1. Kabaddi
Là môn thể thao đồng đội ra đời ở Ấn Độ, chưa có quốc gia nào thắng được “cha đẻ” của môn này cho đến năm 2018. Ấn Độ đã giành được bảy chức vô địch nam liên tiếp trong giai đoạn từ năm 1990-2014, trước khi Iran chấm dứt sự thống trị của họ bằng cách giành huy chương vàng tại Asiad 18 ở Jakarta.
Trò chơi được thực hiện bởi hai đội, với bảy người mỗi đội chơi trong hai hiệp và thời gian mỗi hiệp 20 phút (cộng thêm 5 phút nghỉ giữa hiệp).
Ý tưởng của trò chơi là ghi điểm bằng cách một cầu thủ tiến vào sân đối phương và chạm vào càng nhiều đối thủ càng tốt mà không bị bắt giữ. Đặc biệt người tấn công này phải vừa thực hiện nhiệm vụ vừa liên tục hô vang “kabaddi”.
2. Quần vợt mềm
Quần vợt mềm (Soft Tennis) có nguồn gốc từ Nhật Bản, được chơi với một quả bóng cao su mềm hơn và một cây vợt nhẹ hơn các loại được sử dụng trong trò chơi thông thường.
Nó đã trở thành môn thể thao chính thức của Đại hội thể thao châu Á vào năm 1994 ở Hiroshima. Môn thể thao này được thống trị bởi Hàn Quốc, đội đã giành được 25 trên 41 huy chương vàng. Quần vợt mềm là một trong những môn có trong chương trình thi đấu chính thức của Asiad 19.
3. Kurash
Đây là môn thể thao đã xuất hiện nhiều ở SEA Games nhưng phải đến Asiad 18 môn này mới được đưa vào thi đấu.
Kurash là môn thể thao được phát triển ở Uzbekistan, có nguồn gốc từ các hình thức đấu vật cổ xưa trên khắp Trung Á. Các đô vật mặc áo choàng tương tự như trong judo và mục tiêu của họ là vật ngã đối thủ để ghi điểm.
Uzbekistan thống trị môn thể thao này khi nó được giới thiệu tại Asiad 18, họ giành 5 trên tổng số 6 huy chương vàng của giải.
4. Cờ tướng (Xiangqi)
Đây là một trò chơi cờ bàn chiến lược có nguồn gốc từ Trung Quốc và tương tự như cờ vua, đại diện cho một trận chiến giữa hai đội quân, với mục tiêu là chiếu tướng.
Xiangqi còn được gọi là cờ vua Trung Quốc hoặc cờ voi, hai người chơi đặt các quân đen và đỏ trên một bàn cờ với ngang 9 dòng và dài 10 dòng, trái ngược với cờ vua được chơi trên một bàn cờ 8 x 8.
Sự kiện này là một phần của Đại hội thể thao châu Á 2010 tại Quảng Châu, với việc Trung Quốc giành được bốn trong số sáu huy chương, bao gồm huy chương vàng ở các nội dung thi đấu nam và nữ.