Biến bối cảnh phim thành sản phẩm du lịch: Lãnh đạo phải có tầm nhìn?
Nhiều nhà làm phim cho rằng, đối với một bộ phim điện ảnh hay truyền hình, bối cảnh không chỉ đóng vai trò như một “nhân vật” trong diễn tiến của chuyện phim mà còn là chất xúc tác giúp diễn viên “cảm” được cốt truyện, vai diễn… từ đó khơi nguồn cảm xúc cho họ. Ngoài ra, bối cảnh cũng là một trong những yếu tố tăng tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, bối cảnh của một bộ phim đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá để hút khách du lịch. Bởi lẽ đó, khâu đầu tiên mà các đạo diễn thường làm sau khi chốt xong kịch bản là sẽ cùng với bộ phận sản xuất đi các nơi để tìm bối cảnh phù hợp.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trong khuôn khổ chương trình “Điện ảnh – Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang” năm 2023 mới đây, nhà sản xuất Minh Đô (Minh Đô film) chia sẻ: “Năm 2010, khi tôi với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm bộ phim “Những nụ hôn rực rỡ” ở Cam Ranh, Khánh Hòa thì đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã biết kết nối điện ảnh với du lịch rồi. Thời điểm đó, anh Phan Gia Nhật Linh đã có những bài viết rất sâu sắc và sát thực về vấn đề này trên báo chí. Nhưng lúc đó, các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, du lịch, văn hóa… vẫn chưa hề quan tâm đến vấn đề này.
Chuyện biến bối cảnh phim thành sản phẩm du lịch để quảng bá, giới thiệu và hút khách du lịch thì Việt Nam chậm mấy nhịp so với các nước trên thế giới. Mãi đến năm 2015, khi đạo diễn Victor Vũ làm bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì việc này mới được chú trọng. Những hình ảnh về đất trời Phú Yên qua góc máy của nhà quay phim K’Linh quá xinh đẹp và thơ mộng nên sau khi phim công chiếu thì khách du lịch đã ùn ùn kéo đến những nơi này.
Lúc đó, Việt Nam mới nhận ra là điện ảnh quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch cực kỳ tốt. Mới đây, Tuyên Quang đã chủ động mời các đoàn phim về khảo sát và đặt vấn đề kết hợp điện ảnh với du lịch, chúng tôi rất đánh giá cao việc này. Qua việc này đủ thấy tầm nhìn mang tính chiến lược của lãnh đạo tỉnh đối với việc thúc đẩy phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói mang lại tỉ lệ tăng trưởng GDP đáng kể”.
Diễn viên, đạo diễn Mai Thu Huyền cũng bày tỏ rằng: “Mỗi bộ phim, nhất là phim chiếu rạp không chỉ đóng vai trò mang điện ảnh đến với công chúng mà còn là “đại sứ văn hóa”. Những bộ phim tôi sản xuất, tôi luôn cố gắng mang ra công chiếu ở nước ngoài. Ở đây không đơn thuần là chuyện doanh thu mà tôi muốn quảng bá đất nước, con người, văn hóa và điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Bộ phim “Kiều” khi tôi mang đi dự Liên hoan phim quốc tế ở Mỹ, Ấn Độ… một số khán giả, thành viên ban giám khảo và nhà làm phim đã nói với tôi rằng: “Tôi nhất định sẽ đến Việt Nam để thăm thú những cảnh đẹp trong bộ phim”. Như thế để thấy được, bối cảnh phim đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy và quảng bá đất nước, con người Việt Nam.
Thời điểm thực hiện bộ phim “Kiều”, ê-kíp của chúng tôi đã phải đi khắp 22 tỉnh thành để chọn bối cảnh. Vì chúng tôi biết, bối cảnh giờ đây không chỉ phục vụ cho câu chuyện phim mà còn phải góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Tiếc là chưa có nhiều địa phương chủ động mời các đoàn phim về để kết nối di sản, du lịch với điện ảnh như Tuyên Quang”.
Phải tháo gỡ các thủ tục hành chính và có chính sách mời gọi
Thực tế thì mấy năm trở lại đây, một số địa phương đã chủ động thay đổi cơ chế theo hướng thông thoáng và cởi mở để thu hút các đoàn làm phim về quay phim. Tuy nhiên, các rào cản về thủ tục vẫn đang khiến các nhà làm phim e ngại.
Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Quảng (HK film) thú nhận, từ trước đến nay, mỗi khi ê-kíp của ông đến quay phim ở một bối cảnh nào đó đều phải làm rất nhiều thủ tục hành chính. Nếu có quan hệ tốt thì các thủ tục được giải quyết nhanh nhất có thể, còn không quan hệ tốt thì rất loằng ngoằng. Đó là lí do nhiều nhà làm phim thay vì tận dụng các bối cảnh tự nhiên ở địa phương thì lại chuyển sang quay tại trường quay.
“Mới đây, HK film của chúng tôi phim truyền hình 10 tập về đề tài phòng cháy chữa cháy ở Đà Nẵng. Đà Nẵng đã hỗ trợ các thủ tục về giấy phép, xe cứu hỏa và lính cứu hỏa để phục vụ các cảnh quay trong suốt 40 ngày đoàn phim thực hiện bộ phim. Khi nào chúng tôi đề nghị, thành phố đều đáp ứng rất nhanh. Chính điều này khiến cho chúng tôi muốn quay lại nơi này trong các dự án tiếp theo”, ông Nguyễn Hữu Quảng nói.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng bày tỏ: “Một trong những điều mà các nhà làm phim khi đến một tỉnh/thành phố nào đó quay phim đều rất mong muốn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhiều khi một thủ tục nhỏ mà đến cơ quan này lại chỉ sang ban ngành nọ, ban ngành nọ lại chỉ sang phòng ban kia… gây khó khăn rất lớn cho nhà làm phim. Ngoài ra, cũng nên xây dựng hệ thống dữ liệu về bối cảnh tiềm năng của địa phương mình, đăng tải trên website để các nhà làm phim họ dễ nắm bắt, lựa chọn… cũng là một cách thu hút hiệu quả các đoàn làm phim đến với tỉnh mình”.
Đạo diễn Victor Vũ kể rằng, sau khi cùng vợ là diễn viên Đinh Ngọc Diệp đi qua Lâm Bình, Na Hang – Tuyên Quang thì thấy tỉnh này có rất nhiều bối cảnh đẹp có thể đưa vào phim. Đặc biệt, các cảnh đẹp ở Tuyên Quang đa phần còn giữ được nét hoang sơ, diễm lệ, hùng vỹ… đó là những thứ mà các nhà làm phim rất cần.
“Thực ra, phim “Người vợ cuối cùng” lúc đầu định quay ở Tuyên Quang. Nhưng khi tổ khảo sát đi Tuyên Quang về báo lại là có một số bối cảnh đi vào rất khó khăn, không thuận lợi cho việc đưa một khối lượng lớn phương tiện, máy móc vào quay nên chuyển qua quay ở Bắc Kạn. Điều tôi mong muốn nhất đó là không chỉ riêng Tuyên Quang mà các tỉnh/thành phố khác cũng nên tính toán để có sự đầu tư hợp lý với các bối cảnh phim nếu muốn làm du lịch bền vững. Vì bối cảnh đẹp đến mấy mà hệ thống giao thông đi vào khó khăn thì cũng không ai dám mạo hiểm”, đạo diễn Victor Vũ nói.