Tối nay 8-10, Asiad 19 chính thức khép lại với lễ bế mạc tại Hàng Châu. Kết thúc Á vận hội lần thứ 19, chủ nhà Trung Quốc để lại dấu ấn đậm nét về công tác tổ chức cũng như vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương.
Trong khi đó ở Đông Nam Á, Thái Lan tiếp tục khẳng định ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng Asiad 19.
Thái Lan là cường quốc thể thao số 1 Đông Nam Á
Dẫn đầu Đông Nam Á trên bảng tổng sắp huy chương Asiad 19 là Thái Lan (12 HCV, 14 HCB và 32 HCĐ), đứng thứ 8 châu Á. So với Asiad 19, thành tích đoàn thể thao Thái Lan tốt hơn. Cách đây 5 năm, các VĐV Thái Lan chỉ giành được 11 HCV và không thể nằm trong top 10.
Xếp sau Thái Lan là Indonesia (7 HCV, 11 HCB và 18 HCĐ). Các đoàn thể thao Malaysia, Philippines và Singapore đứng ở các vị trí tiếp theo.
Kết thúc Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 6 Đông Nam Á và thứ 21 châu Á khi chỉ giành được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ. Ba HCV của Việt Nam được mang về nhờ công của xạ thủ Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ 4 người và đội tuyển karate nội dung quyền biểu diễn.
Thể thao Myanmar cũng có HCV tại Asiad 19 và đứng thứ 7. Bất ngờ hơn cả là Brunei khi đoàn thể thao nước này có 1 HCB và xếp trên các Lào, Campuchia. Timor Leste với 23 VĐV dự Asiad 19 đã không giành được tấm huy chương nào.
Thể thao Việt Nam hụt hơi ở đấu trường châu Á
Trước đó, tại Asiad 18 năm 2018 ở Indonesia, thể thao Việt Nam giành được 4 HCV ở các môn: Điền kinh (1), đua thuyền (1), silat (2). Với thành tích này, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương Asiad 18.
Ngày 8-10, kết thúc Asiad 19, thể thao Việt Nam giành được 3 HCV và có thể nói là hoàn thành chỉ tiêu đạt được số HCV đề ra trong kỳ đại hội. Tuy nhiên xét tổng thể, với việc đứng thứ 6 Đông Nam Á, đây có thể coi là thất bại của thể thao Việt Nam.
Trước đó tại SEA Games 31 năm 2022, SEA Games 32 năm 2023, thể thao Việt Nam luôn đứng vị trí số 1 Đông Nam Á. Tại SEA Games 31, Việt Nam giành đến 205 HCV, bỏ xa Thái Lan đứng thứ hai và chỉ có 92 HCV.
SEA Games 32 mới diễn ra tháng 5-2023 tại Campuchia, thể thao Việt Nam cũng giành đến 136 HCV. Trong khi đó Thái Lan đứng thứ hai với chỉ 108 HCV.
Vậy nhưng chỉ sau 4 tháng, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á đã thể hiện “bộ mặt” khác tại Asiad 19. Người Thái giành đến 12 HCV và đứng thứ 8 châu Á. Trong khi đó, các quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines cũng xếp trên Việt Nam trong bảng tổng sắp.
Thành tích tại Asiad 19 cho thấy thể thao Việt Nam đã hụt hơi ở đấu trường châu Á so với thể thao khu vực. Trong khi nhiều SEA Games gần đây, các cường quốc thể thao Đông Nam Á đã không còn quá chú trọng mà tập trung đầu tư cho Asiad, Olympic thì thể thao Việt Nam vẫn coi SEA Games là đấu trường lớn nhất.
Việc chậm chuyển hướng, thiếu nguồn lực đầu tư đã khiến thể thao Việt Nam bị chính khu vực Đông Nam Á bỏ xa trên hành trình vươn lên tầm châu lục và thế giới.
Theo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, từ năm 2019 thể thao Việt Nam phải đạt 10-15 HCV, xếp hạng từ 10-15 châu Á. Giai đoạn 2020-2030 phấn đấu lọt top 10 nền thể thao hàng đầu châu lục.
Với thành tích giành 3 HCV, xếp thứ 6 Đông Nam Á và thứ 21 châu Á tại Asiad 19, có thể khẳng định thể thao Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu mà Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đề ra.
Asiad 19 khai mạc vào ngày 23-9 và bế mạc ngày 8-10 tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á với trên 12.000 vận động viên. Asiad 19 tổ chức 40 thi với 61 phân môn, 483 nội dung. Đây là kỳ Asiad có đông vận động viên tham dự nhất trong lịch sử.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 với 504 thành viên, trưởng đoàn là ông Đặng Hà Việt – cục trưởng Cục Thể dục thể thao. Trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam có: 337 vận động viên, 90 huấn luyện viên, 11 chuyên gia… đến từ 31 môn và phân môn, thi đấu ở 202 nội dung.
Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam trước khi lên đường là giành từ 2-5 huy chương vàng tại Asiad 19.