Nội dung nêu tại kết luận ban hành ngày 28/10 của cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS, Công ty xây dựng Faros.
Kết luận thể hiện Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế và các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu trong nhóm FLC, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng. Các bị can còn lừa đảo 3.620 tỷ của các nhà đầu tư thông qua việc nâng khống vốn Công ty Faros rồi bán cổ phiếu.
Cảnh sát phát hiện bản ảnh công văn Tối Mật của Ngân hàng Nhà nước tại văn phòng FLC.
Quá trình điều tra vụ án, ngày 29/3/2022, cảnh sát khám xét tại Phòng công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC và phát hiện email của Trịnh Thị Minh Huế có hình ảnh công văn đóng dấu “TỐI MẬT”.
Công văn này của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành tháng 6/2020, gửi Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc: “Cung cấp thông tin doanh nghiệp kèm theo danh sách 6 doanh nghiệp và 5 cá nhân đại diện pháp luật”.
Phía cơ quan điều tra sau đó trưng cầu giám định nội dung thông tin trong công văn nói trên, xem có phải tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành không và nếu có, nó thuộc độ mật nào.
Cơ quan giám định trả lời, căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000, các quyết định của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an cùng những quy định liên quan, nội dung trong công văn phát hiện tại Văn phòng FLC “không thuộc danh mục bí mật nhà nước” và “không phải tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành”.
Với kết quả giám định trên, cơ quan điều tra xác định việc Trịnh Thị Minh Huế giữ bản ảnh công văn có dấu “TỐI MẬT” của Ngân hàng Nhà nước không cấu thành tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự. Kết luận điều tra không nêu tại sao Trịnh Thị Minh Huế có văn bản này.
Liên quan vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, ông ta bị cảnh sát thu giữ 188 tỷ đồng; kê biên 3 thửa đất khu đô thị mới Mỹ Đình II (Hà Nội), trong đó có 1 thửa rộng 800m2 và 2 thửa rộng gần 200m2.
Em gái ông Quyết, bị can Huế cũng bị kê biên 4 bất động sản gồm một nhà đất tại Khu đô thị Trung Hòa rộng 153m2 cùng 3 nhà đất tại Mỹ Đình II có tổng diện tích hơn 525m2.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành, đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm ngừng giao dịch với bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… đang được đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga (cùng là em gái bị can Quyết).
Khoảng 22 triệu cổ phần và 10 triệu cổ phiếu đứng tên ông Quyết tại nhiều doanh nghiệp cũng bị ngăn chặn giao dịch. Tất cả các tài sản bị thu giữ, kê biên sẽ được dùng phục vụ việc khắc phục hậu quả vụ án.
Nguồn: Sưu tầm