January 23, 2025

“NSND Đào Trọng Khánh hài hước vượt qua cái nghèo và nỗi buồn”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Vụ shipper bị đánh tử vong: Chủ căn nhà mà người phụ nữ thuê để buôn bán bị ném chất bẩn
  • Tạm hoãn xét xử vụ tranh chấp đất đai khiến hai cha con trong một gia đình phải hầu tòa ở Long An
  • Bắt Đậu Thị Tâm ở Hà Nội vì lợi dụng quyền tự do dân chủ

  • Mỗi khi xuất hiện, NSND Đào Trọng Khánh luôn đem đến cho đồng nghiệp trẻ ở độ tuổi con, cháu ông một bầu không khí vui vẻ, thân tình. Ông được các đàn em thân thiết yêu mến gọi bằng cái tên thân mật “Bầu” Khánh.

    "NSND Đào Trọng Khánh hài hước trước để vượt qua cái nghèo, sau này để vượt qua nỗi buồn” - Ảnh 1.

    NSND Đào Trọng Khánh. Ảnh: Đình Toán

    Quay phim, đạo diễn NSƯT Đinh Anh Dũng từng làm việc với đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh từ khi mới tốt nghiệp vào khoảng năm 1982, 1983. Khi đó, NSND Đào Trọng Khánh vừa như một người thầy, người cầm quân, người đã gieo vào chàng quay phim trẻ Đinh Anh Dũng những điều đẹp nhất về bộ môn nghệ thuật thứ 7.

    NSƯT Đinh Anh Dũng khi đó cùng NSND Lê Hồng Chương, NSND Nguyễn Thước theo chân NSND Đào Trọng Khánh rong ruổi nhiều ngày để thực hiện những thước phim tài liệu nổi tiếng sau này.

    Bộ phim1/50 giây cuộc đời cuộc đời do NSND Đào Trọng Khánh làm đạo diễn, NSƯT Đinh Anh Dũng quay phim đã đoạt giải 2 giải Bông Sen Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1985.

    Chia sẻ với Dân Việt về những năm tháng gần gũi NSND Đào Trọng Khánh cả về công việc, lẫn cuộc sống, NSƯT Đinh Anh Dũng bày tỏ:

    “Tôi luôn nhớ về thời gian đã cùng đạo diễn Đào Trọng Khánh, trải qua những giai đoạn khó khăn nhất. Đó là giai đoạn năm 1982. Thời gian đó làm phim rất khổ, tiền bạc thiếu thốn và cũng chính vì thế lại có nhiều kỷ niệm.

    Thời những năm 80, NSND Đào Trọng Khánh Khánh được Hãng phim Tài liệu phân cho 1 phòng chỉ có 4 mét vuông, 2 mét chiều ngang, 2 mét chiều dọc để ở một mình. Một bên là kê giường, một bên để đồ sinh hoạt ăn uống. Dù căn phòng nhìn có vẻ rất đơn sơ nhưng ông vẫn luôn rất lạc quan. Ông còn hài hước gọi đó là “villa positive”. Nguyên do là vì cái cửa rất sập sệ nên ông đi xin các thước phim positive làm rèm. Ông cũng tạo vẻ phong lưu cho căn phòng khi xin được ở đâu về một con chó đá đặt trước cửa. Chính sự hài hước, lạc quan của ông đã khiến người nghệ sĩ ấy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

    "NSND Đào Trọng Khánh hài hước trước để vượt qua cái nghèo, sau này để vượt qua nỗi buồn” - Ảnh 2.

    NSƯT Đinh Anh Dũng. Ảnh: NVCC

    Chúng tôi lúc ấy đi làm phim rất vất vả, không có tiền, thậm chí là đói đến mức từng phải vào chùa xin ăn. Hồi đó, còn có cả anh Nguyễn Thước và Lê Hồng Chương đi cùng, rất vui. Tất cả chúng tôi hay gọi NSND Đào Trọng Khánh là “ông bầu”, là thủ lĩnh. Bởi là ông là người rất giỏi, luôn gieo cho chúng tôi nhiều cảm hứng và mơ mộng. Ông vốn là biên kịch, nhưng sau này là đạo diễn. Ông rất giỏi về văn chương, ứng tác. Dù rất tài năng nhưng cả cuộc đời, chưa bao giờ ông sướng theo nghĩa giàu có mặc dù ông là người “chất chơi”. Ông đặc biệt rất thích bia rượu, mặc dù thời đó việc uống bia rất khó khăn.

    Vào một mùa hè, tôi nhớ khi đó ông là người cao to tầm 90kg, ông đi chiếc xe đạp ọc ạch đi… bán xích líp. Chúng tôi có 1 bộ xích líp xe đạp muốn bán kiếm tiền uống bia vì lúc đó trời rất nóng. Thầy trò cùng nhau đi dọc phố Huế, khu chợ Trời nhưng bán không được giá nên quyết định không bán nữa. Và vậy là không được uống bia. Giờ kể ra mọi người thấy chuyện đó có lẽ rất kì dị. Nhưng thời đó bia rất hiếm, được uống bia chai là chuyện không tưởng. Trong khi chúng tôi chỉ gọi là thích, còn với NSND Đào Trọng Khánh bia rượu là một đam mê.

