Đúng 2 năm sau khi “đứa con cưng” Penthouse kết thúc, biên kịch Kim Soon Ok tiếp tục gia nhập đường đua phim cuối năm của SBS, lần này là với bộ phim được ví như “anh em sinh đôi của Penthouse ” – Cuộc Chiến Sinh Tồn. Vẫn bối cảnh cuộc đấu đá của giới tài phiệt (hoặc muốn làm tài phiệt), vẫn với nạn nhân là một cô bé ngây thơ, tội nghiệp, lớn lên cùng những người không phải máu mủ của mình, vẫn là cuộc chiến báo thù hứa hẹn là vô cùng tàn khốc. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sau 4 tập lên sóng, Cuộc Chiến Sinh Tồn đã chứng minh được bản thân không phải “bản sao” của Penthouse mà là một bộ phim độc lập, kịch tính và tàn khốc hơn cả tác phẩm đi trước.
Bộ phim khó đoán và lắt léo bậc nhất hiện tại
Cuộc Chiến Sinh Tồn khởi đầu với câu chuyện của cô bé Lee Da Mi (Jung La El), người mới nhận lại mẹ ruột sau bao năm bị bỏ rơi và đổi tên thành Bang Da Mi để có thể thuận lợi trở thành người cùng một nhà với chủ tịch Bang khét tiếng, giàu có. Ra Hee (Hwang Jung Eum), mẹ ruột của Da Mi trong quá khứ từ bỏ con vì không được bố đứa bé chấp nhận, càng không đủ tiền để chữa bệnh cho con gái. Hiện tại, cô ta quay về, diễn vai người mẹ hiền, chỉ mong được chăm sóc và bù đắp cho con. Thực chất Da Mi vẫn còn ký ức hồi nhỏ, cô bé biết lý do tại sao mình trở thành cô nhi và chỉ đồng ý trở về với mẹ ruột để Ra Hee thay mình trả nợ giúp bố mẹ nuôi. Cuộc đời bi kịch từ đây mới bắt đầu khi không chỉ có mẹ ruột coi Da Mi là công cụ kiếm tiền, mặc sức đánh đập cô bé mà từ trường học đến những người không quen biết đều dồn sức để tấn công Da Mi, bảo vệ lợi ích của mình.
Xem 4 tập đầu, khán giả thực sự quá sốc, quá choáng ngợp với những tình tiết diễn ra quá nhanh, dồn dập và thực sự khó đoán. Cách hành xử của khác nhân vật khiến thế giới quan của người xem thực sự đảo lộn. Quả nhiên không hổ danh là biên kịch Kim Soon Ok, cô có thể nghĩ ra những tình huống mà người xem hoàn toàn không thể lường trước được bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tiêu biểu như việc Han Mo Ne (Lee Yoo Bi), một trong số những người phải bị trừng phạt nhiều nhất trong vụ án của Da Mi, bất ngờ chuyển dạ và tự mình sinh con ngay tại trường học dù trước đó còn nhảy múa, ca hát, thậm chí là rượt đuổi với giang hồ. Hay chuyện Da Mi tố tội bố nuôi sau chuỗi những bi kịch của mình và bị bắn (chưa rõ sống chết) trong sự bàng hoàng của cả khán giả lẫn tất thảy những nhân vật còn lại,… Mỗi tập phim trôi qua đều có những chi tiết vượt ngoài tầm kiểm soát của khán giả, lắt léo, khó đoán và càng đáng kinh ngạc hơn khi người xem nhận ra, đây mới chỉ điểm khởi đầu của chuỗi drama sau này, khi trên thực tế, trùm cuối còn chưa lộ mặt.
Nhân vật của Uhm Ki Joon chưa lộ diện sau 4 tập
Drama, tàn khốc và lố hơn Penthouse
Việc chung biên kịch, chung ekip, thậm chí đến cả đạo cụ của Penthouse cũng được dùng lại (trong phim có xuất hiện đồng phục học sinh của Penthouse ) rõ ràng đã khiến Cuộc Chiến Sinh Tồn được chú ý nhiều hơn. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi khiến phim năm lần bảy lượt bị so sánh với “đàn anh” dù trên thực tế, Cuộc Chiến Sinh Tồn còn drama và tàn khốc hơn cả Penthouse.
Không chỉ dừng lại ở bối cảnh một tòa dinh thự, số lượng nhân vật chính ở Cuộc Chiến Sinh Tồn nhiều hơn, xuất thân cũng đa dạng hơn. Họ không chỉ đơn giản là đấu tranh vì tiền bạc hay quyền lực mà còn vì nhiều vấn đề khác. Bởi vậy, cả hai nữ phản diện chính trong phim là Han Mo Ne là Geum Ra Hee đều được cho là phiên bản nâng cấp, ác độc và cay nghiệt hơn hẳn Seok Kyung và Cheon Seo Jin của Penthouse. Han Mo Ne không hề có xuất thân giàu có, cô ta trở nên độc ác không phải vì được nuông chiều sai cách như Seok Kyung mà vì sự tham vọng quá trớn, muốn thoát khỏi bi kịch của sự nghèo đói. Chính bởi vậy, nếu Seok Kyung hoàn toàn có đường lui, dễ dàng được “tẩy trắng” thì với Mo Ne, không ai có thể bênh vực hay cứu cô khỏi vũng bùn mà cô tự tạo ta.
