January 23, 2025

Đạo diễn Trần Lực: Cảnh nóng trong kịch “Búp bê” không dung tục do diễn viên làm chủ được hình thể

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Vụ shipper bị đánh tử vong: Chủ căn nhà mà người phụ nữ thuê để buôn bán bị ném chất bẩn
  • Tạm hoãn xét xử vụ tranh chấp đất đai khiến hai cha con trong một gia đình phải hầu tòa ở Long An
  • Bắt Đậu Thị Tâm ở Hà Nội vì lợi dụng quyền tự do dân chủ

  • Đầu tháng 10, vở kịch “Búp bê” do đạo diễn Trần Lực dàn dựng đã được công diễn tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) với nhiều tín hiệu tích cực từ phía khán giả. Tác phẩm do đạo diễn Lê Hoàng viết kịch bản, nói về viễn cảnh trí tuệ nhân tạo chi phối cuộc sống con người, trong đó xây dựng bốn nhân vật: Một anh chàng trẻ tuổi đẹp trai, tham vọng; một cô gái đôi mươi mộng mơ nhưng nghèo khó; một người đàn ông trung niên giàu có đang tìm vợ để che giấu đi con người thật và một má mì đầy thủ đoạn. Vở kịch đánh dấu lần đầu tiên kịch Lê Hoàng được dựng ở sân khấu Hà Nội, cũng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa Lê Hoàng với đạo diễn Trần Lực.

    Đạo diễn Trần Lực: Cảnh nóng trong kịch "Búp bê" không dung tục do diễn viên làm chủ được hình thể - Ảnh 1.

    Đạo diễn Trần Lực. (Ảnh: NVCC)

    PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Lực về tác phẩm này:

    Anh nảy sinh ý tưởng hợp tác với đạo diễn Lê Hoàng và dàn dựng vở kịch “Búp bê” từ khi nào?

    – Thật ra, tôi với Lê Hoàng biết nhau từ rất lâu và luôn tôn trọng nhau trong nghề nghiệp. Từ thời điểm cuối những năm 1990, đầu năm 2000, tôi đã rất muốn dàn dựng kịch của Lê Hoàng, nhưng do hoàn cảnh chưa thuận lợi nên đành gác lại. 

    Với phong cách ước lệ – biểu hiện mà LucTeam đang theo đuổi, các vở kịch của Lê Hoàng vô cùng phù hợp. Anh ấy viết kịch hiện đại, tiết tấu nhanh, đặc biệt ngôn ngữ sân khấu dày cộp ở trong đó. Chúng tôi không chỉ hợp tác ở vở “Búp bê” đâu, chắc chắn sẽ còn nhiều vở khác sau này nữa.

    Đưa “Búp bê” lên sân khấu của LucTeam, anh có chỉnh sửa gì so với nguyên tác?

    – Nói chỉnh sửa thì không phải, chỉ là tôi có biên tập lại một chút. Các vở kịch của Lê Hoàng luôn có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, mỗi đạo diễn sẽ nhìn thấy vấn đề mình quan tâm trong đó. Trên sân khấu LucTeam, tác phẩm có tên là “Búp bê”, nhưng tên gốc của nó là “Búp bê tình dục”. Khía cạnh tôi khai thác trong vở kịch là sự thay đổi của con người trong thời đại 4.0, khi công nghệ AI và chat GPT ngày càng phát triển. Cũng bởi vậy, tôi biên tập đôi chút nhưng vẫn giữ 100% ngôn ngữ của Lê Hoàng trên sân khấu.

    Sân khấu của kịch “Búp bê” chỉ dùng vỏn vẹn một miếng vải trắng như ga giường và hai chiếc gối. Tại sao anh lựa chọn cách thể hiện vô cùng tối giản này cho vở diễn?