    Sau này, đời sống đỡ hơn nhưng vẫn là khó khăn với NSND Đào Trọng Khánh. Ông là người rất tài hoa nhưng lận đận. Sau năm 1984, tôi về lại Sài Gòn để sinh sống và đi nhiều nơi nên ít có dịp gặp được ông. Vào những lần tôi ra Hà Nội để làm việc, ông sống ở Hoàng Hoa Thám, tôi ngỏ ý đến thăm nhà ông nhưng ông không muốn, chúng tôi thường gặp nhau ở quán bia. 

    Sau đó NSND Đào Trọng Khánh không làm ở Hà Nội mà về Hải Phòng. Vào năm 2015 tôi hay ra Bắc để làm Lễ hội Hoa phượng Đỏ. Khi gặp lại ông kể cho tôi biết một điều đau lòng là ba người con của ông Khánh đều đã mất và mất ở độ tuổi 40. Có lần đi công tác ở Hải Phòng, tôi muốn đến thăm ông nhưng ông lại từ chối không muốn gặp. Sau đó đến giai đoạn năm 2017 – 2018, tôi cùng những đồng nghiệp như NSND Nguyễn Thước, NSND Lê Hồng Chương có may mắn cùng ông tụ họp một bữa.

    "NSND Đào Trọng Khánh hài hước trước để vượt qua cái nghèo, sau này để vượt qua nỗi buồn” - Ảnh 3.

    NSND Đào Trọng Khánh trong buổi ra mắt sách “Đất và người” tại Hà Nội năm 2020. Ảnh: Thủy Vũ

    Ông vẫn hài hước, dí dỏm. Ngày xưa sự hài hước, dí dỏm của ông để vượt qua cái nghèo, còn sau này để vượt qua cái buồn. Tôi nghĩ với những mất mát của cuộc sống riêng, ông chắc hẳn rất buồn nhưng ông luôn như vậy, phong thái, tài năng. Tính cách hài hước, lạc quan đã tạo động lực cho ông sống tiếp.

    NSND Đào Trọng Khánh là một người rất đặc biệt, lẽ ra một người giỏi thì cuối đời phải sướng nhưng tôi cho rằng, ông không phải người may mắn, gọi ông là người “tài hoa bạc mệnh” không biết có đúng không!

    Tôi rất quý và trọng ông. Vì những gì tôi nhận được từ ông khi tôi còn trẻ. Ông là người gieo vào đầu, truyền đạt cho tôi ý tưởng văn học, nghệ thuật, sự lãng mạn, thẩm mỹ điện ảnh.

    NSND Đào Trọng Khánh luôn luôn có những ý tưởng dồi dào. Các tác phẩm của ông đều rất thơ, rất gợi từ tên gọi, lời bình: Giữ trong tầm mắt, Đi tìm tổ chim bói cá, Vũ nữ Trà Kiệu, Chuyến tàu đi vào thế kỷ chưa biết, …

    Trước kia ông cũng là nhà thơ với bút danh Đào Nguyễn. Ông rất thân với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Lúc đó tôi chưa đọc thơ Lưu Quang Vũ nhiều và Lưu Quang Vũ cũng chưa nổi tiếng về kịch, trước giai đoạn Tôi và chúng ta.

    "NSND Đào Trọng Khánh hài hước trước để vượt qua cái nghèo, sau này để vượt qua nỗi buồn” - Ảnh 4.

    NSND Đào Trọng Khánh và bạn bè tại Hà Nội. Ảnh: Thủy Vũ

    Có một lần đi quay phim về, mấy thầy trò dừng lại trước cảnh tượng hoàng hôn, ông đọc thơ Lưu Quang Vũ bằng giọng truyền cảm rất hay, làm tôi ấn tượng mãi.

    Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng từng nói rằng, rất tiếc khi nhà thơ Đào Nguyễn lại bỏ thơ để đi làm phim, và làng thơ Việt đã có một mất mát lớn.

    Tuy vậy, nhờ xuất phát điểm là nhà thơ, NSND Đào Trọng Khánh đã có được thành công khi các bộ phim tài liệu mà ông đảm nhận vai trò biên kịch, đạo diễn hay đơn giản chỉ tham gia viết lời bình, đều mang đậm chất trữ tình. NSND Đào Trọng Khánh quan niệm, mỗi bộ phim tài liệu là một bài thơ bằng hình ảnh và ông trung thành với sứ mệnh sáng tác đó khi cho ra đời những bộ phim mà ngay cả cái tên cũng ý nhị, gợi hình như 1/50 giây cuộc đời cuộc đời, Vũ nữ Trà Kiệu, Người yêu dấu ở Lũy Hoa, Hòn Thơm của bé… Phim của ông luôn có chất thơ vì lời bình hay và sâu sắc.

    Thời gian thấm thoắt qua đi, có một thời gian tôi cũng có suy nghĩ sẽ chẳng còn dịp được gặp người thầy của mình, cũng như những người bạn năm xưa, nên đã cố gắng hết sức liên lạc với mọi người để có một buổi tụ họp. Tuy nhiên sau đó dịch bệnh liên miên, tình hình của NSND Đào Trọng Khánh ra sao tôi cũng không được rõ. Giờ mới biết được sự tình, quả thực quá đau buồn cho người nghệ sĩ tài hoa”.