Còn Geum Ra Hee, cô ta cũng tham vọng và tàn độc như Cheon Seo Jin nhưng chí ít, ở Seo Jin còn có sự tồn tại của tình mẫu tử, Ra Hee thì hoàn toàn không. Cảnh tượng Ra Hee đấm thẳng mặt con gái trong đêm mưa, một cái đấm dứt khoát trong sự bàng hoàng của người xem; hay khi cô quật ngã con gái, khiến Da Mi đập mình vào bể cả, ngã sõng soài giữa rất nhiều mảnh thủy tinh,… thật sự không còn một chút tình mẹ con nào cả. Trên thực tế, Ra Hee từng thương con, thậm chí cô ta từng khóc nức nở khi phải bỏ lại con mình trên cầu vì không có tiền chữa bệnh cho Da Mi. Sau chưa đầy 15 năm, không ai biết điều gì đã khiến Ra Hee thay đổi đến vậy, đến mức phá hủy hoàn toàn logic trong tác phẩm, đảo lộn cả nhân sinh quan của người xem.
Mới chỉ 4 tập phim mang vai trò dẫn dắt khán giả đến với nội dung chính mà người xem đã có quá nhiều lần phải hoài nghi về thế giới quan của biên kịch Kim Soon Ok. Dĩ nhiên khi nghe đến cái tên này, khán giả sẽ phải chấp nhận rằng phim của cô sẽ lược bỏ hoàn toàn yếu tố logic, càng kịch tính, drama, càng thâu tóm tâm lý khán giả thì phim càng thành công.
Giống như chi tiết Mo Ne sinh con tại trường sau đó ngay lập tức phục hồi sức khỏe, gây sốc – phi lý – không thể tồn tại ngoài đời thật, là những điều mà khán giả nói về phân cảnh này. Và chính hiệu ứng truyền miệng, sự hoang mang tột độ về một chi tiết đã khiến Cuộc Chiến Sinh Tồn nghiễm nhiên trở nên nổi tiếng hơn. Nhà đài thậm chí còn chẳng cần phải đẩy mạnh quảng bá, Cuộc Chiến Sinh Tồn cũng chẳng có nền tảng trực tuyến lớn chống lưng nhưng nó vẫn là một “miếng mồi ngon” với cả khán giả, người qua đường và cả giới truyền thông, tất thảy đều săn đón. Đó là công thức thành công của Kim Soon Ok và lần này nó vẫn tiếp tục mang tới hiệu quả tích cực.
Dĩ nhiên, vẫn phải đề cập đến những mặt trái của công thức này. Việc phim có quá nhiều tình huống gây sốc, bạo lực quá đà và phi logic cũng phần nào khiến cho Cuộc Chiến Sinh Tồn bị một bộ phận khán giả quay lưng. Đặc biệt là việc bạo hành trẻ vị thành niên (đối tượng là nhân vật Da Mi) tuy là nguồn cơn của cả tác phẩm nhưng lại là thứ khiến phim nhận về nhiều chỉ trích nhất. Những chi tiết phi logic như nhân vật năm lần bảy lượt từ cõi chết trở về ở Penthouse , khách quan mà nói, cũng không đến mức khiến khán giả phải bất bình như cảnh tượng mẹ ruột đánh con không một chút đắn đo ở Cuộc Chiến Sinh Tồn.
Dàn diễn viên chất lượng nhưng diễn xuất cường điệu khó làm hài lòng mọi khán giả
Một điểm cộng của Cuộc Chiến Sinh Tồn chính là ở dàn diễn viên thực sự chất lượng. Uhm Ki Joon, Shin Eun Kyung, Yoon Jong Hoon đều là những gương mặt đã khẳng định được vị thế sau Penthouse. Kể cả hiện tại, Uhm Ki Joon chưa chính thức lộ diện, khán giả cũng chẳng có gì phải lo ngại về diễn xuất của anh. Những nhân tố mới như Hwang Jung Eum, Lee Yoo Bi, Lee Joon, Jung La El,… đều có những màn thể hiện rất tốt, thành công dẫn dắt cảm xúc của khán giả.
Jung La El
Shin Eun Kyung
Lee Yoo Bi
Yoon Jong Hoon
Một vấn đề đáng nói ở đây là việc diễn xuất của dàn cast Cuộc Chiến Sinh Tồn, đặc biệt là nữ chính Hwang Jung Eum bị cho là quá cường điệu. Dĩ nhiên, sự cường điệu này phù hợp với một tác phẩm mà không có bất cứ nhân vật nào thực sự bình thường. Nhưng với một bộ phận khác giả không quen với kiểu diễn xuất này, dễ hiểu khi họ cảm thấy có phần khó chịu. Dù vậy vẫn không thể phủ nhận nỗ lực của các diễn viên trong việc làm tròn vai diễn của mình, nhất là Hwang Jung Eum, khi cô đã thoát khỏi hình tượng “nữ hoàng rom-com”, “nữ hoàng phim bi” để có một vai diễn màu sắc hơn, đáng nhớ hơn.
Chấm điểm: 3,5/5
Cuộc Chiến Sinh Tồn là một tác phẩm không thực sự dành cho tất cả khán giả. Dĩ nhiên nó không phải phim hàn lâm nghệ thuật, nội dung cao siêu gì. Chỉ là nó mang tới một thế giới quan rất khác so với những gì mà người xem có thể hình dung. Chặng đường phía trước còn dài, cứ tiếp tục chờ đợi xem biên kịch Kim sẽ có còn làm gì để “phá hủy” thế giới quan của khán giả!
Nguồn ảnh: SBS