    – Bởi tôi thấy như vậy là đủ. Chỉ bằng chừng đó thứ, LucTeam đã tạo nên một thế giới riêng, tại đó khán giả cùng tưởng tượng theo từng diễn biến của vở kịch. Ở sân khấu đương đại, sự tối giản hết sức quan trọng, nó khiến người xem phải tập trung hoàn toàn vào các hoạt động của diễn viên trên sân khấu.

    Trước đó, trong vở “Cuội”, tôi bài trí sân khấu bằng một chiếc thùng gỗ rất to và phủ lên trên đó miếng vải đen. Tại “Bạch đàn liễu”, hai cây bạch đàn rất to đứng hai bên, đổ ập về phía khán giả vào cuối vở diễn. Có thể thấy, các đạo cụ này đều mang tính tượng trưng mạnh, nhằm tả ý chứ không tả thực. 

    Đạo diễn Trần Lực: Cảnh nóng trong kịch "Búp bê" không dung tục do diễn viên làm chủ được hình thể - Ảnh 2.

    Một cảnh trong vở kịch “Búp bê”. (Ảnh: LucTeam)

    Sau khi xem vở kịch “Búp bê”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao cách dàn dựng của anh, đặc biệt trong những cảnh nhạy cảm. Ông viết: “Búp bê” đã táo bạo, khôn khéo dựng cảnh “nóng” trên sân khấu. Cảnh hay, rất thực mà không tục, không tục nhưng vẫn thực. Đó là nhờ cách đạo của thầy và cách diễn của trò”. Anh có mất nhiều thời gian cho những phân cảnh này?

    – Những kỹ thuật đó là điều không quá xa lạ với diễn viên của LucTeam. Tại sân khấu chúng tôi, diễn viên muốn làm việc được đều phải đa năng, ngoài biểu hiện tốt về tâm lý thì họ còn có khả năng làm chủ các động tác hình thể. Những cảnh nóng trên sân khấu cũng là một trong số đó. 

    Đương nhiên, để truyền tải tới khán giả một cách tinh tế nhất, không phải đến vở diễn này họ mới bắt đầu bắt tay vào luyện tập. Trước đó, các diễn viên đã có quá trình gắn bó lâu dài, trải qua nhiều buổi tập cùng biên đạo. Biên đạo sáng tạo động tác là một chuyện, diễn viên có làm được không lại là chuyện rất khác. Tôi có thể khẳng định hiện tại chỉ có diễn viên của LucTeam mới làm được điều này thôi. Hình thể  không chỉ là uốn dẻo đâu, nó là tinh thần, mà tinh thần đó phải theo thời gian mới “ngấm” vào người được.

    Đó có phải là lý do mà anh không sử dụng một diễn viên ngôi sao nào trong vở diễn “Búp bê”, dù điều đó có thể giúp anh dễ dàng hơn trong việc thu hút khán giả tới rạp?

    – Đúng vậy. Với tôi, chính diễn viên của LucTeam mới là những ngôi sao. Các nghệ sĩ khác đương nhiên nhiều người cũng diễn rất hay, nhưng họ không hợp với phong cách mà tôi đang theo đuổi.

    Lượng khán giả tới với vở kịch “Búp bê” có giống như kỳ vọng của anh?

    – Có hôm rạp đông nghịt khán giả, có hôm lại vắng hơn một chút xíu. Đó là chuyện bình thường của mọi đêm diễn, dù là âm nhạc hay kịch nghệ. 

    Sân khấu sẽ không bao giờ chết bởi nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật là thường trực và tất yếu. Khi có những sản phẩm hay, lạ, khác biệt hẳn những phương tiện giải trí khác, công chúng chắc chắn sẽ tới rạp. Thực tế cho thấy các vở kịch của LucTeam vẫn luôn được công chúng quan tâm, đón đợi. Và bởi vậy, chúng tôi vững tin vào con đường đang đi cũng như luôn cố gắng để những tác phẩm của mình chạm tới trái tim khán giả.

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!