấp nhận. Chúng tôi chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra với em trong thời gian ở trường” – Người chị gái cho biết cho biết cô và bố mẹ đã nhiều lần liên lạc với nhà trường tuy nhiên vẫn chưa thể có được một câu trả lời rõ ràng, chỉ nói không liên quan gì đến nhà trường. Thậm chí, tài khoản wechat của cô Lữ hiện đã bị xóa khỏi các nhóm liên quan đến công việc trong trường.
Theo Beijing News, nhân viên thuộc Phòng Giáo dục và Thể thao khu Quản Thành cho biết các cơ quan chức năng liên quan hiện đã can thiệp để giải quyết vấn đề.
Nguồn: Sina